Tham dự phiên Đối thoại ngoài Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN và EU còn có Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, đại diện của một số tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCAP, UNWOMEN, Văn phòng UN về hợp tác Nam-Nam, Ngân hàng thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã hoan nghênh sáng kiến của Thái Lan trong việc tổ chức Đối thoại này. |
Đây là Đối thoại ASEAN-EU về phát triển bền vững đầu tiên được tổ chức, trên cơ sở triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 21 (Bangkok, 10/2016) nhằm xây dựng một nền tảng để thúc đẩy hợp tác thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SGDs), tiếp tục là trọng tâm ưu tiên của cả ASEAN và EU, là thành phần không thể tách rời trong tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN và EU nhằm “hướng đến người dân” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sáng kiến của ASEAN về tăng cường sự tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và SDGs, Sáng kiến hội nhập ASEAN, Kế hoạch tổng thể (KHTT) về kết nối ASEAN được ghi nhận là công cụ quan trọng để thực hiện các SDGs
Các đại biểu cũng ghi nhận tiềm năng lớn trong hợp tác song phương và đa phương giữa ASEAN và EU đối với các vấn đề toàn cầu về phát triển bền vững, trong đó, EU đã tăng đáng kể đóng góp vào Quỹ hợp tác phát triển lên tới 170 triệu Euro giai đoạn 2014-2020 để hỗ trợ các hoạt động hội nhập ASEAN, bên cạnh sự hỗ trợ tài chính hơn 02 tỷ Euro thông qua kênh song phương cùng thời gian trên.
Đối thoại đã hoan nghênh việc khởi động 3 chương trình hợp tác mới giữa ASEAN và EU, trị giá 85 triệu Euro, gồm: (i) Cơ chế đối thoại khu vực tăng cường ASEAN-EU (E-READI) nhằm tăng cường đối thoại chính sách giữa 2 khu vực (20 triệu); (ii) Chương trình ưu tiên về kết nối kinh tế và mậu dịch nhằm hỗ trợ Kế hoạch tổng thể về kinh tế ASEAN 2025 (ARISE+, 40 triệu); và Chương trình EU về thúc đẩy quyền và cơ hội của lao động nhập cư nữ trong ASEAN (25 triệu).
Các đại biểu xác định một số lĩnh vực phát triển mang tính liên ngành đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng để thực hiện SDGs như: thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho nữ giới; thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế quay vòng; sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các đại biểu cũng tìm kiếm những cách thức tham gia truyền thống và đổi mới trong hợp tác giữa hai khu vực, bao gồm cả hợp tác ba bên và hợp tác Nam-Nam, trong đó nghiên cứu khả năng thành lập trung tâm ASEAN nhằm thúc đẩy nghiên cứu và đối thoại về phát triển bền vững.
Tại Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã hoan nghênh sáng kiến của Thái Lan trong việc tổ chức Đối thoại này, nhấn mạnh tầm quan trọng của Đối thoại sẽ góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-EU trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Liên quan đến định hướng hợp tác trong tương lai, Thứ trưởng đã đề xuất 04 lĩnh vực tiềm năng ASEAN và EU có thể tiếp tục thúc đẩy gồm: (i) tận dụng tối đa các cơ chế hiện có giữa ASEAN-EU, đặc biệt là Phái đoàn của các nước tại ASEAN, nhằm thúc đẩy tham vấn và hợp tác, tăng cường thực hiện các sáng kiến, dự án hợp tác giữa ASEAN và EU; (ii) ASEAN và EU cần tăng cường kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư song phương và khu vực và liên khu vực, đặc biệt là việc hiện thực hoá Hiệp định Mậu dịch tư do giữa ASEAN-FTA trong tương lai; (iii) xây dựng chính sách thực hiện UN SDGs trên cơ sở hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; (iv) đặc biệt, giáo dục và khoa học công nghệ cần được tập trung như là động lực phát triển và sáng tạo mới nhằm trang bị cho lao động trẻ năng lực và kỹ năng.
Trên cơ sở này, các đại biểu đã nhất trí tiếp tục tổ chức Đối thoại cấp cao ASEAN-EU về phát triển bền vững lần thứ hai vào năm 2019, thúc đẩy cơ chế này thông qua việc xây dựng Lộ trình hợp tác phát triển bền vững ASEAN-EU dựa trên Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2018-2022.