📞
KỶ NIỆM 53 NĂM THÀNH LẬP ASEAN

ASEAN dưới góc nhìn của Malaysia

Dato’ Shariffah Norhana Syed Mustaffa 15:20 | 07/08/2020
TGVN. ASEAN luôn được coi là một tổ chức lớn mạnh theo cách nhìn của những người dõi theo sự phát triển của vấn đề quốc tế và khu vực hơn nửa thế kỷ qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Malaysia Shariffah Norhana Syed Mustaffa, tháng 1/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sở dĩ có được vị thế như vậy là do ASEAN có khả năng duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực. ASEAN đã thành công trong việc thúc đẩy các nền minh tế thành viên tăng trưởng vượt trội, xây dựng một cộng đồng ASEAN, kết nối người dân 10 nước thành viên theo nhiều hình thức.

Cộng đồng ASEAN - một dấu mốc quan trọng

Là một thành viên sáng lập của ASEAN, Malaysia đã đóng góp tương xứng cho sự thành công này, cam kết đầy đủ với ASEAN. Tổ chức này là hòn đá tảng trong cỗ máy của chính phủ Malaysia, chính sách về ASEAN được tích hợp trong chính sách của chính phủ. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy sự thịnh vượng của đất nước được xây dựng dựa trên quan hệ chặt chẽ và hữu nghị với các nước thành viên ASEAN và cam kết của mình trong hệ thống đa phương.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin, Malaysia tiếp tục thúc đẩy một chính sách đối ngoại thực dụng, hướng về tương lai, bao gồm các nội dung như tạo thuận lợi cho thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời định vị Malaysia là một quốc gia ổn định, hoà bình trong khu vực. Là một đất nước thương mại, Malaysia có quan điểm rộng mở trong gắn kết với thế giới, Malaysia phụ thuộc vào các thể chế đa phương sôi động.

Vì vậy, chúng tôi coi việc thành lập Cộng đồng ASEAN là một dấu mốc quan trọng giúp thực hiện được nhiệm vụ này, hỗ trợ Malaysia tiếp cận, tham gia với các bên liên quan ở khu vực và trên toàn cầu. Trên cơ sở 3 trụ cột của ASEAN, Malaysia coi Cộng đồng ASEAN là một cơ chế có khả năng phản ứng có trách nhiệm, kiểm soát nhiều vấn đề khác nhau.

Tinh thần như vậy cũng được áp dụng trong cách tiếp cận của Malaysia đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Malaysia đã loại bỏ toàn bộ thuế quan đối với hàng hoá trong toàn ASEAN. Kể từ khi Cộng đồng ra đời, thương mại nội khối của Malaysia với ASEAN đã vượt xa ngoài mục tiêu ban đầu, năm 2019 chứng kiến tăng trưởng kỷ lục đạt hai con số so với năm trước. Hướng tới tương lai, chính sách của Chính phủ tiếp tục gắn kết với Tầm nhìn ASEAN 2025, với cam kết mạnh mẽ hoàn thiện Cộng đồng thông qua đàm phán để loại bỏ hàng rào phi thuế quan, hướng tới một nền kinh tế hội nhập, gắn kết cao giữa các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN là một công cụ quan trọng để Malaysia tham gia vào các vấn đề khu vực. Chúng tôi cho rằng nếu là một quốc gia riêng lẻ, Malaysia không thể có ảnh hưởng chính trị hay sức mạnh kinh tế như khi ASEAN là một khối. Chúng ta phải có tiếng nói, nhất là về các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và điều này được thực hiện hiệu quả hơn qua ASEAN.

Thông qua vai trò trung tâm của ASEAN, câu chuyện về một Malaysia trung lập và không liên kết càng được củng cố. Trên cơ sở đó, Malaysia có thể liên kết với các cường quốc một cách tự tin hơn. Malaysia có thể là một quốc gia quá nhỏ có khả năng đổi hướng địa chính trị nhưng ASEAN thì không. ASEAN là một chứng minh cho thấy các nước nhỏ nếu nằm trong đúng bối cảnh sẽ là nhân tố có ảnh hướng lớn.

Kỳ vọng đối với ASEAN trong năm 2020

Vào đầu năm nay, khi được hỏi về kỳ vọng của chúng tôi trong năm nay, chúng ta quay trở lại cách ASEAN vượt qua thách thức kinh tế và tài chính, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và 2009. Chúng ta cùng nhìn lại cách lật ngược tình thế, đồng thời đưa ASEAN thành một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Cùng với quá trình tăng trưởng ngoạn mục này, ASEAN đã nỗ lực cân bằng tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đưa hàng triệu người trong khu vực thoát nghèo. Quan trọng hơn là chúng ta đã đạt được một dấu mốc lịch sử khi Cộng đồng ASEAN ra đời năm 2015.

