Đông đảo các chuyên gia, học giả tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13. |
Ứng xử trước cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định về cục diện khu vực, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đại sứ Bilahari Kausikan, cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore cho rằng có sự khác biệt giữa cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Mỹ - Trung Quốc chủ yếu cạnh tranh thiên về lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và ngoại giao. Ngoài ra, các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, có nhu cầu phát triển kinh tế và xu hướng hợp tác giữa nhiều bên nhằm tránh xung đột và hạn chế đối đầu.
Cùng quan điểm với Đại sứ Bilahari Kausikan, Tiến sĩ Zach Cooper, chuyên viên cao cấp Viện doanh nghiệp Mỹ cho rằng Chiến tranh Lạnh không phải là phép so sánh tốt với những gì đang xảy ra.
Liên quan tới cách ứng xử của ASEAN trước cục diện cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang vô cùng phức tạp như hiện nay, bà Shuxian Luo, nghiên cứu viên tại Viện Brookings của Mỹ sử dụng 3 cụm từ để miêu tả chiến lược của ASEAN: Phòng ngừa rủi ro, Ràng buộc và Cân bằng sức mạnh mềm.
Theo bà Luo, một chiến lược như vậy đã giúp ASEAN đạt được thành công đáng kể trong việc mang lại sự ổn định và phát triển cho khu vực. Điều đó cũng khiến ASEAN trở thành “người trung gian, nhà môi giới trung thực và cầu nối giữa các cường quốc”.
Nhằm tiếp tục cân bằng, ASEAN cần thúc đẩy quan hệ và ảnh hưởng với cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời thu hút và tập hợp những nước trung lập khác có chung mối quan tâm và mục tiêu với ASEAN.
Cơ sở pháp lý quốc tế
Vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được thảo luận rộng rãi trong khuôn khổ Hội thảo lần này.
Các diễn giả bàn về việc vận dụng, áp dụng công ước trong việc xác lập các vùng biển ở thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mỗi quốc gia trong Biển Đông.
Nhiều học giả đánh giá cao vai trò của UNCLOS, coi nó như một "hiến chương xanh" của nhân loại, có thể tạo ra các quy chế pháp lý quan trọng để mỗi quốc gia căn cứ vào đó xác định phạm vi vùng biển của mình phù hợp với những điều khoản của công ước.
Bà Yan Yan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Đại dương thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (NISCSS), Trung Quốc cho rằng UNCLOS 1982 còn một số điều chưa được chi tiết, cụ thể, thậm chí theo họ là "mơ hồ" nên đã bị các nước khác lợi dụng, đưa ra yêu sách vô lý.
Thế nhưng, ngay sau ý kiến này, nhiều chuyên gia có những bình luận đáp lại, cho rằng mặc dù UNCLOS còn một số quy định cần được cụ thể hóa hơn nhưng công ước này vẫn là cơ sở pháp lý quốc tế để các nước xác định phạm vi vùng biển hợp pháp của họ.
Công ước cũng là cơ sở để các nước giải quyết tranh chấp trong những vùng biển chồng lấn, tạo cơ chế để các bên giải quyết xung đột một cách rõ ràng theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyên gia Jay Batongbacal, Đại học Philippines cũng nhấn mạnh các bên cần coi trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đây có thể là những khuôn khổ pháp lý bổ sung cho UNCLOS trong giải quyết các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
ASEAN - nhân tố khó thay thế
Các nhà nghiên cứu cũng thảo luận sôi nổi về vai trò của Nhóm Bộ tứ (Quad), gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản và Thỏa thuận quốc phòng mới giữa ba nước Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) trong cấu trúc an ninh khu vực. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhìn nhận Quad và AUKUS trong tương quan với vai trò của ASEAN.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh điều phối phiên thảo luận "ASEAN và Quad trong cấu trúc khu vực". (Ảnh: QT) |
Đại sứ Igor Driesmans, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN cho rằng: “Nhìn tổng thể khu vực chưa có nhân tố nào có thể thay thế được vai trò của ASEAN”.
Theo Đại sứ Igor Driesmans, dù là Quad hay AUKUS, mục tiêu quan trọng nhất vẫn cần là đảm bảo một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung của các nước. Vai trò của ASEAN trong khu vực và trong giải quyết các vấn đề liên quan tới Biển Đông rất quan trọng
“Biển Đông đang có sự gia tăng căng thẳng, ASEAN có vai trò quan trọng trong đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết tham gia tích cực các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để giải quyết những nguy cơ về an ninh, trong đó có an ninh hàng hải truyền thống và phi truyền thống. Tất cả các quốc gia phải hướng tới định hướng một cấu trúc khu vực đủ mạnh, lấy ASEAN làm trung tâm”, Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh.
Nhằm duy trì vai trò không thể thay thế ASEAN trong khu vực, theo Tiến sĩ Rizal Sukma, học giả cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Jakarta, Indonesia cho rằng việc xây dựng những nền tảng đối thoại từ nhỏ đến lớn rất quan trọng.
Cách tiếp cận của ASEAN trước cạnh tranh nước lớn cũng cần xem xét. Tiến sĩ Rizal Sukma cho rằng ASEAN có thể cân nhắc hợp tác với các liên minh như Quad hay AUKUS để các quốc gia cùng nhau giải quyết các mối nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Tiến sĩ Rizal Sukma bày tỏ: “Hiện nay, rất mừng ASEAN đã đưa ra Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), đây có thể được coi là kim chỉ nam để ASEAN đồng thuận trước các vấn đề liên quan tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Theo Tiến sĩ Rizal Sukma, ASEAN cần nhận thức rõ rằng các thành viên không thể tư duy riêng lẻ và phải giải quyết vấn đề với tư duy tập thể, của một khối đoàn kết. Điều này càng cần thiết khi cạnh tranh nước lớn gia tăng.