Báo TG&VN xin giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng xoay quanh cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng ASEAN vừa hoàn thành năm đầu tiên, câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là sau một năm, Cộng đồng ASEAN đã làm được cụ thể những gì? Xin Thứ trưởng cho biết nên hiểu như thế nào cho đúng về kết quả ASEAN đạt được trong một năm qua?
Ngày 31/12/2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN. Theo Tầm nhìn ASEAN 2025, Cộng đồng sẽ là một tập thể các quốc gia gắn kết chặt chẽ hơn về cơ sở hạ tầng, nhất thể hóa cao hơn về thể chế, chính sách nhằm củng cố và duy trì hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề chung, tạo thuận lợi về mọi mặt cho phát triển kinh tế, phục vụ đời sống và công việc làm ăn của người dân và nâng cao vị trí, vai trò của ASEAN ở khu vực và trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. |
Để có được điều đó, ASEAN phải làm rất nhiều việc, trong đó những việc quan trọng đầu tiên là xây dựng các thể chế của Cộng đồng, xác định các kế hoạch hành động và các biện pháp triển khai. Với cách nhìn đó, có thể thấy năm 2016 (năm đầu tiên của Cộng đồng), ASEAN đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đạt được những kết quả rất quan trọng.
Cụ thể, ASEAN đã hoàn thành xây dựng các kế hoạch hành động, các chương trình công tác triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, triển khai 141/290 (gần 50%) dòng hành động của trụ cột chính trị - an ninh, cơ bản hoàn tất các dòng hành động thuộc trụ cột kinh tế và triển khai 109 dòng hành động của trụ cột văn hóa – xã hội. Đặc biệt là ASEAN đã xây dựng và nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN giai đoạn ba về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN cũng tăng cường các cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin để quản lý thiên tai, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố… Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Về đối ngoại, trong năm 2016, Cộng đồng ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nước. Cho đến nay, đã có 86 quốc gia ngoài ASEAN cử Đại sứ tại ASEAN. Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Có thể nói, những diễn đàn, cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) mở rộng… đều nâng cao uy tín và phát huy rất tốt vai trò của ASEAN.
Có thể nói, năm 2016, ASEAN đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng ở cả 3 khía cạnh: một là xây dựng Cộng đồng; hai là phối hợp để giải quyết vấn đề chung và ba là nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của ASEAN ở khu vực.
Tuy nhiên, kết quả này người dân còn chưa cảm nhận được nhiều bởi vì đây là những bước đầu. Cần có thời gian để cho những chính sách, biện pháp đi vào cuộc sống, đem lại những kết quả thiết thực phục vụ cho người dân và người dân có thể cảm nhận được những giá trị mà Cộng đồng đem lại. Bên cạnh đó, trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, ASEAN phải củng cố, tăng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực đang định hình.
Sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất. Nếu so sánh với các tổ chức khác vào thời điểm tròn 50 năm thành lập, kết quả nổi bật mà ASEAN đạt được là gì?
Theo tôi, để xem một tổ chức có thành công hay không, chúng ta phải xem là tổ chức đó đáp ứng các tôn chỉ, mục đích khi thành lập hay không, có đem lại lợi ích cho các quốc gia thành viên hay không, tự bản thân nó có lớn mạnh lên và có giá trị riêng của mình cũng như có vị thế trong cộng đồng quốc tế hay không. Nếu xét theo các tiêu chí này, chúng ta có thể kết luận ASEAN là một tổ chức thành công. Năm mươi năm qua, từ tập hợp của một số nước nhỏ và vừa, mang đậm tính đối phó với thời cuộc, ASEAN đã dần mở rộng, phát triển lớn mạnh và trở thành một Cộng đồng với 10 quốc gia trong khu vực có sự gắn kết chặt chẽ, có chương trình/kế hoạch hành động cụ thể, dài hạn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Trên thực tế, ASEAN đã giúp không chỉ cho Cộng đồng mà cả các nước thành viên có được những thuận lợi, vị thế rất tốt mà nếu như đứng riêng lẻ sẽ không thể nào có được. ASEAN đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, duy trì môi trường ổn định cho phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, hấp dẫn du lịch, phối hợp giải quyết những vấn đề chung.
Đồng thời, ASEAN đã trở thành hạt nhân trong tiến trình hợp tác khu vực. Các đối tác bên ngoài, khi tham gia các diễn đàn/cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, luôn công nhận vai trò đầu tàu của ASEAN. Rõ ràng, hình ảnh và vị thế của ASEAN, sau nửa thế kỷ qua đã được khẳng định, ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi và tôn trọng. Đó là thành công của ASEAN.
Với câu hỏi: cái được nổi bật của ASEAN là gì, theo tôi có lẽ đó là ASEAN luôn đề cao sự phát triển một cách tiệm tiến từ thấp đến cao, từ không chính thức đến chính thức, linh hoạt và thỏa hiệp để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và trình độ phát triển cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên. Điều đó góp phần làm nên giá trị của ASEAN. Cho đến giờ, ít ra là chưa nước nào có ý định tách ra khỏi ASEAN.
ASEAN sẽ kỷ niệm tuổi 50 như thế nào? Có những chương trình hợp tác hay hoạt động kỷ niệm đặc biệt nào dự kiến được tổ chức để đánh dấu mốc quan trọng này, thưa Thứ trưởng?
Năm mươi năm là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của ASEAN, khẳng định vai trò và vị thế của ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất. Kỷ niệm sự kiện trọng đại này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân ASEAN cũng như ý thức thuộc về cộng đồng của người dân. Vì vậy, việc kỷ niệm sẽ được tiến hành trên hai hình thức, một là tổ chức các sự kiện; hai là, như ta thường nói, lập thành tích để thiết thực kỷ niệm.
Về hình thức thứ nhất, sẽ có các hoạt động kỷ niệm ở 3 cấp độ: Cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Ở cấp độ Cộng đồng, các nước ASEAN đã thống nhất có một số hoạt động tôn vinh các nhà sáng lập ASEAN, tôn vinh các doanh nghiệp trẻ có đóng góp cho xã hội, tôn vinh những cá nhân có thành tích trong bảo tồn đa dạng sinh học. Ở cấp độ quốc gia, các nước đều có kế hoạch tổ chức kỷ niệm riêng, tạo điều kiện để người dân tìm hiểu nâng cao nhận thức về ASEAN. Ở cấp độ quốc tế, các cơ quan đại diện các nước ASEAN ở nước ngoài sẽ phối hợp với nhau có các hoạt động kỷ niệm, quảng bá về ASEAN. Việt Nam đang xây dựng kế hoạch tổng thể về các hoạt động kỷ niệm này trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.
Về hình thức thứ hai, trong năm 2017, ASEAN sẽ đẩy mạnh việc triển khai các kế hoạch hành động, các biện pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và dựa trên sáng tạo, năng cao khả năng tự cường của ASEAN, đặc biệt các hoạt động hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, nhằm đưa các ý tưởng, chính sách vào cuộc sống, để người dân và doanh nghiệp thụ hưởng các điều kiện thuận lợi như: việc tháo bỏ các rào cản thương mại, đầu tư, tự do lưu chuyển lao động, vốn… trong nội bộ Cộng đồng.
Tôi hy vọng các hình thức kỷ niệm này sẽ góp phần nâng cao hình ảnh ASEAN, góp phần làm cho người dân các nước dần cảm nhận về ý nghĩa của Cộng đồng, thấy được giá trị và tự hào là công dân của Cộng đồng ASEAN.