📞

Australia nỗ lực cứu loài chim khổng lồ không biết bay khỏi nguy cơ tuyệt chủng

09:10 | 06/06/2024
Với đôi chân của loài khủng long săn mồi Velociraptor và chiếc cổ màu xanh neon nổi bật, loài đà điểu đầu mào phương Nam (Southern Cassowary) gây ấn tượng về hình dáng đáng sợ trong các khu rừng nhiệt đới ở vùng Đông Bắc Australia.
Loài chim khổng lồ nhưng không biết bay của Australia có nguy cơ tuyệt chủng. (Nguồn: RTE)

Loài đà điểu đầu mào phương Nam, có thể cao tới 1m5 và nặng 75 kg, chỉ phân bố ở Australia, New Guinea và một số đảo ở Thái Bình Dương.

Tốt nhất là bạn nên chiêm ngưỡng từ xa những chú chim có kích thước bằng con người này bởi những móng vuốt sắc như dao dài 10cm của chúng có thể nguy hiểm cho bạn.

Chính phủ Australia đưa loài chim khổng lồ không biết bay này vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính chỉ còn khoảng 4.500 con đà điểu đầu mào trong tự nhiên.

Đà điểu đầu mào phương Nam được cho là một “loài chủ chốt”, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học và giúp phát tán hạt trong rừng nhiệt đới.

Tuy nhiên, quần thể loài này ở Australia đang bị đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu, mất môi trường sống, tai nạn ô tô và bị chó tấn công.

Ông Peter Rowles, đứng đầu một nhóm bảo tồn ở Australia cho biết, nhóm này đang nỗ lực cứu loài chim khổng lồ này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Trong thời gian qua, nhóm đã điều hành một bệnh viện thú y để chữa trị cho những con chim bị thương, dựng các biển báo kêu gọi người lái xe giảm tốc độ đồng thời kêu gọi giới chức địa phương thiết kế lại đường sá để bảo vệ môi trường sống của loài chim này.

Chính phủ Australia cũng đang triển khai kế hoạch quốc gia để bảo tồn loài chim đà điểu mang tính biểu tượng của nước này và nhiều loài khác. Phần lớn nỗ lực bảo tồn tập trung vào việc bảo vệ các “loài chủ chốt”, thông qua hợp tác với các cộng đồng bản địa và các nhóm bảo tồn.

Trong 300 năm qua, khoảng 100 loài động thực vật độc đáo của Australia đã bị “xóa sổ”. Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), tốc độ tuyệt chủng có thể sẽ gia tăng.

Ông Darren Grover, quyền Giám đốc bảo tồn của WWF Australia cho biết “có quá nhiều việc phải làm và nguồn lực không sẵn có để tạo ra tác động đáng kể”.

WWF Australia đang xem xét khoảng 2.000 loài trong danh sách các loài bị đe dọa của chính phủ Australia và nhận thấy ngày càng có nhiều loài được thêm vào danh sách đó hằng năm.

Theo ông Grover, các mối đe dọa bao gồm biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và các loài xâm lấn.

(theo TTXVN)