Nhỏ Bình thường Lớn

Bà Le Pen và chiến thắng của ngôn từ

Lực hấp dẫn của các đảng chính trị truyền thống Pháp đã thay đổi, với sự xuất hiện của bà Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc (NF), một đảng được xem là nằm “vòng ngoài”. Đặc biệt hơn, đảng của bà Le Pen dẫn đầu trong các cuộc bầu cử cử vùng ngày 6/12 mà một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công được nhiều nhà quan sát đề cập chính là các thông điệp đầy màu sắc dân tộc chủ nghĩa của bà.

Nổi tiếng với các phát ngôn cứng rắn về việc loại trừ Hồi giáo cực đoan, ngăn chặn nhập cư, kiểm soát đường biên giới, bà Le Pen đã đưa đảng NF cực hữu dẫn đầu trong vòng bầu cử khu vực đầu tiên, được đánh giá là bước tiến lớn trong kế hoạch “nâng cấp” đảng của bà thành một đảng chính trị hàng đầu ở Pháp. Dù Tổng thống Francois Hollande đã giành được sự ủng hộ rộng rãi về cách ông đương đầu với khủng bố sau vụ Paris bị tấn công ngày 13/11 và người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy đang theo đuổi kế hoạch đưa đảng trung hữu và bản thân trở lại cầm quyền nhưng đành ngậm ngùi chấp nhận các đảng của mình xếp hàng sau. Kết quả này càng củng cố dự đoán rằng bà Le Pen có thể “làm nên chuyện” trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.

Các tờ báo lớn của Pháp và châu Âu miêu tả cách bà Le Pen nói chuyện với cử tri là “khôn ngoan, sắc sảo”. Những người dân Pháp - vốn đang đương đầu với áp lực về kinh tế, cảm thấy bản sắc dân tộc và an toàn cá nhân đang bị đe dọa –bỗng cảm nhận được sự đồng điệu và tin cậy từ một người phụ nữ bạo ngôn. Người đứng đầu đảng NF không ngừng nói về “dân tộc”, “chủ quyền” của Pháp và luôn khơi dậy niềm tự hào về “giá trị nền tảng”, về một nước Pháp “đích thực” trong các hoạt động của mình.

Tờ New York Times bình luận, thành công của bà Le Pen được bắt nguồn một phần từ khả năng “mã hóa” ngôn ngữ khi đưa ra các thông điệp nhằm che đậy các tư tưởng bài ngoại. Trong bài phát biểu sau chiến thắng vào đêm 6/12, bà cũng nhắc đến “Laicité” (chính sách tôn giáo tách biệt của Pháp) khi đề cập các giá trị cốt lõi của Pháp về tự do, công bằng và bác ái. Hiểu một cách đơn giản thì Laicité là mô hình nhà nước thế tục trong đó tôn giáo không can thiệp các hoạt động nhà nước, chính phủ và ngược lại. Điều đáng nói là một số nhà phê bình xem việc tách biệt tôn giáo và chính trị này như là một vỏ bọc cho quan điểm chống Hồi giáo. Laicité cũng là cơ sở cho chính sách cấm phụ nữ Hồi giáo ở Pháp trùm khăn che đầu trong khi làm công việc của chính phủ và trong các trường học.

Đến với sân khấu chính trị tại thời điểm các đảng chính trị có tiếng lâu năm đang loay hoay giải quyết khủng hoảng kinh tế, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, thuyết phục cử tri rằng người nhập cư và chủ nghĩa cực đoan không có khả năng đe dọa thì những thông điệp cứng rắn của bà Le Pen giành được cảm tình của cử tri cũng là điều dự đoán được. Tuy vậy, chiến thắng của một đảng cực hữu có nhiều tư tưởng quá khích và bài ngoại cũng đem đến không ít sự lo ngại và thách thức cho một đất nước luôn đề cao các giá trị của nhân quyền, bình đẳng, tự do và bác ái.

Thảo Vy