📞

Australia muốn hợp tác với Việt Nam để hướng sự tập trung của OECD vào ASEAN

Thu Trang 06:15 | 20/10/2022
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew John Lech Goledznowski đưa ra khuyến nghị để Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và hai nước cùng thúc đẩy kinh tế và thịnh vượng khu vực trong nhiệm kỳ đồng Chủ tịch Chương trình quốc gia Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew John Lech Goledznowski.

Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP của OECD nhiệm kỳ 2022-2025, Việt Nam và Australia cần làm gì để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động của SEARP, đóng góp thiết thực vào quá trình khôi phục và phát triển kinh tế khu vực?

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Australia, Thượng nghị sĩ Tim Ayres và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã cùng chủ trì Diễn đàn Bộ trưởng OECD về khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng tại Hà Nội vào ngày 17-18/10.

Với chủ đề “Kết nối các khu vực: Các quan hệ đối tác cho các chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững”, Diễn đàn đã tìm hiểu cách thức các nước OECD và ASEAN có thể cải thiện khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng để chống lại những cú sốc trong tương lai.

Diễn đàn cũng thảo luận các biện pháp thiết thực mà các chính phủ các nước ASEAN và OECD có thể thực hiện để cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong thời gian tới; và cách thức các chính phủ và doanh nghiệp của OECD và ASEAN có thể hợp tác để thúc đẩy các cơ hội đầu tư và cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế về lâu dài.

Mặc dù Diễn đàn là một thành phần quan trọng trong Chương trình SEARP đang diễn ra của OECD, đây chỉ là bước đầu tiên trong quan hệ đối tác của Australia với Việt Nam để chủ trì Chương trình SEARP. Trong nhiệm kỳ 3 năm đến 2025, chúng tôi muốn làm việc với Việt Nam để đảm bảo SEARP mang lại kết quả thiết thực cho cả hai bên.

OECD là nguồn tư vấn, cung cấp các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất trên toàn cầu về chính sách kinh tế và xã hội và Australia đã đạt được những lợi ích đáng kể trong 50 năm là thành viên. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường sự tập trung của OECD vào ASEAN và khu vực Đông Nam Á, vì vậy, chúng tôi có thể giúp khu vực tiếp cận với nguồn tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật này thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, đây không phải là quá trình một chiều. ASEAN là trung tâm của hội nhập và phát triển kinh tế khu vực và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Chúng tôi mong muốn các thành viên OECD tìm hiểu thêm về các ưu tiên và thông lệ của ASEAN, bao gồm cả việc OECD có thể cung cấp hỗ trợ và lời khuyên hữu ích và phù hợp với nhu cầu của khu vực.

Australia và Việt Nam cũng cam kết tăng cường tiếng nói của khu vực tư nhân trong SEARP, công nhận rằng chính hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Việc tham gia của các doanh nghiệp từ Đông Nam Á và OECD sẽ hỗ trợ công việc của SEARP đối với các ưu tiên cải cách trong nước, tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy các nỗ lực kết nối.

OECD và các nước Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy hợp tác theo xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đại sứ nghĩ sao về xu hướng này? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến hợp tác Việt Nam-Australia? Những cơ hội và thách thức từ xu hướng này là gì?

Diễn đàn Kinh tế Cấp cao Việt Nam-OECD vào ngày 18/10 vừa qua đã tập trung vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng cho quá trình chuyển đổi số và xanh. OECD sẵn sàng hỗ trợ mục tiêu quan trọng này bằng cách phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ đầu tư chất lượng cao.

Các chính sách mang lại sự minh bạch và khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư sẽ rất quan trọng trong việc thu hút hàng nghìn tỷ USD nhằm thúc đẩy những chuyển đổi này. Australia muốn thấy khu vực tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn và công cụ của OECD trong vấn đề này.

Đối với mối quan hệ song phương Việt Nam-Australia, một ưu tiên chung quan trọng chính là biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Australia và Việt Nam đều tập trung phát triển các giải pháp thực tế, có khả năng mở rộng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, đồng thời hợp tác với các quốc gia khác để giảm carbon và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế của hai nước.

"Việc tham gia của các doanh nghiệp từ Đông Nam Á và OECD sẽ hỗ trợ công việc của SEARP đối với các ưu tiên cải cách trong nước, tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy các nỗ lực kết nối". (Đại sứ Andrew John Lech Goledznowski)

Chúng ta có chung những thách thức và hiểu rằng quá trình chuyển đổi năng lượng đối với cả hai quốc gia không hề dễ dàng. Chúng ta đều phụ thuộc vào sản xuất nhiệt điện than và đẩy nhanh việc sản xuất năng lượng tái tạo. Chúng ta cũng cần đầu tư đáng kể vào lưới điện để hỗ trợ tỷ trọng năng lượng tái tạo cao.

Australia cam kết hợp tác một cách thiết thực để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi này, bao gồm tận dụng chương trình hợp tác phát triển hiện có của chúng ta, xác định các giải pháp dựa trên công nghệ mới và giúp Việt Nam huy động nguồn tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Một lĩnh vực hợp tác mới nổi khác là chuyển đổi kỹ thuật số. Khai thác sự thay đổi công nghệ, thích ứng với sự gián đoạn của nó và tận dụng các cơ hội của nó sẽ là yếu tố sống còn đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đây là một vấn đề hàng đầu trong các chính sách của Australia và Việt Nam.

