Những người tham gia điều tra cho biết, trung bình một tuần họ dành khoảng 46 tiếng đồng hồ ngồi trước màn hình, nhưng chỉ dành khoảng 6 tiếng cho gia đình và bè bạn. 50% số người trả lời cho biết họ chỉ dành khoảng 2 giờ, thậm chí ít hơn cho gia đình và bạn bè.
Khảo sát của "R U OK?" - một tổ chức phi lợi nhuận ngăn chặn tình trạng tự tử của Australia, được tiến hành đối với khoảng 1.000 người trưởng thành.
Hình minh họa. (Nguồn: Lifehack) |
Nhà tâm lý học Rachel Clements cho biết, xu hướng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần, như tâm trạng tồi tệ, khiến họ có thể gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc kết nối với mọi người. Việc gần gũi với mọi người và có quan hệ tốt với những người xung quanh là những điều thực sự tích cực, khi không giao tiếp hoặc không có mối quan hệ với những người xung quanh, chúng ta sẽ rất khó để vượt qua khó khăn.
Khoảng cách và tâm lý ngại ngần, sự mệt mỏi sau các giờ làm việc được những người tham gia khảo sát cho là những trở ngại lớn nhất của việc giữ mối liên hệ với người thân. Khoảng 38% số người được hỏi cho rằng, khoảng cách là trở ngại lớn nhất trong việc gặp gỡ với người thân, 28% cho rằng do quá mệt mỏi, 20% cho rằng do quá bận bịu, 19% cho rằng do bận làm việc nhà và 18% cho rằng do phải làm việc trong quãng thời gian dài.
Tổ chức "R U OK?" - một tổ chức phi lợi nhuận ngăn chặn tình trạng tự tử của Australia. (Nguồn: Mackay Region) |
Nhà tâm lý học Clements nói rằng, mặc dù liên hệ với người thân không phải là khó khăn, song nhiều người Australia vẫn dành rất ít thời gian. Theo bà, người Australia nên nghĩ tới việc đi thăm mọi người, thay vì ngồi trước màn hình và nghĩ đến mọi người. Nếu chỉ nghĩ về mọi người thì bạn sẽ không liên lạc với họ trong thời gian dài.
Còn theo Brett Finch, nguyên là cầu thủ bóng bầu dục và là Đại sứ của "R U OK?", “các mối liên hệ với những người thân rất dễ bị mai một vì cuộc sống quá bận rộn. Nếu bạn không thể có thời gian gặp gỡ, hãy nhấc điện thoại và gọi cho người thân và bè bạn. Điều này thực sự rất quý giá”.