Ảnh minh họa. |
Kinh tế thế giới năm 2015 chỉ khả quan hơn một chút sau nhiều năm trời suy thoái. Theo báo cáo tháng 12/2015 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trung bình đạt khoảng 3,5% so với con số 4,5% của thập niên trước khi có khủng hoảng. Nhưng ít nhất đây cũng là tín hiệu đáng mừng hơn so với năm năm trước.
Nền kinh tế Mỹ và Anh đã có thể duy trì sự phục hồi, tuy vẫn còn yếu hơn so với thời kỳ hậu khủng hoảng. Hiện trạng khu vực Mỹ và châu Âu khá tương đồng: mức độ đầu tư còn thấp, tăng trưởng sản lượng còn rất yếu trong khi đó ngành xuất khẩu chỉ đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc phục hồi. Tại châu Á, nền kinh tế cũng đang có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với GDP. Sự phục hồi không kèm theo cải thiện thực sự về nền tảng kinh tế như hiện nay được dự báo sẽ bị đe dọa bởi một loạt các yếu tố sau.
Chủ nghĩa dân túy
2016 có thể trở thành một năm mà chủ nghĩa chính trị dân túy lên ngôi. Hoạt động kinh tế yếu kém và tăng trưởng năng suất thấp đồng nghĩa với tiền lương thực tế và sức tiêu dùng có thể tiếp tục khiến người dân thất vọng. Khi thực tế không được như mong đợi, những lời phàn nàn sẽ được các chính trị gia như Donald Trump, Jeremy Corbyn, Alexis Tsipras, Nigel Farage, Marine Le Pen, Bernie Sanders, Pable Iglesias Turrion… khai thác để vận động chính trị.
Khi mà chủ nghĩa dân túy và sự bất mãn trở nên phổ biến do những vấn đề kinh tế - xã hội, hơn lúc nào hết, các chính phủ cần tăng mức lương thực tế, tạo ra nhiều việc làm và phúc lợi xã hội tốt hơn để lấy lại lòng tin chính trị của cử tri. Và sự tăng trưởng kinh tế sẽ hồi sinh khi thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn cũng như môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Các nhà lãnh đạo rõ ràng luôn lo sợ về nguy cơ của chủ nghĩa chính trị dân túy và điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn khi đưa ra những cách thức đối phó với các thách thức dài hạn khác. Và nếu tình hình đất nước không thể cải thiện, dân chúng sẽ lại càng bất mãn với chính phủ - đây chính là vòng luẩn quẩn mà các quốc gia luôn sợ hãi.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã nhanh chóng đưa nước Nga từ người ngoài cuộc trong trận chiến chống khủng bố trở thành lá cờ đầu tấn công vào hang ổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Chiến lược này không chỉ giúp Moscow tái khẳng định vị thế trên thế giới mà còn khiến dư luận quên đi vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, về lâu dài, nền kinh tế nước Nga vẫn trên đà suy giảm với tình trạng: cơ cấu dân số già, nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên… Chừng nào nền kinh tế Nga còn chưa được cải cách cũng như nguồn đầu tư nước ngoài vẫn bị ngăn chặn bởi các lệnh trừng phạt thì Moscow sẽ vẫn gặp khó trong cuộc chạy đua thành siêu cường thế giới.
An ninh toàn cầu và vấn đề của châu Âu
Bầu cử Tổng thống ở Mỹ sẽ là một sự kiện chính trị lớn trong năm 2016. Điều mà cộng đồng quốc tế mong chờ sẽ là liệu người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama có thể khôi phục nước Mỹ trở về một thế lực toàn cầu giúp duy trì sự ổn định và an ninh quốc tế hay nước Mỹ sẽ lại sa lầy vào những vấn đề an ninh truyền thống.
