Bà Raymonde Dien và bức ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1956. |
“Phố ngày 23 tháng 2 năm 1950”
Mỗi con phố ở thành phố Saint Pierre des Corps (gần thành phố Tours, miền Trung nước Pháp) đều có một câu chuyện riêng. Con phố “Ngày 23 tháng 2 năm 1950” cũng vậy, nó ra đời sau một sự kiện đã đi vào lịch sử.
Dẫn chúng tôi tới con phố này sau 59 năm, bà Raymonde Dien bồi hồi nhớ lại: Vào những năm 1950, nhân dân Pháp trên toàn đất nước sôi nổi tham gia phong trào chống chiến tranh của thực dân Pháp. Công nhân tại nhiều cảng lớn của Pháp như La Pallice, Le Havre, Marseille, Dunkerque... đã bãi công, phản đối việc chở vũ khí sang Việt Nam. Phụ nữ ở nhiều thành phố như Lyon, Strasbourg, Bordeaux, Nantes... xuống đường biểu tình đòi hòa bình cho Việt Nam. Những người cộng sản như bà Raymonde Dien cũng tích cực hưởng ứng phong trào này. Cơ hội để phản đối cuộc chiến tranh bằng hành động cụ thể đã đến vào ngày 23-2-1950, khi Liên đoàn Đảng Cộng sản Pháp tại vùng Indre et Loire nhận được tin có một đoàn tàu chở xe tăng đi qua thành phố Saint Pierre des Corps. Ngay lập tức, liên đoàn ra quyết định hành động, kêu gọi công nhân, phụ nữ, thanh niên tới chặn đoàn tàu.
Chỉ vài giờ sau, hàng trăm người đã có mặt ở nhà ga. Khi đoàn tàu xuất hiện, có 2 người đã nằm lên đường ray, đó là đồng chí bí thư và bà Raymonde Dien. Đoàn tàu sau đó đã phải dừng lại phía trước hai người chỉ vài bước chân.
Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng bà Raymonde Dien vẫn còn nhớ như in thời khắc diễn ra sự kiện đó. Khi được hỏi điều gì đã thúc đẩy một phụ nữ trẻ nhỏ bé như bà khi đó lại có hành động dũng cảm như vậy, bà Raymonde Dien hiền từ đáp: “Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó đặc biệt để ngăn chặn đoàn tàu và để người dân Pháp hiểu rõ bản chất của cuộc chiến”.
Sau sự kiện hôm đó, bà Raymonde Dien bị bắt, bị đưa ra tòa và bị giam giữ suốt gần một năm. Nhưng điều đó không ngăn cản được bà Raymonde Dien tiếp tục các hoạt động đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
Kỷ vật của Bác Hồ
Bà Raymonde Dien cũng dẫn chúng tôi đến một địa điểm tại thành phố Tours, nơi trước đây có căn phòng diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Xã hội Pháp năm 1920. Bác Hồ khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã tham dự đại hội này và là một trong những đại biểu bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
Căn phòng đã bị tàn phá trong chiến tranh, giờ chỉ còn một bức tường nối liền với một nhà thờ Công giáo. Nền của căn phòng trước kia giờ đã được trồng cây và thảm cỏ, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của người dân địa phương. Mỗi lần có những người bạn Việt Nam đến thăm, bà lại dẫn họ đến nơi này. Bà Raymonde Dien nói đó cũng là cơ hội để bà tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi khi có điều kiện, bà Raymonde Dien lại tham gia các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam do Hội Hữu nghị Pháp - Việt phát động. Bà Raymonde Dien xúc động nói: “Tôi cũng là con cháu Bác Hồ!”. |
Trước khi đến Việt Nam, bà chỉ biết Bác Hồ qua sách vở, biết Bác Hồ là người đã lãnh đạo cuộc chiến của nhân dân Việt Nam giành độc lập. Khi được gặp trực tiếp Bác Hồ, bà Raymonde Dien càng cảm động bởi sự quan tâm của Bác và bởi sự giản dị, gần gũi của một vị Chủ tịch đối với thanh niên.
Hơn 50 năm qua, bà Raymonde Dien vẫn giữ như báu vật hai món quà mà Bác Hồ trao tặng, đó là chiếc vòng đeo tay bằng ngà và chiếc đồng hồ Movado có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi có dịp quan trọng, bà lại lấy ra đeo với lòng tự hào và trân trọng.
Đến thăm nhà bà Raymonde Dien ở một thành phố nhỏ miền Trung nước Pháp, chúng tôi thấy tràn ngập những hình ảnh về đất nước Việt Nam. Trong tủ kính là đôi dép cao su được làm từ lốp một chiếc xe thời chiến tranh; trên tường, nơi trang trọng là bức ảnh bà chụp cùng Bác Hồ trong chuyến thăm Việt Nam năm 1956, và nhiều bức ảnh khác gợi nhắc quê hương thứ hai của bà, như Tháp Rùa ở Hà Nội hay bóng dáng cây dừa nghiêng nghiêng ở miền Nam Việt Nam.Theo SGGP