ASEAN vẫn đang cố gắng tận dụng mọi tiềm năng kinh tế. Malaysia luôn đặt ưu tiên cho hội nhập kinh tế ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình hiện thực hoá một nền kinh tế ASEAN hội nhập hoàn toàn. Quan trọng hơn là Malaysia sẽ thúc đẩy chuyển đổi kinh tế ASEAN thành một “Khu vực Sản xuất”. Điều này đơn giản là biến ASEAN thành một trung tâm sản xuất mọi hàng hoá tiêu dùng cho thị trường khu vực và thế giới.

Tất cả các kế hoạch trên được lập ra bởi vì chúng tôi tin rằng hội nhập kinh tế khu vực là phương tiện đáp ứng nguyện vọng của người dân ASEAN, những người khát khao sự phát triển, tăng trưởng kinh tế và đời sống tốt đẹp hơn.

Một số thách thức đặt ra là liệu có sự bền vững trong câu chuyện tăng trưởng của ASEAN, trong đó có những yếu tố như sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, năng suất lao động yếu, dân số già, phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với bên ngoài hay lỗ hổng lớn trong hạ tầng và các thể chế quốc gia.

Để có thể vươn lên từ một kỷ nguyên tăng trưởng thụ động và để khai thác được tiềm năng thực sự, ASEAN cần có biện pháp chủ động để tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng thể chế, phát triển con người cùng năng lực công nghệ. Khu vực tư nhân cũng có vai trò chính, khu vực này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các chính phủ để tạo ra các điều kiện phù hợp cho doanh nghiệp phát triển.

Đó là lợi ích chung của chúng ta, Malaysia mong muốn các đối tác trong ASEAN chủ động hơn, đối xử với 640 triệu người dân như “thị trường trong nước”, theo đuổi thương mại nội khối ASEAN mạnh mẽ hơn.

Để làm được như vậy, chúng ta phải tính toán lại sự kỳ vọng của mình trong năm 2020, công cụ quan trọng nhất là ASEAN được trang bị khả năng tự cường để xử lý những thách thức dường như khó vượt qua. Đối với các Chính phủ, chúng ta phải tìm sự cân bằng hợp lý đối giữa sức khỏe của người dân với các vấn đề kinh tế, xã hội. Kích hoạt nền kinh tế là vấn đề mấu chốt để dần thích nghi với tình trạng bình thường mới sau đại dịch Covid-19, cho dù là khởi động lại chuỗi cung ứng khu vực, tạo thuận lợi khôi phục kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hoặc cải thiện đời sống xã hội đủ an toàn để phục hồi mạnh mẽ hơn.

Do đó, theo đề xuất của Thủ tướng Malaysia tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN theo hình thức trực tuyến gần đây, điều quan trọng là ASEAN phải sớm xây dựng một kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện sau đại dịch để phục hồi các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, kế hoạch phục hồi không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn phải đảm bảo an toàn xã hội, cung cấp lương thực và giáo dục.

Mặc dù vậy, yêu cầu của ASEAN trong năm 2020 phù hợp với chủ đề Năm Chủ tịch mà Việt Nam lựa chọn, kêu gọi khu vực gắn kết và chủ động thích ứng. Đối với Malaysia, chúng tôi luôn tuân thủ sự dẫn dắt của Việt Nam trong việc duy trì sự thống nhất, đoàn kết, sức mạnh nội khối của ASEAN. Chúng tôi tìm cách tăng cường kết nối kinh tế, làm sâu sắc giá trị và bản sắc ASEAN, đồng thời củng cố tính hiệu quả của bộ máy Hiệp hội trên phạm vi toàn cầu.

Trong quan hệ với các Đối tác đối thoại, ASEAN giữ cam kết cùng gắn với các Đối tác Đối thoại để định hình một khu vực hòa bình, thịnh vượng và dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của ASEAN. Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Australia trong 3 năm 2018-2021, Malaysia cam kết khai thác và đa dạng hóa hợp tác hướng tới hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng Quan hệ đối thoại ASEAN-Australia, theo hướng dẫn của Kế hoạch Hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2020-2024, được thông qua vào tháng 8/2019.