📞

Ba Lan, Hungary phàn nàn về dự luật của EU

VIệt Hà 08:09 | 19/01/2022
Ngày 18/1, Ba Lan và Hungary phản đối việc nhanh chóng thông qua luật châu Âu về mức thuế tối thiểu 15% đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho rằng, việc không giải quyết được trụ cột khác sẽ gây nguy hiểm cho đòn bẩy chính trị đối với các nước thứ ba để thực hiện hiệu quả thỏa thuận. (Nguồn: Getty Images)

Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với gần 140 nước, buộc các chính phủ áp thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia trên thế giới.

EU muốn trở thành cơ quan tài phán đầu tiên thực hiện thỏa thuận do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian với mục tiêu có hiệu lực vào ngày 1/1/2023.

Vào ngày 22/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày một dự thảo chỉ thị để chuyển nó thành luật châu Âu. Điều này cần có sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên EU.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính EU ở Brussels hôm 18/1 do Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp Bruno Le Maire chủ trì, Ba Lan đã dẫn đầu một nhóm nhỏ các quốc gia phản đối, trong đó có Hungary.

Sự phản kháng của Ba Lan và Hungary xảy ra khi mối quan hệ giữa hai quốc gia và các đối tác EU đang căng thẳng, trong đó Warsaw và Budapest được coi là xa rời các giá trị dân chủ của khối.

Ngoài mức thuế tối thiểu toàn cầu - hay "trụ cột 2" - OECD còn gồm một phần quan trọng khác được gọi là "trụ cột một". Trọng tâm phàn nàn của nhóm nước do Ba Lan dẫn đầu là "trụ cột một" này.

Trụ cột này liên quan một thỏa thuận rất phức tạp, trong đó, các công ty sẽ bị đánh thuế khi họ thu được lợi nhuận.

Được biết, trụ cột trên nhắm mục tiêu đến các tập đoàn công nghệ lớn, nhưng vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Đại sứ Ba Lan tại EU Arkadiusz Plucinsky cho biết, Warsaw không thể ủng hộ việc EU đơn phương đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu, điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của khối, đồng thời gạt bỏ trụ cột đầu tiên.

Ông nói thêm: "Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi nhấn mạnh vào đề xuất của chúng tôi, bao gồm việc liên kết hợp pháp hai trụ cột".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho rằng, việc không giải quyết được trụ cột khác sẽ gây nguy hiểm cho đòn bẩy chính trị đối với các nước thứ ba để thực hiện hiệu quả thỏa thuận.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, người dẫn đầu đề xuất, đã bảo vệ cách tiếp cận theo hai hướng.

Ông cho rằng, văn bản của EU quy định mức thuế tối thiểu "chính xác theo các điều khoản" như đề xuất của OECD, vì vậy, "có điều gì đó khó hiểu" khi nói rằng nó không nên được thông qua.

Tuy nhiên, ông hứa sẽ có một cuộc đối thoại để vượt qua sự miễn cưỡng, với mục đích đạt được thỏa thuận cuối cùng về mức thuế tối thiểu vào đầu tháng 3 tới, dưới thời của Tổng thống Pháp Macron và chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.

(theo Politico)