Chúng tôi hợp tác với Việt Nam và cùng nhau hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số ở tất cả các cấp: từ chính phủ đến chính phủ, cơ quan nghiên cứu đến cơ quan nghiên cứu, ngành này sang ngành khác và con người với con người.

Ví dụ như chương trình Aus4Innovation hàng đầu của chúng tôi hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ của Việt Nam bằng cách xây dựng một hệ thống đổi mới quốc gia mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, bao gồm thông qua việc mở rộng liên kết thương mại kỹ thuật số, tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế kỹ thuật số và hỗ trợ chính phủ điện tử.

Việt Nam và Australia tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022-2025 từ Hàn Quốc và Thái Lan. (Nguồn: TTXVN)

Năm ngoái, Việt Nam và Australia đã công bố Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia (EEES). Chiến lược này đang được triển khai như thế nào nhằm hiện thực hóa tiềm năng kinh tế giữa hai nước?

Mối quan hệ kinh tế của Australia với Việt Nam rất năng động và đang phát triển. Hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau và chúng ta là đối tác hơn là đối thủ cạnh tranh. Australia là nhà cung cấp đáng tin cậy các dịch vụ và nguyên liệu thô mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam yêu cầu, trong khi người tiêu dùng Australia tận hưởng các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam ở nhà hay nơi công sở.

Được đưa ra năm 2021, EEES đặt ra tầm nhìn về cách Australia và Việt Nam có thể hợp tác để trở thành tốp 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Đây là chiến lược duy nhất và đầu tiên của loại hình này đối với cả Việt Nam và Australia, do hai nước cùng nhau soạn thảo và phản ánh lợi ích chung của cả hai bên.

EEES mang tính thực tế và đưa ra một loạt các sáng kiến mang lại lợi ích cho cả hai bên nhằm tăng cường liên kết thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực chính, bao gồm nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ và kinh tế kỹ thuật số.

Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện EEES, với các sáng kiến ​​đang được triển khai thông qua các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cơ quan cấp cao của Australia và Việt Nam. Điều này bao gồm Chương trình Hỗ trợ Tăng cường Hợp tác Kinh tế trị giá 2,6 triệu AUD, trong đó hỗ trợ 28 dự án tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và khuyến khích đầu tư kinh doanh mạnh hơn nữa; thành lập Học viện Chính sách Australia Việt Nam, viện chính sách đầu tiên tại Australia dành riêng cho mối quan hệ Việt Nam; và việc bổ nhiệm các Doanh nhân tiên phong của Australia và Việt Nam để thúc đẩy các hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư. Các sự kiện Doanh nhân tiên phong được tổ chức ở khắp nơi ở Australia và Việt Nam.

EEES đang giúp hiện thực hóa tiềm năng kinh tế to lớn của hai nước và chúng tôi rất vui mừng về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế khi chúng ta đang tiến gần hơn đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ 4 ngày 12/9. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông, Việt Nam có những lợi thế gì cần phát huy để tăng cường vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC)? Việt Nam nên tận dụng những lợi thế đó ra sao để nâng cao vị thế của mình trong GVC?

Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức để củng cố vị thế của mình trong GVC. Việc Việt Nam theo đuổi các chính sách thương mại định hướng xuất khẩu và hội nhập kinh tế là trọng tâm đối với sự thành công trong tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Sự mở rộng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây được củng cố với nhu cầu mạnh mẽ trong nước và nhu cầu toàn cầu đối với hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, với ngành sản xuất chiếm khoảng 1/3 GDP của Việt Nam và 85% xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam một phần được củng cố nhờ tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới.

Hội nhập vào các nền kinh tế khu vực và quốc tế, bao gồm việc tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực cũng giúp Việt Nam khẳng định vị trí trong GVC. Hội nhập kinh tế toàn cầu đã đẩy nhanh tốc độ của chương trình cải cách trong nước.

Việt Nam đã xây dựng các chính sách và khuyến khích để cải thiện hệ thống công nghệ thông tin, khuyến khích đổi mới và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào các GCV công nghệ cao.

Trong khi các lĩnh vực sản xuất truyền thống, chẳng hạn như may mặc, giày dép, thực phẩm và đồ nội thất, vẫn là những ngành xuất khẩu hàng đầu ở Việt Nam, thì xuất khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm máy tính, điện tử và các sản phẩm quang học. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đã nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với một số hạn chế, chẳng hạn như chi phí hậu cần cao, chuỗi cung ứng trong nước chưa phát triển, thiếu quy mô sản xuất và lực lượng lao động lành nghề. Các yếu tố này có thể hạn chế tiềm năng hội nhập sâu rộng vào GVC.

Việt Nam cần tiếp tục cải cách để thúc đẩy năng suất và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vì mô hình tăng trưởng dựa vào lực lượng lao động hiện tại của Việt Nam sẽ chịu áp lực từ việc tăng lương, dân số già, số hóa và tự động hóa.

Xin cảm ơn Đại sứ!

"Việc Việt Nam theo đuổi các chính sách thương mại định hướng xuất khẩu và hội nhập kinh tế là trọng tâm đối với sự thành công trong tăng trưởng và phát triển của đất nước". (Đại sứ Andrew John Lech Goledznowski)
Đại sứ Andrew John Lech Goledznowski phát biểu tại sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam vào ngày 23/9 do chương trình Aus4Innovation của Australia tài trợ.