ASEAN chỉ có thể tạo dựng và phát huy được vai trò trung tâm thông qua uy tín, sự chân thành cùng với lập trường “trung lập, hòa bình, đối thoại và hợp tác”, được tạo dựng từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt chặng đường phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN, ngày 27/10/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cơ chế hợp tác linh hoạt
Từ khi thành lập, nhận thức rõ tầm quan trọng của các nước lớn, các đối tác trong và ngoài khu vực, ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý quan hệ với các nước lớn và các đối tác dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, ASEAN có 11 đối tác đối thoại (Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Vương quốc Anh); bốn đối tác theo lĩnh vực (Na Uy, Pakistan, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) và bốn đối tác phát triển (Chile, Pháp, Đức và Italy).
Quan hệ của ASEAN với các đối tác được xử lý thông qua bốn cơ chế chính.
Một là cơ chế ASEAN+1 với 11 đối tác đối thoại. Đây là cơ chế chính thức lâu đời, đầy đủ, quan trọng và hiệu quả nhất trong việc xử lý quan hệ với từng nước lớn, từng đối tác. Thông qua cơ chế này, các nước ASEAN không chỉ đối thoại một cách bình đẳng, ngang hàng với các nước lớn, mà còn tranh thủ được rất nhiều nguồn lực cho phát triển, trên hầu hết các lĩnh vực.
Hai là cơ chế ASEAN+3, một cơ chế đối thoại và hợp tác đặc biệt với ba nước lớn ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) - được thành lập năm 1997 ngay sau khủng hoảng tài chính Đông Nam Á.
Ba là cơ chế Cấp cao Đông Á (EAS), về bản chất cũng là một cơ chế ASEAN+, nhưng không phải là với ba hay một nước lớn, mà là cả 8 nước lớn. Cơ chế này được thành lập năm 2005, mục đích là xây dựng một diễn đàn đối thoại cấp cao nhất giữa ASEAN và tất cả các nước lớn trên thế giới và khu vực về các vấn đề chiến lược. Theo đó, ASEAN nắm giữ vai trò thiết lập chương trình nghị sự, tổ chức các cuộc họp và kéo tất cả các đối tác chủ chốt nhất vào khu vực để cùng bàn bạc, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bốn là, ASEAN thành lập các Ủy ban ASEAN tại thủ đô của các nước lớn trên thế giới nhằm phối hợp hành động và xử lý quan hệ với các nước lớn.
Bên cạnh đó, ASEAN xây dựng thành công Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), góp phần quan trọng khẳng định vai trò của ASEAN trong việc quản lý xung đột, xử lý các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
ARF ra đời đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các nước nhằm đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai… Cơ chế này cho phép các nước lớn có tiếng nói, bày tỏ quan điểm, lập trường và phát huy được vai trò nhất định trong các vấn đề khu vực. Nhờ đó, ASEAN quy tụ được sự quan tâm, can dự của tất cả các nước lớn trong và ngoài khu vực, cũng như của nhiều tổ chức khu vực, toàn cầu và trở thành đối tác không thể thiếu trên thế giới.
Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) lần thứ 29 khai mạc ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia với sự tham dự của ngoại trưởng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngày 5/8/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Một cơ chế khác không kém phần quan trọng là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Trên cơ sở cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Việt Nam đã đưa ra ý tưởng hình thành ADMM+ khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010. Về bản chất, cả ARF và ADMM+ đều là cơ chế ASEAN+ cấp Bộ trưởng và là diễn đàn để ASEAN cùng các nước lớn, các đối tác bên ngoài ngồi lại với nhau để xây dựng lòng tin, tăng cường đối thoại và quản lý xung đột.
Yếu tố then chốt
Có thể khẳng định, các đối tác đều thể hiện cam kết tham gia tích cực trong các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, từ đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
Vừa qua, trong bối cảnh các diễn đàn đa phương khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ vẫn tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực phù hợp, ngày càng thực chất hơn, thu hút sự tham gia và đóng góp tích cực của tất cả các nước.
Gần đây nhất, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh, Campuchia cũng đã diễn ra các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF. Các đối tác đều tỏ coi trọng quan hệ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN và các đối tác nhất trí đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, phồn vinh là trọng tâm của quan hệ.
Các bên cũng bày tỏ lo ngại trước những phức tạp, căng thẳng đang diễn ra trong khu vực. Bởi vậy, các nước đều cho rằng cần hết sức kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường hòa bình, ổn định của khu vực. Các nước ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC).
Lễ ký kết văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại Phnom Penh, Campuchia ngày 3/8/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bên cạnh đó, các nước đối tác cũng luôn ủng hộ ASEAN trong quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng, cùng ASEAN vượt qua những khó khăn, trong đó có đại dịch Covid-19.
Ví dụ, trong khuôn khổ các cuộc họp ASEAN+3, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vaccine chống Covid-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.
Các nước ASEAN+3 cũng nhất trí hỗ trợ các nền kinh tế khu vực phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch; duy trì và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng tự cường, bền vững và bổ trợ lẫn nhau; tăng cường hợp tác tài chính, tận dụng khoa học công nghệ, huy động đầu tư tư nhân cho hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và phát triển nguồn nhân lực.
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ hồi tháng Năm tại Washington D.C, Mỹ đã cam kết viện trợ 150 triệu USD hỗ trợ ASEAN củng cố hệ thống cơ sơ hạ tầng, năng lực an ninh và ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh địa kinh tế, địa chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương thay đổi sâu sắc, sự can dự và cạnh tranh giữa các nước lớn vào khu vực ngày càng gay gắt, ASEAN vẫn giữ vững được vai trò trung tâm của mình, khẳng định được tiếng nói, vị thế, góp phần vào hòa bình, ổn định và an ninh chung. Để đạt được thành công hơn nữa, ASEAN sẽ cần củng cố vai trò trung tâm, vốn luôn được coi là yếu tố then chốt.
| ASEAN với vai trò tạo dựng môi trường hòa bình, phát triển Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN Hoàng ... |
| Tài liệu quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN: Khẳng định vai trò trung tâm trong đảm bảo hòa bình, an ninh Tài liệu quan điểm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP) cho thấy sự uyển chuyển của ASEAN cũng như thông điệp của ASEAN ... |