📞

ASEAN trong cạnh tranh Trung - Mỹ

08:00 | 02/04/2016
Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã xây dựng được một hệ thống các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để xử lý các vấn đề an ninh - chính trị ở khu vực.

Điểm nổi bật của các cơ chế này là tính chất “đa ngành, đa tiến trình, đa tầng nấc”, phù hợp với sự đa dạng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho phép ASEAN linh hoạt và có thể thích nghi tốt với những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực.

Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 10 tại Malaysia năm 2015. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Các cơ chế này đã thu hút được sự tham gia rộng rãi của nhiều nước ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn. Các lĩnh vực đối thoại, hợp tác không ngừng được mở rộng, phù hợp với nhu cầu của tất cả các bên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, liên tục gia tăng, tác động không nhỏ tới các cấu trúc đã tồn tại từ nhiều năm qua, đặt ra cho ASEAN nhu cầu phải cải tổ, nâng cao hiệu quả vận hành…

Công cụ chủ chốt

Có nhiều cách phân loại khác nhau về các cơ chế của ASEAN, nhưng nổi lên năm cơ chế then chốt bao gồm: Thứ nhất, cơ chế ASEAN+1: Đây là cơ chế cốt lõi, họp hàng năm để ASEAN huy động các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia cũng như an ninh khu vực, ví dụ như hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, sự ủng hộ chính trị, chia sẻ kinh nghiệm… Cơ chế này đầu tiên được lập với Nhật Bản vào năm 1973, sau đó là Australia (1974), Mỹ, Canada, EU (1977) và Ấn Độ (1992). Đến nay, ASEAN có 10 đối tác đối thoại, trong đó có sáu đối tác chiến lược và một đối tác toàn diện… Cơ chế này đã phát huy vai trò to lớn, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ASEAN trong gần 50 năm qua.

Thứ hai là Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), được thành lập năm 2005 gồm 10 thành viên ASEAN và sáu nước đối tác. Năm 2010, tại Việt Nam, cả Mỹ và Nga đã được mời tham gia EAS. Đây là cơ chế chính thức duy nhất ở Đông Á để các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ASEAN và các đối tác có thể bàn bạc, trao đổi và ra quyết định về những vấn đề chiến lược, an ninh, chính trị… của khu vực Đông Á. ASEAN đóng vai trò tổ chức, định hình luật chơi và quyết định chương trình nghị sự.

Thứ ba là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), được thành lập từ 7/1994. Đây là một trong những diễn đàn quan trọng hàng đầu của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để bàn về an ninh khu vực. Hiện ARF có 27 thành viên và mới chủ yếu tập trung vào xây dựng lòng tin. Theo kế hoạch, ARF sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển, gồm xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột. Lĩnh vực hợp tác và đối thoại của ARF cũng được mở rộng, bao gồm các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Việc cả hai cường quốc (Trung Quốc và Mỹ) cùng điều chỉnh chính sách đối với ASEAN, một mặt giúp nâng cao vị thế của ASEAN, nhưng mặt khác đặt ra nhiều vấn đề cho ASEAN.

Thứ tư là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đây là sáng kiến của Việt Nam, được thành lập năm 2010 bao gồm 10 nước ASEAN và tám đối tác chủ chốt. ADMM+ họp hai năm một lần và được sự hỗ trợ của các cơ chế quan chức cấp cao (SOM) và năm nhóm làm việc về cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo; an ninh biển, chống khủng bố, quân y và gìn giữ hòa bình.

Cuối cùng là Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF+), được thành lập năm 2012 trên cơ sở Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) với thành phần tương tự như EAS với mục tiêu nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển. Dù mới được hình thành nhưng cơ chế này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển trong bối cảnh hiện nay.

Có thể nói, năm cơ chế trên đây là những công cụ chủ chốt để ASEAN xử lý quan hệ với các nước lớn, mục đích là đưa các mối quan hệ này vào ổn định, tranh thủ trợ giúp của các nước lớn cho sự phát triển của tổ chức cũng như của từng thành viên. Thông qua cơ chế này, ASEAN phát huy vai trò điều hòa lợi ích của các bên và là tổ chức duy nhất của các nước đang phát triển trên toàn cầu làm được điều này với tất cả các nước lớn.

Thách thức đa dạng

Những năm gần đây, cạnh tranh Trung - Mỹ diễn ra ngày càng phức tạp với mức độ gay gắt ngày càng tăng, thể hiện ở một số khía cạnh. Trước hết, từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) đến nay, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Một mặt, Trung Quốc tăng cường các hoạt động trên biển để trở thành “cường quốc biển toàn cầu”, đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, lấn chiếm ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây ra những phức tạp mới ở khu vực, đẩy căng thẳng ở khu vực lên cao... Mặt khác, Trung Quốc lại đề xuất nhiều ý tưởng hợp tác, sáng kiến ở khu vực như “một vành đai, một con đường”, “sáng kiến an ninh châu Á mới” và “khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc 2+7”… Điều này đã gây bối rối cho các nước ASEAN và có nguy cơ chia rẽ ASEAN...

Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay, Mỹ thực hiện chính sách “Xoay trục”, tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương, củng cố quan hệ với các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…, thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới như Ấn Độ, Indonesia, Myanmar…, tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương khu vực, tăng cường sự hiện diện về quân sự, chính trị… ở khu vực. Việc này cũng tác động mạnh vào nội bộ ASEAN.

Việc cả hai cường quốc cùng điều chỉnh chính sách đối với ASEAN, một mặt giúp nâng cao vị thế của ASEAN, nhưng mặt khác đặt ra nhiều vấn đề cho ASEAN.

Một là, Mỹ và Trung Quốc có lập trường khác biệt nhau về sự phát triển của EAS. Mỹ muốn EAS đi vào thực chất hơn, nhất là về an ninh, chính trị, nhưng ngược lại Trung Quốc chỉ muốn EAS tập trung vào các vấn đề phát triển, an ninh phi truyền thống… Sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại trong ADMM+ và các cơ chế khác của ASEAN.

Hai là, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ, Nhật… muốn nêu đậm vấn đề Biển Đông trong các diễn đàn đa phương của ASEAN, nhưng Trung Quốc lại muốn làm chìm vấn đề, không muốn Mỹ, Nhật can dự vào vấn đề Biển Đông, chỉ muốn bàn vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc. Chính sự cạnh tranh Trung - Mỹ đã dẫn tới việc Hội nghị ADMM+ năm 2015 tại Malaysia không ra được tuyên bố chung, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và uy tín của ASEAN.

Ba là, Mỹ muốn đẩy nhanh tiến trình thể chế hóa các cơ chế do ASEAN làm chủ đạo, trong khi Trung Quốc và một số nước ASEAN không muốn như vậy.

Bốn là, sau gần 50 năm tồn tại và phát triển, các đối tác của ASEAN, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, muốn được đối xử một cách công bằng hơn. ASEAN đã đạt được trình độ phát triển nhất định, do vậy nhiều nước muốn cắt giảm viện trợ cho ASEAN và muốn đối thoại và hợp tác một cách bình đẳng. Trong khi đó, cơ chế Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF+) có xu hướng bị hạ cấp sau một vài năm dự họp ở cấp Bộ trưởng và chưa phát triển như kỳ vọng. Các nước như Mỹ, Nhật… tỏ ra thất vọng với EAMF+, có xu hướng quan tâm tới việc hình thành các cơ chế khác thay thế.

Những vấn đề trên đây buộc ASEAN phải tìm cách cải tiến, điều chỉnh để ứng phó và thích nghi tốt hơn với bối cảnh đang thay đổi.

Một số giải pháp cấp bách

Trong bối cảnh đó, ASEAN nên từng bước thể chế hóa cơ chế EAS, đưa các nội dung thảo luận trong EAS đi thẳng vào những vấn đề thực chất, cốt lõi của an ninh khu vực; đồng thời xác định rõ các mối quan hệ của EAS với các cơ chế khác, đặc biệt là cần có bộ phận thực thi các quyết định, thỏa thuận do lãnh đạo cấp cao đạt được tại EAS.

Bên cạnh đó, ASEAN nên cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của năm cơ chế nêu trên, tăng cường phối hợp nội bộ, xây dựng đoàn kết, đẩy mạnh nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực thực thi và giám sát trên biển để bảo đảm sự vận hành hiệu quả của bộ máy. ASEAN cũng cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ pháp lý có tính ràng buộc như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), rà soát và sửa đổi Hiến chương ASEAN cho phù hợp hơn…