📞

ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Đại tướng Tô Lâm 08:00 | 26/11/2020
TGVN. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) lần thứ 14 từ ngày 25-26/11 là cơ hội để ASEAN thể hiện vai trò chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu...

Với quy mô dân số hơn 640 triệu người và tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) gần 3.000 tỷ USD, ASEAN là khu vực năng động, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của nhiều nước lớn trên thế giới và đang nhận được sự quan tâm cũng như nguồn đầu tư từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Tầm quan trọng của Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng Chính trị - An ninh trong khu vực đã được lãnh đạo cấp cao ASEAN khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua. Các nước cam kết chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt trước các thách thức và mối đe doạ mới do đại dịch Covid-19 gây ra, thông qua tăng cường hợp tác liên ngành, liên trụ cột để đạt được mục tiêu này.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Khánh Trần)

Thách thức an ninh mới nổi

Năm 2020 là thời điểm đặc biệt đối với ASEAN và Việt Nam. Cộng đồng ASEAN đã hình thành được 5 năm, các nước đã triển khai đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

Đối với Việt Nam, năm 2020 là dấu mốc kỷ niệm 25 năm trở thành thành viên của ASEAN và là thời điểm Việt Nam đảm nhiệm đồng thời nhiều vai trò quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người trên thế giới, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế-xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua. Trong bức tranh có nhiều khoảng xám của thế giới, nổi lên những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á-Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN. Đó là nỗ lực hợp tác vượt qua đại dịch, duy trì sự sự ổn định và cam kết hành động, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.

Tình hình hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN năm 2020 cũng nổi lên nhiều vấn đề mới phát sinh và đã được đánh giá một cách kỹ lưỡng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 (SOMTC20). Theo đó, việc giãn cách xã hội và tăng cường làm việc trực tuyến đã khiến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của từng nước.

Kiểm soát và ngăn chặn tin giả đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn đang là mối đe dọa hiện hữu đối với các nước trong khu vực. ASEAN quan ngại việc tổ chức khủng bố này có thể lợi dụng không gian mạng để tăng cường việc tuyển lựa và tác động tư tưởng cực đoan hóa của thanh thiếu niên trong khu vực. Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính có khoảng 1.500 thanh thiếu niên ở khu vực Đông Nam Á bị tác động, tham gia tiếp tay cho các hoạt động của nhóm IS.

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp ở các nước ASEAN, bất chấp việc giãn cách xã hội do Covid-19. Đặc biệt, các nước ASEAN bày tỏ sự quan ngại trước xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa ở các nước phương Tây, có thể khiến khu vực trở thành địa bàn trung chuyển về ma túy, gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và hòa bình khu vực.

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra công khai trên Internet. Các quốc gia như Lào, Thái Lan, Philippines và Việt Nam được xác định vừa là điểm tiêu thụ, vừa là tuyến đường trung chuyển. Có thể khẳng định, tội phạm xuyên quốc gia tác động đến tất cả các nước và không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là xu thế tất yếu.

Cùng với đó là thách thức trong bảo đảm an sinh xã hội khi dịch bệnh đã buộc Chính phủ các nước phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiên tai, bão lũ, hạn hán và các hiện tượng thời tiết bất thường khác do biến đổi khí hậu gây ra nhiều hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Có thể khẳng định, tội phạm xuyên quốc gia tác động đến tất cả các nước và không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là xu thế tất yếu.

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho biết, hiện có khoảng 21 triệu người dân ở khu vực Đông Nam Á có thể mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội và có nguy cơ bùng phát tội phạm nếu không có hành động phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị AMMTC 14

Việt Nam và các nước thành viên ASEAN là thành viên của nhiều công ước, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) năm 2003.

Ngoài ra, các nước ASEAN đã có Hiệp định khung về tương trợ tư pháp về hình sự và đang trong quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. ASEAN cũng đạt được những thành tựu to lớn thông qua việc xây dựng Công ước ASEAN về phòng, chống khủng bố (2011) và Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2015).

Bộ Công an Việt Nam đã ký thỏa thuận hỗ trợ song phương về phòng, chống tội phạm với hầu hết các nước thành viên ASEAN. Phối hợp với các nước thành viên thực hiện các chiến dịch phòng, chống tội phạm liên quan (như phối hợp với Lào, Campuchia mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm ở khu vực biên giới); phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm viễn thông quốc tế, ma túy và mua bán người với Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore.

Báo cáo về tình hình tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Nam Á năm 2019 của Cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) chỉ ra rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực trung chuyển có sự liên kết sâu sắc với các khu vực nhạy cảm về tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới.

Công an Việt Nam triệt phá một đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia lớn do người Hàn Quốc cầm đầu tháng 8/2020. (Nguồn: TTXVN)

Thực tế, kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN 2025 cũng xác định phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm của ASEAN để xây dựng một cộng đồng hòa bình và phát triển ổn định.

Hằng năm, cơ chế hợp tác của ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được triển khai luân phiên ở các nước thành viên ASEAN theo các cấp độ khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOMTC) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC).

Năm 2020, Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 14 (AMMTC 14). Đây là cơ hội để Bộ Công an Việt Nam thể hiện vai trò tích cực cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, nhằm duy trì sức sống, giá trị cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hoàn cảnh mới.

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã tích cực, phối hợp với các nước thành viên và Ban thư ký ASEAN xây dựng lộ trình triển khai, xác định các nội dung ưu tiên cần được Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia thông qua tại Hội nghị AMMTC 14.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại Họp báo thông tin về AMMTC 14. (Ảnh: Minh Quân)

Với tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi nhằm thúc đẩy hợp tác liên kết nội khối ASEAN cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN. Trong đó có nhiều sáng kiến, ý tưởng của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến đảm bảo an ninh khu vực như: sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về tăng cường hợp tác truy bắt tội phạm truy nã quốc tế, đề xuất của Việt Nam đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế hợp tác của ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đề xuất các nước ASEAN nghiên cứu, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC để kịp thời trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự của mỗi nước và khu vực.

Đồng thời, để thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự cường của ASEAN, Bộ Công an Việt Nam cũng đã đề xuất chủ đề của Hội nghị AMMTC 14 sắp tới là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Đây là lần đầu tiên một nước thành viên ASEAN đề xuất chủ đề cho Hội nghị AMMTC, thể hiện thông điệp xuyên suốt trong hợp tác ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đó là không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình đấu tranh phòng, chống hiệu quả và hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là xu thế tất yếu.

Việt Nam đề nghị các nước đẩy mạnh hợp tác theo 03 hướng kết nối chính: kết nối thể chế; kết nối con người và kết nối thông tin, trong đó tập trung vào một số tội phạm xuyên quốc gia tác động đến tất cả các nước như tội phạm ma túy, mua bán người, khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia. Theo đó, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển. Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng quan điểm hành động duy trì Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, đồng thời tăng cường các giá trị vì hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.