Kết quả thăm dò chung của NBC News/The Wall Street Journal ngày 6/11 cho thấy, bà Hillary đang nhận được 44% số phiếu ủng hộ, so với tỷ lệ 40% của ông Trump. Theo kết quả thăm dò của Politico/Morning Consul cùng ngày, bà Clinton dẫn trước ông Trump 3% số phiếu của cử tri toàn quốc (tỷ lệ 45-42%).
Ưu thế của bà Clinton liệu có thể dễ dàng trở thành chiến thắng lịch sử? (Nguồn: The Atlantic) |
Mặc dù ngày 8/11, cuộc bầu cử mới chính thức diễn ra, song tính tới hết ngày 6/11, đã có hơn 35 triệu cử tri Mỹ tham gia các cuộc bỏ phiếu sớm. Kết quả các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bầu năm nay cao hơn các cuộc bầu cử năm 2008 và năm 2012. Tuy nhiên, từ ưu thế đến chiến thắng lại là câu chuyện khác.
"Trận chiến" đại cử tri
Giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử năm nay sẽ có 17 bang với tổng cộng 200 phiếu đại cử tri chắc chắn bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ - gồm California, Connecticut, Delaware, thủ đô Washington D.C, Hawaii, Illinois, Maine, Massachusetts, Maryland, Minnesota, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont và Washington. 5 bang có xu thế bỏ phiếu cho Dân chủ gồm Colorado, Michigan, Nevada, Wisconsin và Virginia với tổng cộng 54 phiếu đại cử tri.
Trong khi đó, có 18 bang với tổng cộng 144 phiếu đại cử tri sẽ chắc chắn bỏ phiếu ứng cử viên Cộng hòa là Alabama, Arkansas, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, West Virginia và Wyoming. 5 bang có xu thế bỏ phiếu cho Cộng hòa gồm Alaska, Arizona, Georgia, Iowa và Missouri với tổng cộng 46 phiếu đại cử tri.
Bản đồ phiếu đại cử tri cho bầu cử Mỹ 2016. (Nguồn: C-SPAN) |
Như vậy, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động bầu cử tại các bang còn dao động như Florida, Maine tại khu vực bầu cử số 2, Nebraska tại khu vực bầu cử số 2, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Utah và Pennsylvania với tổng cộng 94 phiếu đại cử tri. Trước khi bước vào “trận đánh lớn”, ứng cử viên đảng Cộng hòa đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nhiệm vụ của tỷ phú Trump là vừa phải giữ bằng được chiến thắng tại các bang ủng hộ truyền thống, vừa phải đánh bại bà Clinton tại các bang “chiến địa” có số phiếu đại cử tri cao như Florida (29 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu) và Ohio (18 phiếu).
Chỉ cần “sẩy chân” tại 1 trong số 3 “tử địa” này, cánh cửa bước vào Nhà Trắng có thể khép lại đối với ông. Kết quả thăm dò dư luận ngày 6/11 của CNN/Ipos cho thấy, bà Clinton hiện dẫn trước ông Trump tại Florida và Pennsylvania, trong khi ứng viên Cộng hòa chiếm lợi thế tại bang Ohio. Cũng chính vì tầm quan trọng của các bang “chiến địa”, cả hai ứng cử viên đều nỗ lực tiến hành vận động tới tận những phút cuối cùng tại Pennsylvania và Florida với hy vọng thuyết phục các cử tri còn do dự.
Những diễn biến bất ngờ
Tuy chỉ còn hơn 1 ngày nữa là khai cuộc tổng tuyển cử nhưng vẫn còn đó những vấn đề có thể thay đổi phiếu bầu của người Mỹ. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi số phiếu bầu cho hai ứng cử viên được dự đoán là khá sít sao.
Donald Trump - Biến số của lịch sử 240 năm bầu cử Mỹ. (Nguồn: Townhall) |
Đầu tiên, ngày 6/11, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey gửi thư cho quốc hội thông báo rằng, bà Clinton sẽ không bị truy tố hình sự về việc sử dụng email cá nhân trong thời gian giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ. Điều này có thể giúp các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ phần nào yên tâm. Nhưng mới đây, con gái của bà - Chelsea Clinton bị Dough Band, cựu trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tố cáo dùng số tiền khoảng 3 triệu USD vào việc tổ chức đám cưới xa hoa của mình. "Tin xấu" này có thể không gây chấn động như bê bối email, nhưng cũng phần nào khiến vấn đề "sự thành thật" của bà Clinton bị đặt lên bàn cân.
Bên cạnh đó, FBI không cam kết việc sẽ khép lại hoàn toàn việc điều tra email của bà Clinton cũng như những trợ lý của bà. Với một mùa bầu cử Mỹ đầy bất ngờ như năm nay, không ai có thể chắc chắn được việc sẽ không có thêm tài liệu mật nào bị Wikileaks hay FBI phanh phui cho thấy gia đình Clinton đã từng "lừa dối" người dân Mỹ.
Bên cạnh đó, phản ứng trước việc FBI giữ khép lại điều tra bê bối email của bà Clinton, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ngày 6/11 tiếp tục kêu gọi người dân ủng hộ cho ứng cử viên của đảng ông - Donald Trump. Theo Chủ tịch Hạ viện, không tính đến quyết định của FBI, điều không thể tranh cãi là bà Clinton đã làm “bí mật quốc gia gặp nguy hiểm và gây tổn hại đến an ninh quốc gia”. Còn Radar Online, cháu gái của Hillary Clinton thì cho biết, cô sẽ ủng hộ Donald Trump 100% thay vì người bác nổi tiếng vì "họ không tốt như mọi người vẫn nghĩ".
Rõ ràng những người ủng hộ ông Trump đang dùng chính chiến thuật của ứng cử viên mà mình định bầu - đó là đánh vào "lòng tin và sự lo sợ" của cử tri Mỹ. Tình cờ một cách lạ kỳ, trung tâm báo chí Al Hayat của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mới đây đăng tải 1 bài viết trong đó có các lời đe dọa rằng các tay súng “đã đến để giết hại các cử tri Mỹ và phá hủy các hòm phiếu”. Cùng với đó là việc từ ngày 4/11 các quan chức liên bang đã bắt đầu rà soát lại thông tin về khả năng al-Qaeda tiến hành các cuộc tấn công tại Mỹ trước ngày bầu cử ngày 8/11, có thể diễn ra tại New York, Virginia, và Texas.
Thật không may, nếu có bất cứ một cuộc khủng bố "thảm sát" nào như các tổ chức khủng bố Hồi giáo đã đe dọa diễn ra trong vài ngày tới, nỗi lo sợ khủng bố và tinh thần bài Hồi giáo mà Donald Trump tuyên truyền bấy lâu sẽ thôi thúc các đại cử tri bỏ phiếu cho tỷ phú với tinh thần bài ngoại cực đoan.
Thay đổi vẫn có thể xảy ra khi mà mới chỉ có hơn 30% cử tri Mỹ đi bầu trong khi "cuộc chiến" đại cử tri vẫn chưa ngã ngũ. Với những ưu thế hiện nay, nếu không có gì đột biến, bà Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ với chiến thắng sít sao. Tuy nhiên, ông Trump vẫn luôn là biến số, không chỉ trong cuộc bầu cử 2016 này mà còn trong hơn 240 năm qua của nước Mỹ. Mọi dự đoán sẽ trở nên rõ ràng sau ngày bầu cử 8/11 tới.