Nhỏ Bình thường Lớn

Australia thỏa mãn các mục tiêu kinh tế

Mục tiêu hoàn tất ba Hiệp định Thương mại tự do (FTA) lớn với Nhật, Hàn, Trung trong một năm của tân Thủ tướng Australia Tony Abbott đã không còn là viển vông, khi các cam kết hậu bầu cử của ông hồi tháng 9/2013 đang dần được kiểm chứng.
Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trước giờ lên đường thăm ba nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (5-13/4), ông Tony Abbott đã tuyên bố: "Chắc chắn đây là phái đoàn thương mại lớn nhất từng rời khỏi Australia. Sự giàu có và thịnh vượng của đất nước chúng ta, sự phát triển và tương lai của đất nước chúng ta, phụ thuộc vào thương mại mạnh hơn và tự do hơn. Đó là mục đích của chuyến đi này".

Một chuyến đi, ba FTA

Lý giải cho thông điệp trên là đoàn tháp tùng hùng hậu chưa từng có, bao gồm tất cả các thủ hiến và nhiều bộ trưởng trong Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb, Ngoại trưởng Julie Bishop và khoảng 400 công ty, trong đó có mặt cả các ông chủ lớn như trùm sòng bạc giàu nhất Australia James Packer, tỉ phú truyền thông Kerry Stokes và "ông vua" ngành khai khoáng Andrew Forrest.

Hai thỏa thuận kinh tế với hai nền kinh tế đầu tàu ở khu vực Đông Bắc Á là thành công nổi bật nhất trong chuyến công du này. FTA Australia - Nhật Bản đã đạt được sau bảy năm đàm phán. Một ngày sau, FTA Hàn Quốc - Australia cũng được ký kết sau năm năm đối thoại.

Những kết quả này cho thấy ông Abbott đã thực hiện lối tiếp cận thực dụng cho chính sách thương mại của Australia, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa biết bao giờ sẽ kết thúc.

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, nhưng để đi đến ký kết một FTA như với Nhật Bản và Hàn Quốc, thì cả Australia và Trung Quốc phải vượt qua nhiều trở ngại, do hai bên chưa đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề. Chín năm đàm phán chưa đi đến hồi kết, thế nhưng, sự hiện diện của Thủ tướng Abbott tại Bắc Kinh là một động thái quan trọng, nhằm xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với “người khổng lồ” kinh tế châu Á, sau một thời gian không mấy nồng ấm liên quan đến một số vấn đề an ninh và quốc phòng.

Kết quả là, dù FTA không phải là vấn đề chính thức được đưa ra thảo luận, nhưng nó đã được đề cập như một phần trong câu chuyện giữa ông Abbott và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Hai nước bày tỏ quyết tâm sẽ ký kết FTA vào cuối năm nay.

Nhiều toan tính

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia vào năm 2007. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Australia - Trung Quốc đã đạt 117 tỉ USD. Trong thập kỷ qua, Australia đã thu được hàng tỉ USD nhờ xuất khẩu tài nguyên như quặng sắt, than sang Trung Quốc. Khi tốc độ xuất khẩu tài nguyên chậm lại, các nhà chính sách Australia đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản và dịch vụ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và tránh nguy cơ rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 22 năm.

Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Trung Quốc, ước tính FTA với Trung Quốc sẽ giúp tăng quy mô của kinh tế Australia thêm tới 20 tỉ AUD (18 tỉ USD).

Theo đánh giá của Thủ tướng Abbott, châu Á đang đóng góp một nửa trong tăng trưởng GDP của toàn cầu cho đến năm 2030 và các nước châu Á vốn ưa chuộng hàng hóa nhập khẩu từ Australia, nhưng không có gì đảm bảo điều này sẽ tiếp tục trong tương lai. Đây chính là lý do để Australia nỗ lực cho việc đạt được các FTA lần này.

Bởi vậy, việc nhất trí về FTA với Nhật Bản đã đưa Australia thành nhà xuất khẩu nông sản lớn đầu tiên ký được FTA với Nhật Bản. Trong khi Nhật chưa bao giờ mở rộng thị trường nông sản do lo ngại các nhà sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Không chỉ có thế, FTA Nhật Bản - Australia được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ tới quá trình hợp tác và liên kết kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, của hai nước này với tất cả các đối tác trong khu vực, cũng như với ASEAN, Mỹ và EU. FTA này càng có lợi nhiều mặt cho hai nước bao nhiêu thì cũng thách thức các đối tác trên bấy nhiêu.

Hàn Quốc và Australia đã nhất trí nội dung FTA từ cuối năm ngoái, nhưng thỏa thuận được ký kết trong chuyến đi này vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Australia và việc ký kết FTA song phương sẽ giúp dỡ bỏ từng bước hàng rào thuế quan lên tới 300% đánh vào các mặt hàng nông sản chủ chốt của Australia như thịt bò, lúa mỳ, đường và bơ sữa. FTA cũng giúp giảm mạnh thuế áp lên tài nguyên, năng lượng cùng với hàng hóa chế tạo của Australia, trong khi các cơ hội mới cho việc tiếp cận thị trường cũng được mở ra cho dịch vụ giáo dục và truyền thông của nước này.

Minh Anh