Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến có cuộc gặp với lãnh đạo các nước Iraq, Mỹ, Ai Cập và Hy Lạp vào những tháng tới. (Nguồn: ITN) |
Đối tác quan trọng
Chuyến công du Iraq dự kiến ngày 22/4 của ông Erdogan là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới Baghdad kể từ năm 2012.
Chuẩn bị cho sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Giám đốc Tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Iraq hồi tháng 3 để dự cuộc họp trù bị trước thềm sự kiện.
Cuộc chiến chống khủng bố dự kiến là chủ đề thảo luận trọng tâm trong chuyến thăm lần này. Trước đó, Ankara bày tỏ sự thất vọng khi thiếu sự hợp tác từ Baghdad trong phong tỏa lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ẩn náu ở phía Bắc Iraq, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Song sự kiện tới đây được xem là bước chuyển lớn, mở đường cho kế hoạch quân sự xuyên biên giới của Ankara ở Iraq vào giữa năm nay để tiêu diệt khủng bố.
Một chủ đề khác trong chuyến thăm sẽ là dự án Con đường phát triển (Development Road) trị giá 17 tỷ USD. Chương trình có mục tiêu kết nối cảng Basra ở miền Nam Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó thông thương tới châu Âu nhờ mạng lưới đường sắt và đường cao tốc, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi năng lượng, hàng hóa và hành khách từ vùng Vịnh đến lục địa già.
Bên cạnh đó, chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của ông Erdogan dự kiến ngày 9/5, Ngoại trưởng Hakan Fidan và Giám đốc Tổ chức Tình báo quốc gia (MIT) Ibrahim Kalın đã hội đàm tại Washington vào tháng 3. Các chủ đề thảo luận sắp tới dự kiến gồm tình hình Gaza, hợp tác quốc phòng và cuộc chiến chống khủng bố. Theo đó, ông Erdogan nhiều khả năng tiếp tục kêu gọi chấm dứt hoạt động quân sự của Israel ở Gaza và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là hai đối tác lâu đời dù quan hệ song phương tồn tại bất đồng nhất định. Về đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, Ankara ban đầu phản đối do mối liên hệ giữa Stockholm với PKK. Ankara về sau lật ngược quyết định và chấp thuận đơn gia nhập, trên cơ sở Washington đồng ý chuyển giao máy bay F-16 cho nước này.
Về tình hình Gaza, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng chỉ trích lập trường của Mỹ về cuộc xung đột này, đặc biệt là sự hậu thuẫn của Washington với chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Phát biểu với báo chí hồi tháng 2, ông Erdogan khẳng định, tiến trình hòa bình Trung Đông không đạt kết quả tốt do cách tiếp cận tiêu cực của Nhà Trắng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) gặp mặt Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Athens, Hy Lạp ngày 7/12/2023 trong bối cảnh hai nước nỗ lực giảm thiểu căng thẳng ở Biển Aegean. (Nguồn: AP) |
Khách mời láng giềng
Tại thủ đô Ankara vào tháng 5, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tiếp đón Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, trong bối cảnh hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Quá trình trên đạt tiến triển tốt khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có các động thái mang tính xây dựng, gồm việc bổ nhiệm Đại sứ tại thủ đô của nhau vào tháng 7/2023 và lãnh đạo hai nước gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 2 tháng sau đó. Đầu năm nay, Ankara còn tuyên bố sẽ cung cấp cho Cairo máy bay vũ trang không người lái.
Không chỉ vậy, hồi tháng 2, trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ sau 12 năm, Tổng thống Erdogan đã tới Ai Cập và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ ông Abdel-Fattah el-Sissi ngay từ sân bay.
Bên cạnh đó, ông Erdogan có thể đón tiếp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tháng 5 tới. Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về quá trình bình thường hóa quan hệ, các vấn đề khu vực, biện pháp xây dựng lòng tin, quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm các đảo của Hy Lạp ở Biển Aegean.
Ankara và Athens, dù cùng thuộc NATO, thường xuyên bất hòa về nhiều vấn đề, điển hình như phân chia thềm lục địa, tài nguyên năng lượng và chính sách với đảo Cyprus. Thậm chí, hai nước từng có nguy cơ rơi vào xung đột khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng tuần tra bờ biển Hy Lạp quấy rối tàu hàng của nước này khi di chuyển ngoài khơi biển Aegean năm 2022.
Quan hệ hai nước chỉ được xoa dịu sau khi Ankara hứng chịu thảm họa động đất hồi tháng 2/2023 và Athens là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia cứu nạn tại nước láng giềng.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Anthens tháng 12/2023, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp nhất trí tăng cường thương mại, duy trì kênh liên lạc mở, xây dựng lòng tin quân sự nhằm giảm căng thẳng và giải quyết mâu thuẫn, đặc biệt vấn đề ở Biển Aegean.
Như vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến thực hiện chuyến công du Iraq và Mỹ với chương trình nghị sự tập trung vào tình hình Gaza, hợp tác chống khủng bố và dự án thương mại. Đáng chú ý, đây là bước đi cần thiết để Ankara và Washington cải thiện hợp tác trong bối cảnh hai bên vướng vào tranh cãi về xung đột Israel-Palestine. Trong khi đó, ông Erdogan dự kiến tiếp đón người đồng cấp Ai Cập và Thủ tướng Hy Lạp, với mục tiêu chính là bình thường hóa quan hệ song phương.
| Đây là quốc gia sở hữu nhiều di sản UNESCO nhất thế giới Với nhiều danh lam thắng cảnh có niên đại hàng ngàn năm lịch sử, "đất nước hình chiếc ủng" Italy là quốc gia nắm giữ ... |
| Ghé thăm di sản thế giới đầu tiên của Singapore Lấy cảm hứng từ vườn thực vật nhiệt đới thời thuộc địa Anh, Singapore Botanic Gardens dần trở thành "biểu tượng xanh" của đảo quốc ... |
| Tháng lễ Ramadan rơi vào mùa Đông: Sự thú vị của lịch Hồi giáo Lịch Hồi giáo không có tháng nhuận giống như một số lịch khác khiến tháng lễ Ramadan năm 2024 chính thức bắt đầu trong tiết ... |
| Khám phá một trong 7 kỳ quan bậc nhất của Ấn Độ Nằm trên bờ Vịnh Bengal và là một trong 7 kỳ quan bậc nhất của Ấn Độ, đền thờ Mặt trời Konark trở thành Di ... |
| Điểm tin thế giới sáng 3/4: Indonesia đặt mua 2 tàu ngầm tấn công, lạm phát của Đức giảm, nổ súng ở trường học Phần Lan Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 3/4. |