📞

Ba công ty Indonesia bị yêu cầu điều tra bán vũ khí cho Myanmar sau chính biến

Thế Hà 17:35 | 04/10/2023
Tổ chức nhân quyền và cựu Tổng chưởng lý Indonesia Marzuki Darusman chính thức yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia điều tra cáo buộc 3 công ty nhà nước gồm PT Pindad, PT PAL và PT Dirgantara Indonesia tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc chính biến năm 2021.
Ba công ty thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia bị cáo buộc bán vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar. (Nguồn: bnn.network)

Tuy nhiên, ngày 4/10, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Indonesia (DEFEND ID) khẳng định không xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng sang Myanmar sau ngày 1/2/2021, phù hợp với Nghị quyết 75/287 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) cấm cung cấp vũ khí cho Myanmar.

Theo DEFEND ID, các công ty thành viên là PT Pindad, PT PAL và PT Dirgantara Indonesia chưa bao giờ xuất khẩu sản phẩm quốc phòng và an ninh sang Myanmar sau nghị quyết ngày 1/2/2021 của Hội đồng Bảo an LHQ. Tập đoàn này nêu rõ: “Hoạt động xuất khẩu sang Myanmar được thực hiện vào năm 2016 dưới hình thức sản phẩm đạn dược tiêu chuẩn thể thao để Myanmar tham gia Giải bắn súng quân dụng Lục quân các nước ASEAN (AARM) năm 2016”.

Tương tự, theo DEFEND ID, PT Dirgantara Indonesia và PT PAL cũng không có hoạt động hợp tác bán sản phẩm quốc phòng, an ninh sang Myanmar.

Chủ tịch Pindad, ông Abraham Mose cũng phủ nhận cáo buộc của các nhóm nhân quyền, nói rằng công ty chưa có bất kỳ giao dịch bán hàng nào với Myanmar kể từ năm 2016. Ông Mose nhấn mạnh: “Chúng tôi thậm chí không có Biên bản ghi nhớ nào (với Myanmar) kể từ thỏa thuận từ năm 2016 để chuyển đạn dược tới Myanmar cho một cuộc thi chính thức của các nước ASEAN.

Trước đó, hôm 2/10, một nhóm tổ chức nhân quyền và cựu Tổng chưởng lý Indonesia Marzuki Darusman đã chính thức yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia (KomnasHAM) điều tra cáo buộc 3 công ty nhà nước gồm PT Pindad, PT PAL và PT Dirgantara Indonesia bán vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar. Ba công ty nhà nước này của Indonesia được cho là đã quảng cáo và bán “súng ngắn, súng trường tấn công, đạn dược, phương tiện chiến đấu và các thiết bị khác cho quân đội Myanmar trong thập niên qua”.

Theo một cuộc điều tra công khai do tổ chức “Công lý cho Myanmar” khởi xướng, các giao dịch vũ khí này được cho là vẫn tiếp tục sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự do đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đứng đầu vào tháng 2/2021.

(Asia News Network)