ASEAN - điểm đến lớn nhất cho đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong ảnh: các nhà Lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chụp ảnh chung trước Nhà Trắng. (Nguồn: AP) |
150 triệu USD cho các sáng kiến mới
Nói về ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington lần này, ông Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách Ấn Độ-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden luôn quyết tâm thúc đẩy quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết các vấn đề về khí hậu, kinh tế và giáo dục.
Giới phân tích đánh giá cao tính biểu tượng của Hội nghị, cho thấy đây là một thông điệp mạnh mẽ của Hoa Kỳ, một lần nữa khẳng định ưu tiên hàng đầu của Washington đối với ASEAN.
Trên thực tế, ngay trong ngày hội đàm đầu tiên (12/5) trước khi khai mạc Hội nghị vào ngày sau đó, Washington đã đưa ra nhiều cam kết với ASEAN, trong đó Tổng thống Joe Biden đã công bố đầu tư 150 triệu USD cho các sáng kiến mới sẽ triển khai ở khu vực, bao gồm hợp tác hàng hải và nguồn năng lượng sạch, theo tờ South China Morning Post.
Cụ thể, phía Hoa Kỳ cho biết, khoản phân bổ lớn nhất sẽ là 60 triệu USD dành cho các sáng kiến hàng hải mới với mục tiêu thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, số tiền này sẽ cho phép Hoa Kỳ hỗ trợ thêm nguồn lực cho khu vực để đào tạo và hợp tác an ninh.
Trong khoản đầu tư này cũng sẽ có 40 triệu USD được giải ngân vào năng lượng sạch ở Đông Nam Á, phục vụ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước, với mục đích khử carbon của các nhà máy điện. Được biết, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang làm việc với khu vực tư nhân để huy động nguồn vốn lên tới 2 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực này.
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ sẽ được cấp 10 triệu USD nhằm phát hiện sớm Coivd-19 và ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm về hô hấp ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, nguồn viện trợ này cũng dành 6 triệu USD để hỗ trợ các nước trong quá trình chuyển đổi số, củng cố quá trình xây dựng quy định của nền kinh tế số và áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.
Chính quyền Washington cũng cho biết, phía Hoa Kỳ đang làm việc với các đối tác để có kế hoạch công bố một gói hỗ trợ kinh tế rộng hơn thuộc Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) trong thời gian tới. Công bố cũng cho biết, hai bên sẽ có các chương trình giao thông hàng không, đường bộ và hàng hải mới để kết nối khu vực và thúc đẩy cơ sở hạ tầng mặc dù chưa đưa ra thông tin cụ thể.
ASEAN sở hữu yếu tố tích cực thu hút vốn đầu tư từ Hoa Kỳ
Đánh giá về tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các nền kinh tế ASEAN giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, chuyên gia Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia cho rằng, dù tác động của đại dịch còn khá dai dẳng, nhưng xuất khẩu từ khu vực ASEAN sang Hoa Kỳ nói chung vẫn tiếp tục phát triển.
Nhìn nhận về định hướng chính sách của Chính quyền Tổng thống Joe Biden với khu vực Đông Nam Á nói riêng và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, chuyên gia Uch Leang nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào ASEAN tăng với tốc độ trung bình hằng năm 10%, đưa ASEAN trở thành điểm đến lớn nhất cho đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về quan hệ kinh tế, Hoa Kỳ hiện là một đối tác quan trọng của ASEAN, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của khối, với tổng kim ngạch thương mại ước tính đạt 362 tỷ USD năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất tại Đông Nam Á trong nhiều năm tổng FDI của Hoa Kỳ vào ASEAN đạt 34,7 tỷ USD vào năm 2020. Hiện có khoảng 6.200 công ty Hoa Kỳ đang đầu tư tại ASEAN với hoạt động chính là xuất khẩu ra các thị trường trong khu vực.
Cho đến nay, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á.
Theo chuyên gia Uch Leang, bất chấp những thách thức hiện nay đối với đầu tư toàn cầu, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực cho đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN trong những năm tới.
ASEAN hiện có lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới và dân số trung niên dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 135 triệu lên 334 triệu người vào năm 2030, đưa ASEAN trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Sự phát triển của các chính sách thương mại mới đã mang lại lợi ích to lớn cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong khu vực và các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực ASEAN.
Đánh giá về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Hội nghị, Thạc sĩ Hoàng Thị Hà, chuyên gia Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute (có trụ sở tại Singapore) cho rằng, Hội nghị cho thấy cả Hoa Kỳ và các nước ASEAN đều đang chuyển dịch tự tin và vững chắc để trở lại cuộc sống bình thường, mở cửa biên giới, sống chung an toàn với Covid-19. Đó cũng là xu thế chung và tất yếu của thế giới.
Về triển vọng hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ, chuyên gia Viện ISEAS cho rằng, bất chấp những biến động do đại dịch, thương mại ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm qua. Đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực và đầu tư từ Đông Nam Á vào Hoa Kỳ đều tăng so với năm 2019. Tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN năm 2020 là 35 tỷ USD, gấp 5 lần so với Trung Quốc.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thương mại đầu tư của Hoa Kỳ ở khu vực. Trong 2 năm đại dịch, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Thạc sĩ Hoàng Thị Hà nhấn mạnh, cơ hội mở ra cho hợp tác kinh tế đôi bên từ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và một số đối tác quan trọng như Nhật Bản đang nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong các ngành công nghệ chiến lược (như chip bán dẫn, xe điện, năng lượng sạch, dược phẩm và cung ứng y tế). Đây là cơ hội để các nước trong khu vực có thể đón đầu làn sóng đầu tư chất lượng từ các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và Nhật Bản vào các ngành công nghệ mũi nhọn.
| Giá vàng hôm nay 13/5 đang ở trong 'vùng nguy hiểm' khi giá đã giảm thêm 30 USD, tiến gần hơn tới ngưỡng 1.800 USD/ounce. ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Chi 'khủng' cho chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin đang lấy tiền từ đâu? Mỗi ngày, Nga chi khoảng 900 triệu USD cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh Moscow liên tiếp hứng chịu ... |