Đó là nhận định trong bài viết của đồng tác giả Sanchita Basu Das và Phạm Thị Phương Thảo, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á ở Học viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore). TG&VN xin giới thiệu cùng độc giả bài viết này.
Xử lý “hiệu ứng mỳ ống”
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại khu vực tham vọng nhất cho đến thời điểm hiện tại, bao gồm 30% thương mại và GDP toàn cầu.
RCEP nỗ lực tạo ra các mối liên kết kinh tế chặt chẽ hơn giữa bốn khu vực địa lý là Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á, đồng thời hướng tới củng cố mối quan hệ kinh tế giữa 48% dân số thế giới. Là động lực chính của RCEP, ASEAN không những đang tìm cách tự khẳng định vị thế của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn mong muốn gặt hái được những thành quả kinh tế cũng như chính trị từ thỏa thuận này.
16 quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy một kết thúc ý nghĩa cho RCEP vào cuối năm nay. (Nguồn: ASEAN.org) |
ASEAN cũng không còn xa lạ với các thỏa thuận thương mại khi đã ký kết thỏa thuận thương mại khu vực đầu tiên với Trung Quốc vào năm 2002. Tiếp đó, hiệp hội này cũng đã ký các FTA độc lập với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Chính điều đó đã tạo ra một “hiệu ứng mỳ ống” - "spaghetti bowl", khiến các doanh nghiệp trong ASEAN phải đối mặt với các điều khoản chồng chéo nhau, các mức thuế khác nhau và các quy định về nguồn gốc xuất xứ (ROO) trong hoạt động buôn bán với các nước nêu trên.
RCEP sẽ giảm thiểu các rào cản phức tạp mang tính cấu trúc này bằng cách tinh giản các quy tắc và thủ tục liên quan đến cơ sở hạ tầng hải quan và thương mại. Về mặt thực tiễn, các doanh nghiệp ASEAN sẽ thực hiện theo một bộ quy trình thay vì phải hoạt động theo 5 bộ luật khác nhau khi giao dịch với các đối tác trong RCEP. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho việc kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn và tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN như một điểm đến thương mại và đầu tư.
Ngay cả khi ASEAN đang phấn đấu để đạt tới tầm nhìn xa hơn của thương mại nội khối do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại thì một thực tế cho thấy sự bất lợi là hoạt động thương mại nội khối của 10 thành viên ASEAN chỉ chiếm khoảng 25% tổng hoạt động thương mại, con số này còn khá hạn chế so với con số 70% của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, hoạt động thương mại của ASEAN với Trung Quốc chiếm khoảng 15%, với Nhật Bản chiếm 10% và với các nước không phải thành viên của RCEP chiếm 11%.
Chung tay giải quyết vấn đề cốt lõi
Tự thân các nỗ lực hội nhập của ASEAN khó có thể duy trì được mong muốn tăng trưởng dài hạn và sự thịnh vượng chung khi chuỗi giá trị sản xuất của khu vực được liên kết với các thành viên khác trong RCEP.
Do đó, những gì RCEP mang tới không chỉ là lấp đầy những khoảng trống hiện có trong các hiệp định thương mại song phương của ASEAN với các đối tác mà còn thúc đẩy và tăng cường quan hệ thương mại nội khối dựa trên nền tảng AEC và giữa ASEAN với các đối tác thương mại khu vực. Điều này sẽ có tác động tích cực đến khoảng 61% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
Ảnh minh họa: Các quốc gia cần hướng tới những đồng thuận để tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong RCEP. (Nguồn: AP) |
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho thấy hầu như tất cả các thành viên của ASEAN sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ RCEP so với các hiệp định thương mại song phương hoặc thương mại nội khối của ASEAN hiện tại. Với các FTA riêng biệt, cùng một mặt hàng có thể bị đánh thuế khác nhau với các biểu thuế quan khác nhau. Hệ quả là chi phí cho hoạt động thương mại gia tăng, làm nản lòng các doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi do các FTA mang lại.
Vì vậy, RCEP sẽ giải quyết vấn đề cốt lõi này bằng cách hợp nhất các FTA song phương thành một cấu trúc thượng tầng kinh tế để thực hiện đồng nhất các quy tắc cho tất cả 16 nước thành viên. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều sẽ có các ưu tiên cần thiết để giảm chi phí giao dịch qua biên giới trong khu vực.
Còn quá sớm để kết luận rằng RCEP có chuyển đổi mô hình trong khuôn khổ thương mại quốc tế của ASEAN hay không, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và còn nhiều vấn đề các bên cần chung tay giải quyết. Các chương quan trọng về thương mại hàng hoá và dịch vụ cũng như đầu tư vẫn chưa hoàn tất. Nhiều vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp cũng chưa có sự đồng nhất.
Trong khi một số quốc gia đang thận trọng mở cửa thị trường của mình đối với Trung Quốc – một cường quốc kinh tế, đồng thời có một quan điểm mang tính bảo hộ thì một số quốc gia lại tìm kiếm lợi ích bằng cách tập trung vào đàm phán thương mại dịch vụ thay cho thương mại hàng hoá. Đại diện của 16 quốc gia sẽ tụ họp trong vòng đàm phán thứ 20 tại Incheon, Hàn Quốc vào tháng 10 tới. Mọi con mắt đều đang hướng vào những bước đi trong đàm phán RCEP với hy vọng nó có thể được hoàn tất căn bản vào năm nay.
RCEP là bằng chứng cho thấy tương lai của ASEAN không chỉ nằm ở việc tăng cường khả năng kết nối giữa các thành viên nội khối và các đối tác lân cận mà còn khẳng định vai trò trung tâm không thể tranh cãi trong khu vực địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời khi nào RCEP thực sự được hoàn tất song các quốc gia cần phải hiểu được tầm quan trọng và lợi ích trong dài hạn của RCEP đối với nền kinh tế và cần phải hướng đến những đồng thuận chung, tháo gỡ những vướng mắc mà RCEP đang gặp phải.