Anh và ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Không để lỡ “cơ hội vàng”
Trong bài viết đăng trên The Diplomat ngày 5/7, tác giả Edward Parker nhận định, Vương quốc Anh đã không còn nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU), rời xa “vòng tay” của EU có thể đẩy Anh vào một tương lai bất định trong xu hướng hợp tác trên thế giới.
Do vậy, để đảm bảo không “lạc lõng”, Anh hiện phải tập trung nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á, trong đó có ASEAN, khu vực có các nền kinh tế với tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
EU là một thị trường rộng lớn, rời EU rõ ràng sẽ đẩy Anh vào những thế khó trong quan hệ kinh tế. Thế nhưng, chính phủ và doanh nghiệp Anh đã nhanh nhẹn trong việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế song phương.
Tại châu Á, Anh đang hướng tới các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc. Với ASEAN, Anh nỗ lực tiếp cận thị trường thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với cả Hiệp hội thay vì với từng nước đơn lẻ.
Theo tác giả bài viết, có nhiều lý do thúc đẩy London hướng sự chú ý tới thị trường Đông Nam Á.
ASEAN có tổng GDP 2,8 nghìn tỷ USD, gấp gần 5 lần so với năm 2000, hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, thứ ba ở châu Á. Đây cũng là một thị trường rộng lớn với 630 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào.
Xét về hoạt động thương mại, ASEAN chỉ đứng sau EU, Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, trong khi EU và Mỹ đang đối mặt với tình trạng tương đối trì trệ, ASEAN lại đang phát triển mạnh mẽ.
ASEAN cũng đang hội nhập nhanh chóng, được dự đoán là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050. Vì vậy, lỡ nhịp trong hợp tác kinh tế với ASEAN sẽ là bỏ lỡ cơ hội “vàng”.
Bền bỉ theo đuổi hợp tác
Sự nổi lên về kinh tế của ASEAN như một lời nhắc nhở các doanh nghiệp Anh rằng bức tranh kinh tế châu Á không đơn thuần chỉ là sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ. Thị trường Đông Nam Á mặc dù ít được thảo luận trong giới doanh nghiệp Anh nhưng chắc chắn là một khu vực vô cùng năng động.
Tuy nhiên, tác giả Edward Parker cho rằng, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các đối tác ngoài khu vực là phải hiểu và nắm bắt được những nguyên lý phát triển của một thị trường đa dạng như ASEAN. Kinh doanh trong khu vực này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và bền bỉ.
Vương quốc Anh hậu Brexit nên nỗ lực hợp tác thương mại và đầu tư với ASEAN dựa trên những nền tảng có sẵn. Tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và 10 quốc gia ASEAN đạt 45,5 tỷ USD trong 4 quý tính đến hết quý III/2020.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Anh vào ASEAN năm 2019 là 36,5 tỷ USD, chiếm 1,9% tổng nguồn vốn FDI ra nước ngoài của quốc gia châu Âu.
Anh đã bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN và đang đề xuất trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.
Trong một tuyên bố năm ngoái, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu rõ: "Trong bối cảnh tầm quan trọng của châu Á ngày càng tăng, một nước Anh với tầm nhìn toàn cầu sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với những người bạn tại khu vực này.
Bằng cách trở thành một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, chúng tôi có thể tăng cường khả năng hợp tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một hình mẫu tốt đẹp về tất cả các vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới ổn định tại khu vực".
Vương quốc Anh gần đây đã chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ở cấp độ song phương, Anh đã ký hiệp định thương mại tự do với Singapore và Việt Nam. London cũng đang tiến hành đánh giá thương mại chung với Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, tại Đối thoại trực tuyến giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ngoại trưởng Anh tháng 4/2021, ông Dominic Raab nhấn mạnh, Đông Nam Á đang có vị trí ngày càng quan trọng không chỉ trong triển khai chính sách đối ngoại toàn cầu của Anh mà còn là một mắt xích trong những nỗ lực nhằm đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực.
Cùng với những cam kết hợp tác trên các mặt khác nhau, Ngoại trưởng Anh cũng khẳng định đẩy mạnh các nỗ lực nhằm chung tay với ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19.
Hiện tại, quốc gia châu Âu đang triển khai gói hỗ trợ 50 triệu Bảng Anh cho ASEAN để ứng phó Covid-19. Gói hỗ trợ này bao gồm đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, triển khai các chính sách giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế quốc gia của các nước trong khu vực.