Các nhà ngoại giao Australia hỗ trợ công dân trở về nước. (Nguồn: The Madarin) |
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, những hoạt động ngoại giao theo hình thức truyền thống đang phải tạm gác lại để ưu tiên cho các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Điều này đã khiến cho ngoại giao trực tuyến xuất hiện và đóng vai trò quan trọng, giúp Australia nhanh chóng thích ứng với tình hình.
Những "anh hùng thầm lặng”
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà ngoại giao Australia là những “anh hùng thầm lặng” trong đại dịch Covid-19 với nỗ lực đảm bảo sự an toàn cho công dân Australia trong hoàn cảnh khó khăn. Thách thức đầu tiên đối với các nhà ngoại giao khi khủng hoảng xảy ra là hỗ trợ lãnh sự cho công dân ở nước ngoài. Mặc dù là một điểm đến du lịch hấp dẫn nhưng Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh hạn chế đi lại, được áp dụng đối với hơn 90% dân số thế giới.
Đầu tháng 5, hơn 300.000 công dân Australia đã trở về nước với 16.500 người nhận được sự hỗ trợ từ các nhà ngoại giao. Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm tất cả các chuyến bay đi hoặc đến đất nước này thì những nhà ngoại giao Australia tại New Delhi đã cố gắng sắp xếp các chuyến bay đưa hơn 3.500 công dân về nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Australia ở Philippines đã giúp đỡ 1.600 người Australia trở về trên 26 chuyến bay. Tại Campuchia, các nhà ngoại giao cũng đã giúp sắp xếp chuyến bay để đưa 184 công dân Australia về nước an toàn. Ở đảo quốc Vanuatu, những người Australia bị mắc kẹt mà không có khả năng tiếp cận các chuyến bay thương mại đã được đưa về nước trên máy bay chở hàng C-17 của Lực lượng Phòng vệ Australia sau khi chiếc máy bay này cung cấp viện trợ cho Vanuatu sau cơn bão Harold.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Frances Adamson, đây là thời điểm hoàn toàn chưa từng có tiền lệ và kêu gọi các nhà ngoại giao có một cách tiếp cận sáng tạo trong công tác bảo hộ công dân.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Các nhà ngoại giao Australia cũng đã đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để chống lại đại dịch, tích cực hoạt động thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và G20. Australia đã chủ động kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về Covid-19 tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Đồng thời, Australia cũng đã sử dụng tư cách thành viên của G20 để kêu gọi hành động đối với các khu chợ buôn bán động vật hoang dã - nơi được cho là đã truyền virus gây bệnh Covid-19 từ động vật sang người và đồng ý giãn nợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở khu vực Thái Bình Dương.
Trong khi thế giới phải đối mặt với đại dịch, các nhà ngoại giao Australia đã nỗ lực ủng hộ duy trì thương mại toàn cầu, thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các nhà ngoại giao Australia họp trực tuyến. (Nguồn: The Madarin) |
Trong khu vực, những người làm đối ngoại ở xứ sở Kangaroo cũng đã hợp tác chặt chẽ với những nước láng giềng, như giúp đỡ Papua New Guinea và các quốc gia khác tăng cường năng lực xét nghiệm, cung cấp nguồn viện trợ thiết thực cho Vanuatu cũng như hỗ trợ các quốc gia ứng phó với dịch Covid-19 trong các lĩnh vực như y tế và an ninh lương thực.
Được biết, Australia cũng đã cam kết cung cấp 100 triệu AUD cho 10 quốc gia ở Thái Bình Dương thông qua kế hoạch Đối tác phục hồi nhằm hỗ trợ các nước đối phó với dịch Covid-19 và đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế để khuyến khích họ hỗ trợ các quốc đảo trên Thái Bình Dương - một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do tác động của đại dịch.
Ở Campuchia, chương trình phát triển của Australia đã hỗ trợ 1.300 phòng khám y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước.
Sáng tạo vượt qua thách thức
Thay vì các hoạt động ngoại giao truyền thống như gặp gỡ trực tiếp, làn sóng Covid-19 “quét qua” buộc các nhà ngoại giao không chỉ ở Australia mà trên khắp thế giới phải thay đổi để thích nghi với việc hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, đòi hỏi họ phải sử dụng thành thạo hơn các công cụ trực tuyến.
Những cuộc gặp gỡ song phương hay đa phương đều “chuộng” hình thức trực tuyến để mọi hoạt động đối ngoại không bị gián đoạn. Trong suốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, các nhà ngoại giao thường phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, nhiều cán bộ phải về nước vì lý do sức khỏe, với chỉ 70% nhân sự còn ở lại khiến sự hiện diện của Australia tại nước ngoài bị thu hẹp hơn.
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie: “Một trong những bài học kinh nghiệm lớn của mạng lưới ngoại giao toàn cầu là phải linh hoạt. Chúng tôi đang làm việc trong những tình huống mà chúng tôi không bao giờ có thể lường trước được. Chúng tôi được đứng ở đây vì một lý do: vượt qua giới hạn và biến những điều không thể thành có thể vì lợi ích đất nước và sự an toàn của người dân”.
Mặc dù hầu hết người dân Australia đều coi những gì mà các nhà ngoại giao đang làm là trách nhiệm hiển nhiên, nhưng chính đóng góp của họ đã góp phần giúp quốc gia này vượt qua những thách thức từ Covid-19.
Có thể thấy rằng, sự bùng phát và lan rộng của dịch Covid-19 trên toàn cầu buộc những nhà ngoại giao Australia phải tìm hướng đi mới để thay thế cho hình thức ngoại giao truyền thống. Và ngoại giao từ xa được xem là biện pháp tối ưu giúp quốc gia này vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa duy trì được các hoạt động đối ngoại của mình.