Nhỏ Bình thường Lớn

"Bà đầm thép" của châu Phi gặp khó

Ellen Johnson Sirleaf được đánh giá là Tổng thống tốt nhất của Liberia từ trước đến nay. Tuy nhiên, bà đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không trừng trị thẳng tay với nạn tham nhũng.
Liberia - với dân số hiện nay khoảng 3,8 triệu người đã trải qua 14 năm xung đột làm 250.000 người thiệt mạng.

Lái xe một vòng quanh Thủ đô Monrovia của Liberia, một trong những điều đầu tiên mà bạn nhận thấy là các tòa nhà mới mọc lên khắp thành phố, trong đó có một số biệt thự bằng bê tông trông rất xa hoa. Chỉ 7 năm trước, các bức tường vẫn còn vết tích của những viên đạn từ cuộc tấn công của phiến quân nhằm buộc "kẻ độc tài" khét tiếng Charles Taylor, phải ra đi. Vào thời điểm đó, Charles Taylor đã sống lưu vong tại Nigeria. Liberia đã trải qua 14 năm xung đột và 250.000 người thiệt mạng - một con số đáng kể so với tổng số dân chỉ khoảng 3,8 triệu người hiện nay.

 

Gần đây, nước cộng hòa lâu đời nhất của châu Phi là nơi được cộng đồng các nhà tài trợ hết sức quan tâm. Nhiều người tin rằng, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự thay đổi thái độ của các nhà tài trợ quốc tế. Bà Sirleaf, nữ Tổng thống đầu tiên thông qua bầu cử của châu Phi, đã giành được sự ủng hộ của quốc tế đối với sự ổn định kinh tế chính trị Liberia và nhận được sự ngưỡng mộ từ những nữ chính khách khác, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chẳng hạn.

 

Từng là cựu quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), nữ Tổng thống Liberia đã thuyết phục Liên hợp quốc ngừng phê chuẩn các quyết định bất lợi liên quan đến ngành gỗ và kim cương vốn mang nhiều lợi nhuận của Liberia, giành được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho việc hủy khoản nợ nước ngoài cuối cùng trị giá 4,9 tỷ USD của nước này và tăng ngân sách quốc gia từ 80 triệu USD năm 2005 lên 350 triệu USD hiện nay. Các con đường đã được sửa chữa ở nhiều nơi trên khắp cả nước và hệ thống điện đã được hồi phục ở nhiều nơi tại thủ đô Monrovia.

 

Đó là những điều tốt đẹp người ta nói về Sirleaf. Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh "bà đầm thép" mà Sirleaf có được trong những năm tháng khó khăn đã bắt đầu bị lu mờ. Các nhà chỉ trích, gồm cả các thành viên trong Chính phủ của bà, đã cáo buộc Sirleaf có quá ít hành động để giải quyết tham nhũng tràn lan.

 

Sirleaf là người đầu tiên thừa nhận rằng lời hứa của bà về một cách tiếp cận "không khoan dung" với tham nhũng - vấn đề lớn nhất của Liberia, đã bị hạn chế do nhu cầu cấp bách của việc hỗ trợ cho các gói cải cách kinh tế. Bà lo sợ một cuộc nổi loạn chống lại chương trình cải cách mở rộng nếu bà cố gắng thúc đẩy chương trình này thông qua một số luật chống tham nhũng quá sớm. Đó là lý do mà nữ Tổng thống 71 tuổi đã nói bà cần nhiệm kỳ thứ 2, cốt để bà có thể hoàn thành việc làm trong sạch chính phủ.

 

Mới đây, bà Sirleaf đã sa thải một số Bộ trưởng giữa lúc xảy ra một loạt các vụ bê bối ở Liberia. Bộ trưởng Tư pháp đã bị sa thải vì cách xử lý quá nhẹ nhàng một vụ án tham nhũng quan trọng. Bộ trưởng Thông tin đã bị đình chỉ công tác vì đút túi lương của các nhân viên hư cấu. Bộ trưởng Nội vụ (anh trai của bà Sirleaf) cũng đã buộc phải rút lui vì sự biến mất của các quỹ phát triển tỉnh. 5 Bộ, bao gồm cả Tài chính và Hầm mỏ, hiện đã bị đặt dưới sự chú ý khi các báo cáo tổng hợp của các kiểm toán viên cho thấy hàng triệu USD công quỹ biến mất.

 

Những người ủng hộ Sirleaf nói rằng Tổng thống đang làm tốt nhất những gì bà ấy có thể để giữ cho chính phủ của mình trong sạch thông qua việc sa thải những người trên và ủng hộ việc kiểm toán nhằm phơi bày các vụ tham ô. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng, bà có cách xử lý "đầy cân nhắc" với một số đối tượng. Một ví dụ, cựu Bộ trưởng Công trình Công cộng, Luseni Donzo, người đã bị cách chức vì quản lý yếu kém, nhưng sau đó lại là một cố vấn của Tổng thống. Em gái và em rể của Sirleaf cũng là những cố vấn hàng đầu, còn con trai của bà là Giám đốc của cơ quan An ninh quốc gia. Một nhân vật trong Bộ Tài chính tiết lộ, 40% ngân sách được trả lương cho chính phủ, các chi phí và bổng lộc dành cho quan chức. Theo những người này, các quan chức cấp cao kiếm trên 15.000 USD/tháng.

 

Bà Sirleaf đã đánh bại ngôi sao bóng đá George Weah trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2005 với 59% phiếu bầu. Tuy nhiên, trong lần ứng cử thứ hai, Sirleaf sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn khi Ủy ban Hoà giải và Sự thật tuyên bố ủng hộ bà từ chức Tổng thống vì vai trò của bà trong việc hỗ trợ cuộc nổi dậy của Charles Taylor. Dù Sirleaf đã công khai xin lỗi về sự liên đới của mình với Taylor, nhưng nhiều người Liberia vẫn còn cảm thấy bà không phải là sự cứu rỗi của đất nước. "Tôi e rằng những người đã định hình nền chính trị của Liberia nếu tiếp tục đóng vai trò tích cực, sẽ có một vòng tròn luẩn quẩn của sự quản lý tồi, tham nhũng và vi phạm nhân quyền", ông Jerome Verdier, Chủ tịch của Ủy ban nói.

 

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Sirleaf vẫn còn có nhiều cơ hội. Bà nhận được sự ủng hộ và thiện chí của các nhà tài trợ cũng như các nhà ngoại giao. Người Liberia hy vọng rằng bà có thể sử dụng nhiệm kỳ thứ hai để đưa đất nước thoát khỏi những hạn chế của quá khứ. Và dù có những chỉ trích gần đây đối với Sirleaf, bà vẫn được đánh giá là Tổng thống tốt nhất của Liberia từ trước đến giờ.

 

Việt Lan(Theo Foreign Policy)