📞

Ba kịch bản địa chính trị ở châu Á hậu Covid-19

14:21 | 17/04/2020
TGVN. Trong tập báo cáo mới của Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) mang tựa đề “On the horizon” (Trên đường chân trời), các học giả đã đưa ra những nhận định sâu sắc về những thay đổi cơ bản có thể dự đoán được về thế giới, kinh tế và xã hội hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.    
Dù đại dịch chỉ là một biến số trong cấu trúc quan hệ quốc tế của châu Á, thì đó vẫn là một cú sốc lớn không rõ khi nào mới kết thúc. (Nguồn: Foreign Policy)

Cảnh giác trước những dự đoán

Theo các chuyên gia của CSIS, trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Washington chắc chắn sẽ phải trả giá cho những thất bại ban đầu ở trong và ngoài nước, trong khi Bắc Kinh tích cực nỗ lực củng cố các lợi ích ngoại giao sau khi hồi phục từ cú sốc ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán rằng một cú sốc ngắn hạn đối với nền kinh tế toàn cầu theo cách nào đó sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo khu vực hoặc toàn cầu trong một thời gian dài.

Trên thực tế, những dự đoán được đưa ra ngay sau các “cú sốc” bất ngờ đối với hệ thống quốc tế thường không chính xác. Sau sự kiện ngày 11/9/2001, trong Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ, chính quyền Bush đã dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ nâng cao hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu điều mà chính quyền Obama đã lặp lại trong Chiến lược An ninh quốc gia sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cũng đã được chứng minh là sai.

Các nhà lý luận về quan hệ quốc tế dự đoán, khi kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, Trung Quốc sẽ không thể tự mình vượt qua cú sốc kinh tế đang tác động tới những nước còn lại trên thế giới.

Gần một nửa thị trường xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang bị đóng cửa vì đại dịch, và sự phục hồi trong nước của chính Trung Quốc cũng đang bị cản trở bởi ngành dịch vụ, vốn chiếm 60% GDP, vẫn trong giai đoạn ngưng trệ.

Hơn nữa, Trung Quốc thời hiện đại chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc suy thoái, trong khi bản thân Mỹ đã nhiều lần hồi phục thành công kể từ cuộc Đại suy thoái. Cổ phiếu của Mỹ trên tổng giá trị cổ phiếu toàn cầu thực sự gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 (chiếm hơn 50% giá trị cổ phiếu toàn cầu), và USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới, có mặt trong hơn 90% tổng số giao dịch toàn cầu.

“Chưa có dấu hiệu nào cho thấy đại dịch sẽ thay đổi những thực tế cơ bản này, cho dù nền kinh tế toàn cầu tạm thời chịu thua trước những ảnh hưởng của nó”, Báo cáo nhận định.

Báo cáo cho rằng, dù đại dịch chỉ là một biến số trong cấu trúc quan hệ quốc tế của châu Á, thì đó vẫn là một cú sốc lớn không rõ khi nào mới kết thúc.

Ba kịch bản

Theo các chuyên gia, điều tốt nhất có thể làm lúc này là nắm bắt phạm vi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo 3 kịch bản trong 5 năm tới, được trình bày theo thứ tự khả năng xảy ra như sau:

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ gia tăng nhưng quan điểm về các nước lớn không thay đổi.

Cho dù cuộc khủng hoảng Covid-19 không làm thay đổi đáng kể sức mạnh và những khác biệt về vị thế giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sắc thái của mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi theo những chiều hướng đáng chú ý.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những nước còn lại ở châu Á sẽ ủng hộ việc Washington tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh. Mặc dù sự bất hòa giữa Mỹ và các đồng minh không dẫn tới việc các nền dân chủ lớn như Nhật Bản hay Canada đứng về phía Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ đẩy các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á vào tình thế khó xử.

Một cuộc khảo sát mới của CSIS về giới tinh hoa chiến lược ở Đông Nam Á cho thấy mối quan tâm hàng đầu của họ trong lĩnh vực an ninh trước khi dịch bệnh xuất hiện là tình trạng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Sắc thái mới trong quan hệ Mỹ-Trung khiến điều này trở nên vô cùng khó khăn. Kết quả cuối cùng sẽ là sự bế tắc trong việc thiết lập vị thế ở châu Á.

Thứ hai, Mỹ khôi phục vị trí lãnh đạo và xây dựng thể chế đa phương.

Cho đến nay, Mỹ hầu như chưa thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực trong bối cảnh này - trái ngược với việc chính quyền Bush thành lập nhóm gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để xử lý cuộc khủng hoảng sóng thần năm 2004 hay việc chính quyền Bush và chính quyền Obama thành lập nhóm G20 để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và cải thiện quan hệ hợp tác sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các thể chế khu vực ở châu Á thường xuất hiện sau các cuộc khủng hoảng (chẳng hạn như các Cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức vào năm 2003 sau khi Triều Tiên vi phạm Thỏa thuận khung hay Sáng kiến Thượng Hải - mà không có sự tham gia của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998).

Cả Bắc Kinh và Washington đều chưa có bất kỳ động thái nào nhằm thúc đẩy một cấu trúc thể chế liên Á mới để đối phó với đại dịch hay tác động kinh tế của nó. Tuy nhiên, cấu trúc hiệu quả nhất sẽ là cấu trúc bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc và đòi hỏi giữa hai nước phải có chung một mục đích nào đó.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của chính quyền Mỹ đã mang lại một khuôn khổ hữu ích cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc thông qua việc liên kết một cách cởi mở và toàn diện với các đồng minh và đối tác dân chủ.

Tuy nhiên, chiến lược này luôn bị cản trở bởi sự bốc đồng gắn liền với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Chẳng hạn như, chính quyền Mỹ đã rút ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc trả gấp 5 lần chi phí cho binh lính Mỹ đóng quân ở hai nước này.

Dù vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy Quốc hội và công chúng Mỹ đang đề cao giá trị của các liên minh và cam kết đa phương. Hơn nữa, các đồng minh then chốt của Mỹ như Nhật Bản và Australia vẫn thừa nhận vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ, ngay cả khi Nhà Trắng không làm vậy, và các nước này chắc chắn sẽ âm thầm vận động Mỹ bắt tay xây dựng các mô hình hợp tác mới trong thời gian tới.

Mặc dù đôi khi có nhắc đến “Kế hoạch B”, nhưng Nhật Bản và Australia vẫn muốn định hình chính sách của Mỹ hơn là xây dựng chính sách ngoại giao độc lập của riêng họ mà không có vai trò của Mỹ.

Cả Bắc Kinh và Washington đều chưa có bất kỳ động thái nào nhằm thúc đẩy một cấu trúc thể chế liên Á mới để đối phó với đại dịch hay tác động kinh tế của nó. (Nguồn: China - Briefing)

Thứ ba, sẽ hình thành hòa bình kiểu Trung Quốc? Các học giả cho rằng, đây không phải là kịch bản mà trong đó Trung Quốc sẽ làm lu mờ Mỹ một cách hòa bình như Mỹ đã làm với Anh một thế kỷ trước.

Nhiều khả năng đó sẽ là một kịch bản mà trong đó các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại trong khu vực sẽ củng cố vị thế của mình, gây tổn hại cho các cường quốc ở vị trí trung tâm như Trung Quốc ở châu Á, Nga ở Trung Âu và Đông Âu hay Iran ở vùng Vịnh.

Tình trạng này cũng từng được tác giả Tom Wright đề cập trong cuốn By all measures short of war (Các phương thức chiến tranh).

Cách tốt nhất để tránh kịch bản này, theo các học giả của CIS, là nắm bắt những yếu tố tốt nhất trong hai kịch bản đầu: nâng cao hiểu biết về cuộc cạnh tranh chiến lược và chủ động phối hợp với các đồng minh để xây dựng các quy tắc có tính đến Trung Quốc nhưng kìm hãm tham vọng của nước này.

(theo CSIS)