📞

ASEAN: Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản vì hòa bình

01:08 | 06/08/2016
Đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, ASEAN đã khẳng định lại các nguyên tắc rất cơ bản trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Đó là một trong những nội dung mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, chia sẻ nhân kỷ niệm 49 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2016) và 21 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN)

Thời gian gần đây, ASEAN đứng trước nhiều thử thách, trong đó có vấn đề về đoàn kết, thống nhất nội khối. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Không chỉ ASEAN mà các tổ chức khu vực đang đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Về kinh tế, rõ ràng quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới là không chắc chắn. Mới nhất là sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng tạo ra những chấn động nhất định về mặt kinh tế. Về mặt an ninh truyền thống, nhiều khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra, khủng bố ngày càng tàn bạo với quy mô, tần suất, khu vực địa lý tăng lên và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Đó là thách thức chung, tác động tới khu vực Đông Nam Á và ASEAN.

Bản thân ASEAN cũng đối mặt với những thách thức - bao gồm cả tác động chung từ khó khăn toàn cầu, cũng như những thách thức bên trong, trong đó có diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông. Bên cạnh đó, ASEAN và các tổ chức khu vực đều đứng trước thách thức lớn, sức mạnh thể chế của các khu vực đều có những hạn chế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, ASEAN đã khẳng định lại các nguyên tắc rất cơ bản qua các hội nghị. Gần đây nhất, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản của ASEAN về việc cần làm gì, các nguyên tắc nào cần tôn trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh, ổn định khu vực.

AMM lần này đã có riêng một tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc về vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Đây là những yếu tố rất quan trọng. Một trong những định hướng lớn về nội dung hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực hòa bình, an ninh là xây dựng chuẩn mực những nguyên tắc tiến bộ, thực sự vì lợi ích chung, hòa bình và an ninh. Nguyên tắc đó là một trong những nền tảng, góp phần tạo ra những khuôn khổ để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

Qua các thể chế và các hoạt động toàn thể, các nước chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực để hiểu nhau hơn và đề ra những biện pháp cụ thể như hợp tác tuần tra trên biển, hợp tác về vấn đề chống tội phạm xuyên quốc gia, chống tội phạm và an ninh mạng, những cơ chế đó đã đi vào hiệu quả, được thực hiện cụ thể.

ASEAN đã thể hiện được vai trò trung tâm của mình, không những trong nội khối, mà còn ở các thể chế đa phương (như Diễn đàn cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN) hay những cơ chế đối thoại giữa ASEAN với từng đối tác quan trọng ở khu vực hoặc toàn cầu như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... Rõ ràng, điều đó đã đóng góp và tạo điều kiện để ASEAN trở thành một cộng đồng, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Biển Đông đang là một vấn đề được khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm. Theo Thứ trưởng, những tranh luận về vấn đề Biển Đông ảnh hưởng như thế nào tới tiếng nói chung của ASEAN?

Khi nói về vấn đề Biển Đông, ASEAN có những nhất trí rất cơ bản và quan trọng. Trước hết, hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông có vị trí quan trọng, không thể tách rời khỏi nền hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông mang lại lợi ích chung không chỉ cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN mà cả cộng đồng quốc tế, bởi vùng biển này có vị trí địa lý chiến lược đối với các nước trong và ngoài khu vực, trên các lĩnh vực như giao thông hàng hải, hàng không và kinh tế thế giới.

Chúng ta nói tới Biển Đông không có nghĩa là chỉ có tranh chấp mà có cả sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và ASEAN với các đối tác trong Biển Đông như Trung Quốc hay ngoài Biển Đông như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ về khoa học, nghiên cứu biển, chống biến đổi khí hậu, đánh cá, chống cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia…

Mặt khác, thực tế hiện nay, các nhà nghiên cứu, báo giới đánh giá Biển Đông là một trong những nơi tiềm ẩn rủi ro rất lớn, dẫn đến xung đột. Thời gian gần đây, tại Biển Đông đã diễn ra những căng thẳng mà cộng đồng quốc tế đều phải lo ngại. Tuy nhiên, về vấn đề giải quyết tranh chấp, các nước ASEAN nhất trí các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Đó là các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 với nội dung cụ thể rằng các bên Công ước không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc phải thực hiện có hiệu quả Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) gồm ba nội dung lớn: Điều 4 liên quan tới giải quyết tranh chấp; Điều 5 là kiềm chế không làm phức tạp tình hình; Điều 6 là hợp tác và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Đây là những nhất trí rất lớn và là lập trường cơ bản, quan trọng của ASEAN.

Trên thực tế, ASEAN là diễn đàn giữa các nước ASEAN với nhau và ASEAN với các đối tác. Đơn cử như Hội nghị AMM-49 có khoảng 17 cuộc họp cấp Bộ trưởng. Trong đó, họp giữa các nước ASEAN chỉ có hai cuộc chính thức, còn lại là các cuộc họp của các đối tác ngoài khu vực hoặc trong khuôn khổ EAS (gồm 18 nước), và ARF (gồm 27 nước). Đây là những diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm, đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, thông qua nhiều hoạt động do Ban thư ký ASEAN hoặc do ASEAN với tư cách là cộng đồng hay từng nước ASEAN hợp tác với các đối tác bên ngoài thúc đẩy nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác và giảm xung đột trên biển như tuần tra chung, chống tội phạm… Vừa qua, trong khuôn khổ ARF, Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố về vấn đề hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và được Bộ trưởng Ngoại giao các nước ARF thông qua.

Thời gian tới, ASEAN cần đề ra các biện pháp để cùng với Trung Quốc thực hiện có hiệu quả hơn DOC vì cho tới nay, DOC là nguyên tắc. Hơn nữa, hai bên cần tích cực cùng nhau đàm phán để sớm có được COC, mang tính chất ràng buộc và có hiệu lực để duy trì hòa bình và ổn định, cũng như hợp tác ở Biển Đông.

COC đã được nhắc tới nhiều năm qua, vậy quá trình xúc tiến COC đã đạt được những bước tiến đáng kể nào, thưa Thứ trưởng?

Các nước ASEAN mong muốn quá trình này đi vào thương lượng, nhưng thực chất cho đến nay mới chỉ dừng ở mức tham vấn. Từ năm ngoái đến nay, các nước đã đạt được bước tiến mới là trao đổi về những yếu tố của COC.

Các nước trong Hiệp hội mong muốn các bên thảo luận để đưa ra được đề cương của COC. Việc trao đổi cũng rất tốt nhưng cả ASEAN và Trung Quốc mong muốn sớm tiến tới COC, do vậy, yếu tố thương lượng rất quan trọng. Chúng ta cần cùng nhau bàn bạc dựa trên chương trình, thời gian, nhóm làm việc và bàn về từng lĩnh vực cụ thể. Đây là cách làm phổ biến trong quá trình xây dựng các điều ước và các thỏa thuận quốc tế song phương hoặc đa phương.

ASEAN mong muốn, trong năm nay và năm sau, khi ASEAN, Trung Quốc kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại, hai bên có thể cùng nhau ký được COC.