📞

Australia hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chất lượng giáo dục trực tuyến

15:33 | 16/03/2017
Ngày 16/3 tại Hà Nội, Chính phủ Australia và Bộ GD&ĐT đồng tổ chức Hội thảo tham vấn để lấy ý kiến về bộ công cụ hỗ trợ các nước thành viên APEC trong đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến. 

Mở đầu buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nhận định, Australia là một trong những nước dẫn đầu trong việc cấp học bổng cho Việt Nam. Các trường đại học của Australia luôn thu hút nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam theo học. Hiện nay có gần 24.000 lưu học sinh Việt Nam theo học và nghiên cứu tại các trường đại học tại Australia. 

Đại diện Bộ GD&ĐT và Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Australia kí kết Biên bản ghi nhớ. (Ảnh: YN)

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng, giáo dục đại học của Việt Nam và thế giới đang đứng trước thách thức đổi mới mô hình, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh. Theo đó, người học sẽ được chủ động lựa chọn chương trình học phù hợp nhất với mình. Như vậy, giáo dục trực tuyến đang và sẽ là một xu thế tất yếu mà người học lựa chọn.

“Để đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ trương sử dụng các quy trình tiêu chuẩn đánh giá theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, tham khảo và học tập các nền giáo dục tiên tiến”, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, chính phủ Australia cam kết hỗ trợ công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam và nhấn mạnh rằng nâng cao chất lượng, mở rộng cơ hội tiếp cận là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai.

“Báo cáo năm 2035 kết luận rằng để có thể duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần chú trọng đến sáng tạo và đổi mới. Giáo dục trực tuyến có tiềm năng mang lại nhiều hơn cơ hội tiếp cận các khóa học được công nhận trên toàn thế giới mà người học không cần bỏ ra chi phí di chuyển xuyên quốc gia. Sự phát triển này cung cấp những cơ hội đáng kể cho các trường đại học của Việt Nam và Australia”, ngài Craig Chittick cho biết.

Ngài Đại sứ cũng hy vọng qua sự hợp tác này với sự hỗ trợ từ phía Australia, có thể cung cấp công cụ cải thiện các chương trình đào tạo trực tuyến. Đồng thời, qua đó tăng cường sự hợp tác, tạo sự linh hoạt cho sinh viên, thúc đẩy sự chuyển giao kiến thức của quốc gia này với quốc gia khác, là nền tảng để trao đổi, hợp tác hơn nữa trong tương lai.

Đại diện Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Australia chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: YN)

Giáo dục trực tuyến ở bậc đại học hiện đang là một xu thế toàn cầu. Nếu làm tốt, phương thức giáo dục này có thể cải thiện cơ hội tiếp cận và mang lại những cách học tập mới và sáng tạo cho học sinh. Tuy nhiên, một số nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam còn chưa thực sự tự tin về chất lượng, sự công nhận và trải nghiệm của học sinh trong những khóa học hoàn toàn hoặc phần lớn được thực hiện trực tuyến.

Bộ công cụ được xây dựng với mục đích mang lại sự hiểu biết chung về những điển hình tốt và một số công cụ thực tiễn để đánh giá các khía cạnh của học tập trực tuyến, chẳng hạn như kỹ năng của giáo viên hay sự trung thực của quá trình đánh giá.

Hội thảo đã có những thảo luận về mặt phương hướng cũng như thách thức của Việt Nam trong kiểm định giáo dục trực tuyến và xem xét việc làm thế nào để bộ công cụ này có thể hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình đảm bảo chất lượng. Sự hỗ trợ này rất kịp thời khi Việt Nam đang xây dựng những định hướng cho giáo dục từ xa. Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APEC năm 2017 đã xác định rõ nguồn nhân lực trong thời đại số là một trong những chủ đề chiến lược cho năm nay.

Những đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Australia (TEQSA) và Bộ GD&ĐT Việt Nam.

Bộ công cụ này lần đầu tiên được xem xét bởi 13 nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam (tháng 10/2016). Hiện nay, bộ công cụ đang được thử nghiệm trước khi hướng đến sự thông qua tại APEC vào cuối năm 2017. Việt Nam là một trong ba quốc gia nhận được sự hỗ trợ tại chỗ trong dự án.