Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, những phẩm chất đạo đức được Người nêu ra là phù hợp với từng đối tượng, có khi Người nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất khác là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn nhất định. Từ đó, Người đã khái quát thành những phẩm chất chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Luôn nghĩ đến lợi ích của dân
Trong những phẩm chất đó thì phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được Người đề cập đến nhiều nhất bởi phẩm chất này gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người, gắn liền giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân trong việc công cũng như trong đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công tác.
Bác Hồ với các anh hùng và chiến sỹ thi đua miền Nam tháng 11/1965. (Ảnh: Tư liệu) |
Về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Bác giải thích ngắn gọn, dễ hiểu. Cần có nghĩa là cần cù siêng năng, là tăng năng suất lao động, là làm việc có hiệu quả, cần với Bác không có nghĩa là phải làm hết sức, làm gắng làm gượng mà cần có nghĩa là kiên trì bền bỉ, dẻo dai. Kiệm là tiết kiệm, không xa hoa lãng phí của tư cũng như của công, kiệm theo Bác không có nghĩa là bủn xỉn mà kiệm phải đi đôi với cần, cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống, kiệm mà không cần thì không làm thêm của cải. Liêm là trong sáng không tham ô, tham lam.
Bác nhấn mạnh chí công vô tư là chống chủ nghĩa cá nhân. Bác ví chủ nghĩa cá nhân như cái bệnh mẹ, nếu chúng ta không chống cái bệnh mẹ thì bệnh mẹ sẽ đẻ ra hàng loạt bệnh con, chí công vô tư là phải làm những việc ích nước lợi dân và luôn luôn nghĩ đến lợi ích Tổ quốc.
Tháng 3/1947, do nhu cầu “kháng chiến, kiến quốc”, Bác kêu gọi thi đua xây dựng “đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính” và giải thích rất rõ, dễ hiểu. Tháng 6 năm 1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính”. Bác coi bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” là những đức tính của người cán bộ cách mạng, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Bác viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”.
Sau đó, Bác còn viết bốn bài báo đăng trên Báo Cứu quốc giải thích rõ nội dung bốn đức tính này. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Một người cần phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn hảo.
Tấm gương trong sáng và mẫu mực
Hồ Chí Minh đã viết: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn hơn, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Người còn chỉ ra mối quan hệ: Cần, kiệm, liêm, chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư, và chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Người đặc biệt lưu ý: “Trước nhất là cán bộ cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm thì có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút lót, có dịp “dĩ công vi tư”.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc, năm 1960. (Ảnh: Tư liệu) |
Người cũng còn chỉ ra một luận điểm rất quan trọng, có giá trị vô cùng thiết thực: “Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm việc trước cho người ta bắt chước”. Có lẽ từ nhận thức như vậy mà cuộc đời của Bác là một tấm gương đạo đức vô cùng trong sáng, cao thượng và mẫu mực. Điều này có thể nhận thấy qua những hành vi trong cuộc sống đời thường của Bác.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù là người phụ bếp đến khi trở thành Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh luôn nêu cao lối sống cần kiệm, giản dị, không màng danh vọng, không ham của cải, không ham sự xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân.
Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon, mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”. Bác đã gương mẫu nhịn ăn vào tối Thứ 7, tự tay bỏ gạo vào hũ cứu đói dân nghèo; Chiếc áo lụa đồng bào tặng, Bác cũng đem bán lấy tiền mua áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa Đông giá rét. Số tiền tiết kiệm ít ỏi là tiền nhuận bút các báo gửi cho Bác, Bác cũng đem mua nước ngọt tặng cho các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày Hè nóng bức…
Những cử chỉ cao đẹp đó không chỉ là tình cảm, tình thương bao la của Bác với đồng bào, chiến sỹ mà còn thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh. Sự tiết kiệm, giản dị, thanh liêm được thể hiện đậm nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bài học về cần, kiệm, liêm, chính của Hồ Chủ tịch có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua thời gian và thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử, những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta.