Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN và 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngày 8/8, ASEAN bước sang tuổi thứ 53. Có thể nói, chặng đường hình thành và phát triển của ASEAN hơn năm thập kỷ qua được tiếp nối bởi những nỗ lực bền bỉ của các nước thành viên với kim chỉ nam là hiện thực hóa tinh thần Tuyên bố Bangkok “vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình - tự do - thịnh vượng”.
Hình mẫu trong hợp tác
Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là một thị trường nhiều tiềm năng. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ năm hình thành và phát triển, kể từ mốc 31/12/2015 và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025, bước đầu đạt được những tiến triển đáng khích lệ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một bài viết đã từng khẳng định rằng, ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Cộng đồng ASEAN đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội.
Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng. Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực. Tiêu biểu là việc ASEAN đã bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác.
Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN từ đó ngày càng được củng cố.
Năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nằm trong các đối tác đầy đủ của ASEAN. Ngày càng có nhiều đối tác bên ngoài mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Trong chiến lược khu vực của các nước lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Vành đai và Con đường, chính sách “Hành động hướng Đông”… vai trò trung tâm của ASEAN luôn được nhấn mạnh và coi trọng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Phu nhân cùng các Đại sứ ASEAN tại Lễ kỷ niệm Ngày ASEAN và 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN, ngày 28/7/2020 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Cái cách mà ASEAN vượt qua những sóng gió bất ngờ và không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Lịch sử hơn năm thập kỷ tồn tại chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải gồng mình qua giông bão. Nhưng qua đó, ASEAN lại trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn trước. Chìa khóa thành công và sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết. Tinh thần ấy đã và đang được thể hiện thông qua nỗ lực ứng phó của ASEAN trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Những tháng qua, hợp tác của ASEAN theo tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đã giúp ASEAN vững vàng để ứng phó với dịch Covid-19, trở thành hình mẫu của thế giới về ứng phó với dịch bệnh.
Dịch bệnh Covid-19 đã để lại những hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN, nhưng trước thách thức này, cộng đồng ASEAN đã quyết không chùn bước.
Giữa đại dịch làm cả thế giới chao đảo, thấy rất rõ một Cộng đồng ASEAN kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các Đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Toàn thể ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, đầy tình tương thân, tương ái.
Mặc dù dịch bệnh còn phức tạp song các quốc gia thành viên ASEAN đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình. So với thế giới, đạt tỷ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh. GDP bình quân ASEAN được dự báo tăng trưởng mức thấp trong 2020, nhưng các nền kinh tế ASEAN vẫn giữ được ổn định.
Đã trở thành một triết lý trong cuộc sống, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chừng nào ASEAN còn giữ được đoàn kết và thống nhất, còn gắn kết được bởi giá trị và lợi ích chung vượt lên trên khác biệt của sự đa dạng, Cộng đồng ASEAN sẽ còn vững bền và trường tồn.
Việt Nam - Một phần không thể tách rời
Ngày 28/7/2020 đánh dấu một phần tư thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, trùng với thời điểm Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của Hiệp hội.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với Việt Nam, ngày 28/7 của 25 năm trước đồng thời là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến rất quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
“ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới". Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam |
Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gánh vác công việc chung của ASEAN. Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã đánh giá, gia nhập ASEAN mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích quan trọng. Thứ nhất, tham gia ASEAN giúp Việt Nam có điều kiện để phát triển nhanh, vững chắc: có một môi trường hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển; mở rộng quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các đối tác lớn, quan trọng; mở rộng thị trường, thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển đất nước; hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.
Thứ hai, góp phần nâng cao năng lực cho Việt Nam, theo đó để hội nhập với ASEAN và thế giới, Việt Nam tiến hành đổi mới, hoàn thiện thể chế theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; Việt Nam đẩy mạnh nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong các hoạt động quốc tế và đa phương.
Thứ ba, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như giúp Việt Nam tự tin tham gia vào các sân chơi quốc tế. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực không chỉ của ASEAN mà của cả cộng đồng quốc tế. Từ chỗ chỉ tham gia, nay Việt Nam đã đủ vững vàng, tự tin tham gia hội nhập quốc tế, đóng góp thực chất vào các công việc chung của thế giới.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Trong bảy tháng qua, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ASEAN đã đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, vượt lên khó khăn, thách thức, bước đầu kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời sớm tiến hành khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã khẳng định rằng, Việt Nam đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của ASEAN trong 25 năm qua và hội nhập thành công với đại gia đình ASEAN kể từ khi gia nhập. Thành công kinh tế, sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo có tầm nhìn, cùng “năng lượng mạnh mẽ” của người dân Việt Nam là những “tài sản” cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN.