📞

ASEAN: Con đường hướng tới nền kinh tế số hóa

09:17 | 03/02/2016
Công nghệ số là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN để Hiệp hội trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.
AS
Người dân sử dụng smart phone tại Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: CNBC)

Ngành công nghệ số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển trên toàn cầu. Những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý.

Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế. Công nghệ số cũng chính là lĩnh vực mà ASEAN nên đi trước đón đầu để có thể trở thành một trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025. Việc thực hiện một chiến lược phát triển nền kinh tế số hóa có thể khiến tổng GDP của ASEAN tăng thêm một nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo.

Tự tin về nguồn lực

Có thể nói rằng ASEAN có nhiều cơ sở để thực hiện mục tiêu này. Trước hết, lực lượng dân số ASEAN trẻ. Cộng đồng ASEAN có tổng dân số hơn 600 triệu người, trong đó, tỷ lệ người dân biết chữ là 94% và 50% dân số ASEAN dưới 30 tuổi. Đồng thời, khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận được với Internet.

Nhóm am hiểu về công nghệ sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số hóa. Ngày nay, giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến từ mua sắm, giao dịch ngân hàng đến sử dụng taxi, đặt phòng khách sạn. Việc tìm bạn đời thông qua các ứng dụng hẹn hò cũng ngày một tăng. Với tổng GDP lên tới 2,5 nghìn tỷ USD, dự kiến tăng trưởng 6%/ năm trong một thập kỷ tới, thu nhập của người dân ASEAN cũng sẽ tăng lên, do đó, người dân có thể dùng nhiều tiền hơn cho công nghệ.

Bên cạnh đó, ASEAN đã trở thành một cộng đồng. Việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng có thể thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển. AEC tạo ra một thị trường đồng nhất với sự tự do dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Từ đó, AEC mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh và cơ hội việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hiệp hội.

Đặc biệt, chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng khá quan tâm và đang nỗ lực để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông. Các chính phủ đang tích cực đầu tư vào nhiều dự án phát triển thông tin, truyền thông với khoảng 100 tỷ USD năm 2015.

Ngành công nghệ số rất phát triển tại Singapore. (Nguồn: Singapore Bussiness)

Không ít trở ngại

Tuy nhiên, phát triển lĩnh vực công nghệ số cũng gặp phải một số rào cản. Thứ nhất là sự giới hạn truy cập Internet băng thông rộng ở khu vực nông thôn. Phần lớn dân số khu vực nông thôn, đặc biệt ở các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam gặp trở ngại trong việc tiếp cận Internet. Một lượng lớn người dân ASEAN, đặc biệt tại Indonesia không thể tiếp cận được với các cơ sở ngân hàng, do vậy, người dân bị hạn chế trong việc mua sắm, giao dịch trực tuyến và cản trở sự phát triển của ngành công nghệ. Để đạt được tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế số hóa, điều này cần phải được giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai, kể cả trong số những người có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, họ vẫn cảm thấy miễn cưỡng khi tiến hành các giao dịch trực tuyến hay chia sẻ thông tin trực tuyến. Ngoại trừ những người dân Singapore, khoảng từ 10-30% công dân ở các nước ASEAN khác cảm thấy miễn cưỡng khi chia sẻ những thông tin tài chính để giao dịch trực tuyến. Do vậy, muốn phát huy được tiềm năng của ngành công nghệ số, những thực trạng nêu trên phải được các nước ASEAN khắc phục kịp thời.

Thứ ba, khung pháp lý hiện hành ở một số nước thành viên Hiệp hội đang làm tổn hại tới các doanh nghiệp trong nước, quy định ở một số nước ASEAN chưa hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, ở Malaysia, thuế bán hàng (GST) áp dụng cho giao dịch trong nước nhưng không được áp dụng với các giao dịch quốc tế. Trong nội bộ ASEAN, các giao dịch trực tuyến đều bị đánh thuế. Thứ tư, ngoại trừ Singapore, Malaysia và Philippines, các nước ASEAN khác đều thiếu một chiến lược phát triển công nghệ số toàn diện, do vậy, khó có thể vượt qua những thách thức để phát triển tối đa tiềm năng của ngành này.

Cần chính sách toàn diện

Như vậy, rõ ràng, ASEAN phải phát triển một chiến lược công nghệ số toàn diện, không chỉ ở cấp quốc gia mà cả khu vực. Các nhà hoạch định chính sách cần phải ưu tiên hệ thống băng thông rộng, đảm bảo độ phủ của Internet thông qua cải thiện và đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ ở những khu vực nông thôn, song song với đó là thúc đẩy nhận thức của người dân về lợi ích của một nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng cần thúc đẩy sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính như việc tạo ra một nền tảng thanh toán số đồng nhất trong khu vực, từ đó, tạo ra các ngân hàng số hóa. Luật an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và bảo mật cần phải được thống nhất trong ASEAN để chống tội phạm mạng. Điều này khiến cho khách hàng cảm thấy an tâm hơn trong việc chia sẻ các thông tin tài chính và thực hiện giao dịch trực tuyến.

Nếu Hiệp hội có thể thực hiện những chính sách trên một cách hiệu quả, ASEAN sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng số, tạo điều kiện cho các nền kinh tế thành viên nâng cao năng lực cạnh tranh và làm phong phú thêm cuộc sống của người dân. Phát triển ngành công nghệ cũng nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của AEC.

(Theo CNBC)