TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại giao Việt Nam – Azerbaijan: sự tương đồng, phát triển và vai trò trong xây dựng đất nước | |
Tham vấn chính trị Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Azerbaijan |
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam và Azerbaijan: Sự tương đồng, phát triển và vai trò trong xây dựng đất nước” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội đồng tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Ngoại giao Ramiz Hasanov dự Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ngành ngoại giao Azerbaijan. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Ramiz Hasanov, đại diện các cơ quan, Bộ, ban, ngành và các học giả đến từ các Viện, trung tâm nghiên cứu của Việt Nam và Azerbaijan, đại diện Đại sứ quán Azebaijan và một số Đại sứ quán nước khác tại Việt Nam.
Báo TG&VN xin trích đăng tham luận của TS. Đào Xuân Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Lịch sử Azerbaijan.
Nhiều nét tương đồng trong lịch sử đất nước
Trước đây, đất nước Azerbaijan trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Trước khi hình thành Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan, nhân dân Azerbaijan phải chịu sự áp bức thống trị của các Khan dưới thời đế chế Ba Tư (một phần lớn hiện nay là Iran) và đế chế Nga. Sau sự sụp đổ của đế chế Nga trong Thế chiến thứ Nhất (năm 1917), Azerbaijan tuyên bố độc lập và thành lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan vào ngày 28/5/1918 - Nhà nước với chế độ Cộng hòa Hồi giáo nghị viện đầu tiên trên thế giới. Tuy tồn tại không lâu (1918 -1920), nhưng từ năm 1918, Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan là nhà nước đầu tiên có Hội đồng Dân ủy Nhân dân thành lập ở Baku, là cơ quan đứng đầu Baku, đó là tiến bộ rất sớm trong tổ chức bộ máy nhà nước của đất nước mà Hồi giáo là tôn giáo chính của Azerbaijan.
Với sự hình thành Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan, Bộ Ngoại giao được thành lập và hoạt động ngoại giao bắt đầu với cộng đồng quốc tế, đặt nền móng cho chính sách đối ngoại của Azerbaijan. Trên cơ sở Chỉ thị tạm thời đã được thông qua Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Cộng hòa Azerbaijan vào ngày 9/7/1919, ngày này đã trở thành Ngày của ngành Ngoại giao Azerbaijan, đến nay vừa tròn 100 năm.
TS. Đào Xuân Tiến phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Ngay từ thời kỳ đầu của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan, mục tiêu chính sách đối ngoại đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập, đó là Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan sẵn sàng thiết lập quan hệ hữu nghị với tất cả quốc gia, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Sau khi Liên Xô tan rã, Cộng hòa Azerbaijan tái lập và khôi phục nền độc lập vào năm 1991, cũng xác định sự phát triển quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng và cộng đồng thế giới nói chung trên cơ sở song phương và đa phương, tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới,... là những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ Hai (1945). Trước đó, nhân dân Việt Nam phải chịu sự áp bức của chế độ phong kiến hà khắc và bóc lột của thực dân Pháp. Cách mạng tháng Tám của Việt Nam với đỉnh cao là sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mới của quá trình đấu tranh của dân tộc vì độc lập tự do. Ngành Ngoại giao Việt Nam hình thành cùng với sự ra đời Chính phủ lâm thời vào ngày 28/8/1945, đến nay là 74 năm.
Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước. Ngày nay, mục tiêu và nhiệm vụ của đối ngoại đã nêu rõ trong văn kiện Đại hội XII, đó là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm “phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới".
