Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu thay mặt ASEAN tại phiên họp. |
Ngày 29/10, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Ủy ban Các vấn đề chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13 để thảo luận đề mục “Hợp tác quốc tế sử dụng hòa bình không gian vũ trụ”.
Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế về sử dụng hòa bình không gian vũ trụ của Liên hợp quốc (COPUOS) nhấn mạnh năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 65 năm thành lập COPUOS, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để triển khai các hoạt động trong không gian vũ trụ vào mục đích hoà bình.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đang mang lại nhiều lợi ích, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.
Mặt khác, việc sử dụng không gian vũ trụ đặt ra không ít thách thức về an ninh và an toàn, đòi hỏi các nước tăng cường hợp tác và đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để xử lý hiệu quả.
Phát biểu thay mặt ASEAN tại phiên họp, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định quan điểm chung của ASEAN về việc bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng và đầy đủ của tất cả các nước đối với không gian vũ trụ, nhấn mạnh mọi hoạt động liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế và nguyên tắc không chiếm đoạt không gian vũ trụ.
Trên cơ sở đó, ASEAN khuyến khích các nước tiếp tục tham gia đối thoại và hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường hợp tác cùng khai thác không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Ghi nhận quan ngại của cộng đồng quốc tế về những thách thức hiện có và đang nổi lên trong không gian vũ trụ, ASEAN nhắc lại cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thúc đẩy, điều phối hợp tác ứng phó với nguy cơ chạy đua vũ trang, vũ khí hóa, ô nhiễm rác thải, va chạm vệ tinh… trong không gian vũ trụ.
ASEAN kêu gọi tăng cường xây dựng và củng cố các quan hệ đối tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực vũ trụ, đặc biệt là nghiên cứu và khai thác không gian vũ trụ để giúp các nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chia sẻ công nghệ và dữ liệu công nghệ không gian để giải quyết các vấn đề về môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để xây dựng khả năng phục hồi thảm họa của quốc tế, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Ủy ban COPUOS chính thức được thành lập theo Nghị quết 1472 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 14 năm 1959, với 24 quốc gia thành viên. Đến 10/2024, COPUOS có 102 nước thành viên và 45 tổ chức quan sát viên. Năm 1980, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của COPUOS. |