AUKUS có bất ngờ không? Cái giá mà bộ ba phải trả là gì? Vì sao…? Giải đáp câu hỏi khó của truyền thông từ chính các tác giả và đối thủ, đồng minh, đối tác của AUKUS.
Sự ra đời của AUKUS là một tính toán chiến lược có ý đồ lâu dài. (Nguồn: AP) |
Toan tính của người trong cuộc
Australia lo ngại sức ép thương mại, ngoại giao, an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhất là các hành động cứng rắn ở Thái Bình Dương. Canberra điều chỉnh chiến lược, ưu tiên phát triển hạm đội tàu ngầm. Bắt đầu bằng thỏa thuận với Pháp trong chương trình SEA năm 2016. Nhận thấy thỏa thuận tàu ngầm động cơ diesel công nghệ không tiên tiến, tốn kém, chậm trễ, nên Australia chủ động “đi đêm” với Mỹ.
Học giả quốc tế cho rằng ký kết hiệp định hợp tác tàu ngầm hạt nhân là “canh bạc chiến lược lớn nhất trong lịch sử Australia”, sự lựa chọn trở thành “đối tác vĩnh viễn” của Mỹ. Nó gia tăng sức mạnh, năng lực, vị thế của Australia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng cũng là “đánh cược tất tay” với Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh, đối tác khác.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu, trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mỹ cần “kết nối các đồng minh, đối tác theo những cách mới”; đầu tư nguồn lực sức mạnh lớn nhất vào liên minh để “đáp ứng tốt nhất các mối đe dọa của hôm nay và ngày mai”.
Nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Australia có vị trí đắc địa để cùng Mỹ và đồng minh triển khai lực lượng hải quân ở khu vực. Mâu thuẫn kinh tế, thách thức an ninh từ Trung Quốc đẩy Australia ngả hẳn về Mỹ, hưởng ứng tích cực hoạt động tự do hàng hải, duy trì trật tự trên biển theo luật lệ, do Mỹ khởi xướng.
Công nghệ tàu ngầm hạt nhân có độ mật cao, nhạy cảm. Mỹ chỉ chia sẻ với Anh. Sau 50 năm, Mỹ mới chấp nhận chia sẻ để nâng cấp Australia thành một đồng minh có đủ năng lực, cùng gánh vác trách nhiệm ở khu vực.
Điều đó cho thấy Mỹ sắp xếp thứ tự đồng minh, đối tác ưu tiên gắn với tầm quan trọng của khu vực, trước hết là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rồi đến châu Âu, Trung Đông. Bên cạnh đó là nguồn lợi nhiều chục tỷ USD cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ. Với lý do đó, Mỹ có thể chấp nhận làm mất lòng đồng minh lâu đời ở EU.
Anh sau khi rời khỏi EU, muốn gia tăng vị thế, ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cùng với đó là khả năng hợp tác công nghệ tàu ngầm hạt nhân và nguồn lợi kinh tế. Các yếu tố đó đưa Anh trở thành thành viên tự nhiên của AUKUS.
Sau khi công bố AUKUS, Mỹ có động thái trấn an, xoa dịu đồng minh.
Nhưng rõ ràng AUKUS là một tính toán chiến lược có ý đồ lâu dài. Mỹ sẵn sàng “sử dụng tất cả sức mạnh thiết lập các rào cản mới”; tìm kiếm liên minh mới, khuôn khổ hợp tác mới, quy mô nhỏ, tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu, thực chất hơn, sát với ưu tiên của từng nước, có khả năng tạo ra đột phá.
Dấu hiệu trục trặc quan hệ đồng minh, đối tác
Mỹ cũng lường trước thái độ đồng minh, nhưng không ngờ Pháp lại phản ứng ngay lập tức và quyết liệt như vậy. Thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Pháp với Australia là “hợp đồng thế kỷ” mở ra khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược trong 50 năm”. Australia “quay xe”, không chỉ làm mất 60-70 tỷ USD, mà còn đẩy quan hệ song phương “đối mặt với nguy cơ đổ vỡ”.
