Lý do đầu tiên dẫn đến việc trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 của người Austrlia là do nghi ngờ về tác dụng phụ của nó. |
Ngành y tế lo lắng
Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) cho rằng, với thành công của chính phủ trong việc ngăn chặn Covid-19, tỷ lệ nhiễm và tử vong ít hơn nhiều so với các nước châu Âu, người dân nước này đang tỏ ra tương đối chủ quan.
AMA kêu gọi các nhà chức trách tăng cường triển khai các chiến dịch quảng bá về lợi ích của vaccine trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nếu không những người dân sẽ rất dễ bị tấn công bởi những làn sóng dịch bệnh đang ngày càng có dấu hiệu phức tạp trên thế giới.
Phó Chủ tịch AMA Chris Moy cho biết: "Nhìn thấy những gì đang xảy ra ở nước ngoài, nơi các làn sóng Covid-19 hoành hành ở nhiều quốc gia với các biến thể nguy hiểm, tôi thấy lo lắng cho người dân Australia. Người dân cần được tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là những người trên 50 tuổi”.
Australia đóng cửa biên giới quốc tế vào tháng 3/2020 đối với hầu hết những người không phải là công dân và thường trú nhân, giúp cho tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở nước này tương đối thấp. Australia ghi nhận chưa đến 30.000 ca nhiễm và 910 trường hợp tử vong.
Tuy vậy, một số đợt bùng phát quy mô nhỏ gần đây cũng khiến các cơ quan y tế lo lắng và nhiều lần đưa ra cảnh báo. Các trường hợp dương tính thời gian qua chủ yếu liên quan đến tình trạng các ca nhập cảnh vi phạm quy định cách ly y tế tại các khách sạn.
AMA cho biết, những vi phạm trên có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong bối cảnh tỷ lệ người dân được tiêm phòng vaccine Covid-19 còn thấp và tâm lý trì hoãn tiêm vẫn còn phổ biến.
Australia đặt mục tiêu việc tiêm chủng cho 20 triệu dân số trưởng thành vào cuối năm nay. Việc triển khai tiêm vaccine đã được tăng tốc trong những tuần gần đây. Khoảng một phần ba trong số 3,3 triệu liều vaccine Covid-19 nhập về đã được tiêm nhưng con số vẫn còn kém xa nhiều quốc gia phát triển khác.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang gây sức ép lên chính phủ liên bang thúc đẩy các kế hoạch mở cửa lại biên giới. Chính phủ Australia từng có kế hoạch mở cửa vào cuối năm nay nhưng trước tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được khống chế và tỷ lệ tiêm vaccine còn ít ỏi, kế hoạch mở cửa đường biên bị lùi đến giữa năm tới.
Dân chúng lưỡng lự
Gần một phần ba người Australia trưởng thành nói rằng họ không muốn tiêm chủng ngừa vaccine Covid-19.
Lý do đầu tiên dẫn đến việc trì hoãn tiêm phòng vaccine của người Australia là do nghi ngờ về tác dụng phụ của vaccine. Các cuộc khảo sát mới đây cũng cho thấy nhiều người tin rằng không nên vội vàng tiêm vaccine vì cho rằng họ vẫn an toàn khi biên giới quốc gia đóng cửa.
Cuộc khảo sát mới đây của hai tờ báo The Sydney Morning Herald và The Age hợp tác với công ty nghiên cứu Resolve Strategic cho thấy 15% người trưởng thành được khảo sát cho biết họ “hoàn toàn không muốn” và 14% “không thực sự muốn” được tiêm chủng trong những tháng tới.
Chỉ 14% trong tổng số người được hỏi cho biết họ “rất muốn”, 8% “muốn” và 13% “khá muốn” tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Giám đốc Resolve Strategic Jim Reed lý giải tình trạng “ngại” tiêm vaccine như sau: “Nguyên nhân một phần là khả năng tiếp cận thực tế với vaccine, một phần do lo lắng về các tác dụng phụ và một phần chủ quan nghĩ rằng liệu họ có cần tiêm trong bối cảnh tương đối an toàn như hiện nay không".
Giáo sư Fiona Russell, cố vấn về lĩnh vực vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, Australia chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng để mở cửa biên giới nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn khi có từ 60 đến 85% người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Thực tế, không chỉ người dân Australia do dự tiêm vaccine Covid-19. Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng trước cho thấy 26% người Mỹ trưởng thành không muốn tiêm vaccine Covid-19.
Trong khi đó, tỷ lệ người dân Vương quốc Anh ủng hộ tiêm vaccine ngừa Covid-19 lại lớn hơn nhiều. Một cuộc khảo sát của chính phủ vào tháng trước ước tính tỷ lệ dân chúng không muốn tiêm vaccine chỉ ở mức 6 hoặc 7%.
Chính phủ tăng tốc
Thủ tướng Scott Morrison thừa nhận hôm 18/5 rằng chính phủ Australia cần phải tăng tốc việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Các quan chức Australia cũng cho rằng hiện giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để nói về các biện pháp nới lỏng trong việc phòng chống Covid-19, đặc biệt là việc mở cửa đường biên giới.
Trong khi đó, tờ Guardian cho biết, cơ quan công nghiệp hàng không toàn cầu IATA đang đàm phán với chính phủ Australia về một loại chứng nhận kỹ thuật số cho những người Australia đã tiêm phòng vaccine Covid-19 có thể đi du lịch nước ngoài.
Hãng hàng không Qantas hôm 19/5 cũng cho rằng Australia nên mở cửa biên giới và cho phép các hãng bay hoạt động trở lại một khi nước này hoàn thành việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Hiện Thủ tướng Scott Morrison từ chối xem xét những yêu cầu đó trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.