Châu Âu cần phải đẩy mạnh khả năng đối phó các vấn đề an ninh đang ngày càng nổi cộm mà thiếu vắng sự hỗ trợ sát sao từ Mỹ. Sự kiện bi thảm ở Paris vừa qua đã tạo động lực cho Mỹ, Anh, Pháp và Nga cùng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và tổ chức IS. Nhưng điều quan trọng hơn là Mỹ và châu Âu cần sẵn sàng chủ động chống lại các phần tử cực đoan ở Trung Đông, Bắc Phi và Afghanistan trong trung hạn cũng như dài hạn. IS trong năm 2016 sẽ vấp phải những cuộc tấn công truy quét mạnh mẽ hơn. Và khi tổ chức này bị đẩy lùi, bất ổn ở Trung Đông được giảm bớt, một vấn đề nhức nhối khác là cuộc khủng hoảng di dân có lẽ sẽ giải quyết được phần nào. Đó là khi hơn 4 triệu người Syria - Iraq vẫn tị nạn ở các nước lân cận có thể trở về nhà và những người khác không tiếp tục mạo hiểm đến châu Âu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng trong năm 2016. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính hơn 1 triệu người tị nạn đã tới châu Âu trong năm 2015. Ở cấp độ toàn cầu, Cao ủy LHQ về người tị nạn tuyên bố số người buộc phải tị nạn trong năm 2015 là gần 60 triệu, tăng 40% so với năm 2014. Đức, Thụy Điển, Hungary, Áo và Italy là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự kiện này: Lợi ích trong ngắn hạn như tăng nhẹ GDP và giảm áp lực dân số già không thể bù lại cho những gánh nặng kinh tế - xã hội do hàng triệu người nhập cư gây ra. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phải có một thỏa thuận chính trị rộng rãi đối với Thổ Nhĩ Kỳ để ứng phó cuộc khủng hoảng di dân năm 2015. EU trong năm 2016 sẽ phải tiếp tục tập trung các nguồn lực ngày càng có hạn của mình để giải quyết vấn đề cấp bách này khi số người tị nạn sang châu Âu vẫn ngày một tăng.
Tương lai chính trị của châu Âu trong năm 2016 sẽ bị tác động bởi sự “đi hay ở” của nước Anh. Kịch bản khả quan hơn là Anh sẽ ở lại bởi nếu không tham gia EU, họ sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết được những khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế gần đây. Tuy nhiên, việc vị trí trung tâm tài chính châu Âu của Anh bị lung lay chưa nghiêm trọng bằng việc hầu hết các chuyên gia kinh tế, đảng phái chính trị truyền thống và phần lớn doanh nghiệp đều muốn ở lại. Lựa chọn ra đi lúc này sẽ khiến chủ nghĩa dân túy nước Anh bùng phát và không thể cứu vãn. Mặc dù vậy, việc nước Anh ở lại cũng đi kèm với việc EU sẽ phải cải cách phần nào về thể chế kinh tế - chính trị. Một EU mở cửa và cân bằng sẽ trở nên quan liêu và chia rẽ hơn. Điều này thực sự sẽ khiến EU nằm ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trung Quốc cải cách
Sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc luôn là câu chuyện “nóng”. Nhưng nếu Trung Quốc có thể dần tái cân bằng nền kinh tế phát triển nóng sang tăng trưởng bền vững hơn thì không chỉ Bắc Kinh mà thế giới cũng sẽ được hưởng lợi. Thế giới luôn mong chờ sự mở cửa và phát triển theo nền kinh tế thị trường của đất nước 1,3 tỷ dân này. Tuy nhiên bản thân Bắc Kinh sẽ còn gặp nhiều trở ngại trong cải tổ nội bộ chính phủ cũng như khắc phục hậu quả của tình trạng nền tảng kinh tế phát triển quá nóng.
Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới chính là sự hỗ trợ của nước này đối với các thị trường mới nổi. Tăng trưởng ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi đã được tăng cường bởi nhu cầu ngày càng tăng về nguyên nhiên liệu từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thành công trong việc đối phó với các thách thức trong nước, điều này sẽ góp phần làm tăng sự lạc quan đối với các thị trường mới nổi này.
Theo dự báo về kinh tế thế giới năm 2016 của IMF, sẽ có hơn 3,4 tỷ người sống ở những nước có tăng trưởng GDP cao hơn 6%. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng gấp ba lần trong hai thập kỷ. Đây được xem là sự chuyển đổi thoát khỏi đói nghèo nhanh nhất mà nhân loại từng được chứng kiến. Tuy nhiên, tương lai phía trước vẫn còn nhiều khó khăn khi chủ nghĩa dân túy, rủi ro địa chính trị và những bất ổn của thị trường có thể gây tổn hại nặng nề cho các quốc gia.
IS trong năm 2016 sẽ vấp phải những cuộc tấn công truy quét mạnh mẽ hơn. Và khi tổ chức này bị đẩy lùi, bất ổn ở Trung Đông được giảm bớt, một vấn đề nhức nhối khác là cuộc khủng hoảng di dân có lẽ sẽ giải quyết được phần nào. |