Bộ ba AUKUS "đi đêm", qua mặt Pháp. Washington công bố thỏa thuận ngay trước ngày kỷ niệm 250 năm chiến thắng của liên quân Pháp-Mỹ trước Hải quân Anh tại Chesapeake, sự kiện vinh danh mối quan hệ với một trong những đồng minh lâu đời nhất.
Hành động của Mỹ khiến cho Pháp cảm thấy “tức giận và cay đắng” vì bị “đâm sau lưng”, bị “cho ra rìa”, hạ thấp vị thế quốc tế của Paris.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cáo buộc AUKUS là “trò hai mang, một việc làm tổn hại lòng tin nghiêm trọng…”, “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” giữa các đồng minh. Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia; hủy bỏ hội nghị quốc phòng cấp cao với Anh…
Một số chính trị gia Pháp kêu gọi rút khỏi NATO, ngăn cản đàm phán FTA giữa EU và Australia. Đây là căng thẳng ngoại giao hiếm gặp giữa các đồng minh. Với cương vị Chủ tịch luân phiên EU sắp tới, Pháp có thể thúc đẩy chuyện riêng trở thành vấn đề chung.
Phát biểu “không biết gì” của quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU phần nào thể hiện thực chất vị thế của EU với Mỹ. Chiến lược chính trị, quân sự của EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có quan điểm “hợp tác, không đối đầu với Trung Quốc”, thể hiện sự độc lập hơn với Mỹ.
Việc EU công bố chiến lược mới 1 ngày sau khi AUKUS ra đời, có thể xem là động thái bày tỏ sự không hài lòng. Nhưng EU không thống nhất cao giữa một số thành viên trong quan hệ với Nga, Trung Quốc và vấn đề nội khối, nên khó có thể làm gì hơn.
Mặt khác, nó biện minh cho việc Mỹ không đặt cược tất cả vào EU trong chiến lược toàn cầu đối phó với Trung Quốc.
Không muốn gây thêm rắc rối sau vụ rút quân khỏi Afghanistan, lãnh đạo liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) giảm nhẹ tác động bằng tuyên bố AUKUS không ảnh hưởng đến sự thống nhất quân sự của khối. Nhưng việc một số quan chức EU nhắc lại đề xuất thành lập lực lượng vũ trang riêng, phần nào thể hiện sự không thống nhất của NATO.
Dư luận Canada dậy sóng vì cho là bị bỏ rơi. New Zealand có cảm nhận tương tự. Các nước khác quan ngại AUKUS gia tăng mâu thuẫn Mỹ và Trung Quốc, cản trở nỗ lực hợp tác phục hồi kinh tế sau đại dịch covid-19 và có thể rơi vào tình thế không mong muốn là phải chọn bên.
Thủ tướng Malaysia lo ngại AUKUS sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Đồng tình, Bộ Ngoại giao Indonesia bày tỏ quan ngại sâu sắc về chạy đua vũ trang và sự tăng cường quyền lực ở khu vực. Thủ tướng Singapore hy vọng thỏa thuận sẽ “đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, đồng thời bổ trợ cho cấu trúc khu vực”.
Một số chính trị gia ngầm thừa nhận AUKUS góp phần hạn chế việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Ít nhiều có dấu hiệu trục trặc trong quan hệ đồng minh, do sự xuất hiện của AUKUS. Cái được của người này lại là cái mất của kẻ khác. Thái độ, phản ứng khác nhau của các đồng minh, đối tác xuất phát từ lợi ích quốc gia.
Trung Quốc phản ứng và tranh thủ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích đây là “tâm lý chiến tranh lạnh lỗi thời”, hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”, “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực… tăng cường chạy đua vũ trang”.
Bộ tứ (Quad), Liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) và các liên minh quân sự, an ninh song phương gia tăng hoạt động. Lại xuất hiện thêm AUKUS, được cho là nhắm vào Trung Quốc.
Bắc Kinh phản ứng mạnh, bởi họ cho rằng AUKUS sẽ thúc đẩy hình thành các tổ chức, liên minh mới, củng cố mặt trận kiềm chế nước này từ nhiều hướng.
Muốn phá thế hợp tung của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc chĩa mũi nhọn vào Australia, “mắt xích” yếu hơn. Truyền thông Trung Quốc cảnh báo: Australia tự biến mình thành kẻ thù của Trung Quốc, có thể trở thành mục tiêu của chiến tranh hạt nhân…
Không chỉ răn đe, Bắc Kinh sẽ có các hành động mạnh tay hơn, cả thương mại, ngoại giao, an ninh... Thông qua răn đe Australia, Bắc Kinh nhắc nhở các quốc gia khác tránh đối đầu với Trung Quốc.
Đồng thời, một số chuyên gia cho rằng dấu hiệu trục trặc giữa các đồng minh là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với EU. Chuyện đó là có thể.
Song hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc với tính toán thiệt hơn của các bên và ứng xử của Mỹ với đồng minh. Quan trọng hơn Trung Quốc phải tạo được lòng tin với EU. Việc lợi dụng lúc đối tác khó khăn, mang lại kết quả trước mắt, nhưng khó có thể hợp tác lâu dài, bền vững.
Trung Quốc cho rằng AUKUS sẽ thúc đẩy hình thành các tổ chức, liên minh mới, củng cố mặt trận kiềm chế nước này từ nhiều hướng. (Nguồn: GIS) |
AUKUS “tạo sóng” đến đâu?
Truyền thông, học giả quốc tế đưa ra nhiều bình luận giật tit hấp dẫn: “Thỏa thuận hợp tác đặc biệt”, “Thỏa thuận lịch sử”, “Sự chuyển dịch quyền lực ở châu Á”, “Làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực”, “Thế trận đột phá của Mỹ và đồng minh”, “Mặt trận (gọng kìm) mới kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông”, “Cơ sở hình thành hạm đội tàu ngầm hạt nhân đa quốc gia”…
Có thể thấy truyền thông là một nhân tố quan trọng “tạo sóng”.
Tính năng ưu việt của tàu ngầm hạt nhân về thời gian hoạt động liên tục, dài ngày, mức độ tàng hình và mang nhiều loại vũ khí uy lực lớn… là điều không bàn cãi. Chương trình hợp tác tàu ngầm hạt nhân của AUKUS đầy tham vọng. Nhưng AUKUS có tác động lớn như nhận định của truyền thông không, là vấn đề chưa dễ thống nhất.
Để đóng và sử dụng số lượng tàu ngầm hạt nhân như dự kiến sẽ mất nhiều thời gian, có thể đến chục năm. Hiện nay, trên thế giới đã có 6 quốc gia sở hữu mấy chục tàu ngầm hạt nhân. Thêm Australia là tân binh thứ bảy. Thách thức sẽ kích thích Trung Quốc phát triển thêm hạm đội tàu ngầm hạt nguyên tử. Trong chục năm tới, AUKUS chưa thể tạo ra cú hích làm thay đổi căn bản cục diện quân sự ở Biển Đông.
Có lẽ còn sớm khi gọi AUKUS là liên minh quân sự. AUKUS chưa có các nguyên tắc cơ bản để trở thành liên minh quân sự ở cấp cao nhất, theo hình thức Hiệp ước phòng thủ chung.
Trước mắt, AUKUS là một thỏa thuận (hiệp định) liên kết, hợp tác về công nghệ tàu ngầm hạt nhân và một số công nghệ đặc thù khác. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ tạo cơ sở quan trọng để có thể mở rộng, nâng cấp thành liên minh quân sự với đầy đủ ý nghĩa, tiêu chí.
***
AUKUS là một trong gần chục sự kiện quan trọng diễn ra trong vài ngày giữa tháng 9. Có cái mở đầu, có cái là dấu mốc của một hành trình, mở rộng, phát triển lên tầng nấc mới. Liên minh đa dạng, đa sắc, đa chiều và đan xen là xu thế. Kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh khó tách bạch rạch ròi.
Một quốc gia có thể đồng thời tham gia các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác nhau. Mà ở đó, tầm nhìn và lợi ích quốc gia của các thành viên, của các tổ chức chưa hẳn đã song trùng. Đánh giá đúng thực chất, xử lý các mối quan hệ quốc phòng, an ninh vô cùng khó khăn. Vấn đề là xử lý phù hợp, để tạo được vị thế có lợi nhất, bảo đảm được lợi ích quốc gia cốt lõi. Điều gợi lên từ sự kiện AUKUS.