Như vậy, chế độ Cộng hòa Dân chủ hình thành đối với sự ra đời của hai nhà nước Azerbaijan (năm 1918) và Việt Nam (năm 1945) có nét tương đồng về kết quả tranh đấu của nhân dân chống lại ách áp bức xâm lược, khao khát xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Điểm sáng hợp tác dầu khí
100 năm ngoại giao của Cộng hòa Azerbaijan và 74 năm ngoại giao của Việt Nam trải qua biết bao sự kiện. Đến nay, ngoại giao Việt Nam và Azerbaijan đã và đang đạt được những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy đất nước cùng nhau hợp tác, phát triển, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Azerbaijan được thiết lập ngày 23/9/1992. Tuy nhiên, trên thực tế, quan hệ Việt Nam – Azerbaijan đã có từ cách đây hơn 70 năm, khi Azerbaijan còn là một trong 15 nước Cộng hòa của Liên Xô. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Azerbaijan và năm 1983 lãnh tụ Heydar Aliyev - người sáng lập quốc gia Azerbaijan ngày nay, lúc đó với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thăm Việt Nam là những sự kiện ngoại giao đặt nền móng cho quan hệ hợp tác Việt Nam – Azerbaijan.
Bác Hồ đến thăm khu công nghiệp dầu khí Baku. |
Hình ảnh ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Azerbaijan bên những dàn khoan dầu khí ở Baku đã thể hiện tiềm năng hợp tác phát triển công nghiệp dầu khí của Azerbaijan và Việt Nam. Tại khu công nghiệp dầu khí Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan rằng: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Azerbaijan sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku” (23/7/1959).
Chưa đầy 2 năm sau, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam ra đời (ngày 27/11/1961). Những năm sau đó, Azerbaijan đã nhận sinh viên Việt Nam sang Baku học nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dầu khí. Được sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của nhân dân Azerbaijan, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tháng 4/1981, Việt Nam đã khai thác được những mét khối khí và những tấn dầu thô đầu tiên, được ghi tên vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.
Với tiền đề tốt đẹp và trên cơ sở nền móng quan hệ hợp tác vững chắc đó, kể từ năm 1992 chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Azerbaijan, hai nước đã phát triển những thành tựu trên các lĩnh vực hợp tác rất đáng ghi nhận, nhất là hợp tác, phát triển công nghiệp dầu khí – một ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế của Azerbaijan và nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới và phát triển của hai đất nước.
Các đại biểu tại Hội thảo ngày 12/3 vừa qua. |
Ngoại giao nhân dân phong phú, hiệu quả
Chính sách ngoại giao của hai đất nước Azerbaijan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, có vai trò thúc đẩy phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Azerbaijan và Việt Nam đều là các thành viên có trách nhiệm tham gia nhiều tổ chức quốc tế, cùng quan điểm bảo vệ môi trường ổn định, hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Azerbaijan và Việt Nam hiếu khách và giàu bản sắc, có nhiều di sản văn hóa thế giới.
Sau khi Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam thiết lập năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử Azerbaijan được thành lập năm 2014, đến nay có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là đã kết nối các thế hệ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Baku tham gia các hoạt động tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Azerbaijan.
Trong hơn 4 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử Azerbaijan đã phối hợp với Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức nhiều diễn đàn với chủ đề “Những nét tương đồng văn hóa Việt Nam – Azerbaijan” với sự tham gia của cựu lưu học sinh Việt Nam tại Azerbaijan, cán bộ Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam, một số nhà khoa học, cán bộ cơ quan văn hóa, giáo dục, báo chí của Việt Nam am hiểu văn hóa, lịch sử đất nước Azerbaijan. Đó chính là các hoạt động ngoại giao nhân dân phong phú và hiệu quả, bên cạnh ngoại giao chính thức của Nhà nước Azerbaijan và Việt Nam ngày càng được tăng cường.
Tọa đàm “Gặp gỡ Azerbaijan” Chiều ngày 11/01, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Gặp ... |
Đại sứ Ngô Đức Mạnh trình quốc thư lên Tổng thống Azerbaijan Vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga kiêm nhiệm Azerbaijan Ngô Đức Mạnh đã trình quốc thư lên Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev |
Việt Nam – Azerbaijan: Xa mà gần Tối 24/5, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan đã phối hợp Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức triển ... |