Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. (Nguồn: TTXVN) |
Nghiên cứu trên là kết quả hợp tác giữa ASEAN, chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).
Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức trực tuyến, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết: “Để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi vui mừng chia sẻ nghiên cứu khu vực đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) nhằm tái khẳng định cam kết đối với bình đẳng giới, vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ vào Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN và Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025”.
Tổng Thư ký Dato Lim khẳng định, nghiên cứu thiết lập cơ sở bằng chứng vững chắc nhằm định hướng các nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện Tuyên bố chung ASEAN về thúc đẩy WPS trong những năm tới.
Dưới sự dẫn dắt của Ủy ban ASEAN về phụ nữ (ACW) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC), nghiên cứu được thực hiện trong suốt năm 2020 với sự hỗ trợ của USAID thông qua dự án PROSPECT, Ban Thư ký ASEAN và UN Women.
Theo Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, thành viên Nhóm cố vấn, mục tiêu chính của nghiên cứu là chuyển từ “nhận thức” về tầm quan trọng của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột sang “thực thi” trong khu vực.
Nghiên cứu chỉ ra những tiến bộ và thách thức tại các quốc gia thành viên ASEAN, củng cố các bài học kinh nghiệm và đề xuất hiểu biết chung cũng như các khuyến nghị cụ thể cho các bên liên quan về WPS.
Sáng kiến này được xây dựng dựa vào Hội nghị chuyên đề khu vực ASEAN đầu tiên về triển khai Chương trình nghị sự về WPS, cuộc họp đầu tiên của Nhóm phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) vào tháng 8/2019, cũng như Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững vào tháng 9/2020.
Đại diện các quốc gia thành viên ASEAN đã ghi nhận những phát hiện và khuyến nghị của nghiên cứu và đề xuất các nỗ lực hướng tới việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực nhằm thực hiện Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Về phần mình, Liên hợp quốc (LHQ) và đại diện các nước đối tác đối thoại gồm Australia, Canada và Mỹ đã bày tỏ ủng hộ đề xuất này và cam kết hỗ trợ ASEAN thông qua các sáng kiến tăng cường năng lực và điều phối.
Chúc mừng Hiệp hội về các thành tựu đã đạt được, Đại biện lâm thời Phái bộ Mỹ tại ASEAN Melissa A. Brown cho rằng, nghiên cứu này không chỉ là nguồn lực toàn diện cho ASEAN mà còn là bước đi đầy hứa hẹn, nhấn mạnh cam kết kiên định của Khối đối với chương trình nghị sự WPS.
Bà Melissa nêu rõ, cùng với ASEAN, LHQ và các đối tác khác, Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy và tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình, hợp tác an ninh và trong tất cả quy trình ra quyết định về hòa bình và an ninh trong toàn khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, Giám đốc UN Women tại châu Á và Thái Bình Dương Mohammad Naciri cho rằng, việc thúc đẩy chương trình nghị sự WPS tại ASEAN thậm chí còn phù hợp hơn trong bối cảnh cả khu vực đang ứng phó và phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Theo ông Naciri, đại dịch là nhân tố xung đột và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, giải quyết và phục hồi sau xung đột.
WPS nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách đáp ứng giới nhằm giải quyết các tác động của đại dịch Covid-19 và đảm bảo trao quyền có ý nghĩa cho phụ nữ trong khu vực.