TIN LIÊN QUAN | |
3 mục tiêu quan trọng giúp kinh tế ASEAN sớm hồi phục 'chấn thương' hậu Covid-19 | |
ASEAN 2020 thúc đẩy bình đẳng giới, chung tay nâng cao vị thế của phụ nữ |
Toàn cảnh Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới chính sách thuế vền vững trong khối ASEAN - Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”. (Ảnh: P.T) |
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Đây cũng là nghiên cứu mà VEPR phối hợp với Tổ chức Oxfam, Liên minh Thuế và Công bằng Tài chính châu Á (TAFJA), tổ chức PRAKARSA và Liên minh Thuế Việt Nam (VATJ).
Phát biểu trong buổi Hội thảo, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, khu vực ASEAN hiện đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng kinh tế chưa từng có. Một số quốc gia thành viên vẫn có tỷ lệ nghèo ở mức cao nhất trên thế giới, trong khi chính phủ của hầu hết các nước chưa có sự đầu tư đúng mức vào các dịch vụ công thiết yếu.
Do vậy, cần quan tâm hơn về hệ thống thuế lũy tiến và chi ngân sách cho các dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục, an sinh xã hội). Đây là những biện pháp hiệu quả nhất để chống lại tình trạng đói nghèo và giảm bất bình đẳng.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu của VEPR đã chỉ ra rằng, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có mức thâm hụt ngân sách trong một thời gian dài. Malaysia, Myanmar và Lào đều thâm hụt ngân sách trong tất cả các năm của giai đoạn 2000-2020. Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines có từ 17 đến 20 năm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, VEPR cũng chỉ ra rằng, ASEAN đang đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lớn và một số quốc gia ghi nhận mức nợ công cao. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi các nước tăng chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm 2020, con số thâm hụt ngân sách dự kiến có tỷ lệ trung bình 4,2% GDP.
Đồng thời, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế lớn đối với các nhà đầu tư. Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống 21,7% vào năm 2020.
Ngoài ra, một số nước thành viên ASEAN áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi khác dựa trên lợi nhuận để kéo thấp thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp. Điều này khiến ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế (VEPR), đây chính là thời điểm ASEAN và các nước thành viên tăng cường hợp tác và thống nhất với nhau về tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khu vực. Các chính phủ cần ngăn chặn các thực hành thuế có hại gây thất thu ngân sách, mất đi nguồn lực để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên.
Để hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN, các chuyên gia đưa ra 4 khuyến nghị, đó là:
Thứ nhất, ASEAN cần lập danh sách đen và danh sách trắng về ưu đãi thuế. Trong đó, ASEAN cần áp dụng một cơ chế khu vực giám sát các chính sách thuế và cùng đồng thuận những ưu đãi nào nên được liệt kê vào danh sách đen hoặc danh sách trắng.
Thứ hai, ASEAN cần thiết lập mức thuế suất tối thiểu trong nội khối. Trước hết, ASEAN cần chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Mức thuế suất thực nộp tối thiểu nên được ASEAN thảo luận một cách kỹ lưỡng và nên quanh mức từ 12,5% đến 20%.
Thứ ba, ASEAN cần thống nhất các quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế. Trong mọi trường hợp, bất kỳ ưu đãi thuế nào cũng phải có một thời gian áp dụng rõ ràng và ngày kết thúc được quy định trong luật.
Thứ tư, tất cả quốc gia thành viên ASEAN nên công bố báo cáo chi qua thuế hàng năm một cách minh bạch, và công bố cùng với báo cáo ngân sách quốc gia hàng năm.
| Hướng tới Cộng đồng ASEAN 'gắn kết và chủ động thích ứng' TGVN. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ ủng hộ và sẵn sàng hợp tác thực hiện các sáng kiến do Việt Nam đề ... |
| Covid-19 là ‘lời cảnh tỉnh’ về hợp tác nội khối trong ASEAN TGVN. Bài toán cũng như lời giải cho kinh tế nội khối trong ASEAN đã được nhiều quan chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính ... |
| ASEAN quyết tâm duy trì đà hợp tác, nỗ lực đạt được các mục tiêu đã đề ra TGVN. Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26, các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác, nỗ lực ... |