📞

Bắc Kạn nỗ lực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư

13:00 | 03/09/2016
Nằm trong vùng kinh tế Đông Bắc, tỉnh Bắc Kạn có nhiều lợi thế phát triển về công nghiệp, nông - lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch. Với những hướng đi, giải pháp cụ thể, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư, Bắc Kạn đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quyết tâm chinh phục mục tiêu

Bắc Kạn được tự nhiên ưu đãi cho nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Được đánh giá là một trong những địa phương giàu khoáng sản hàng đầu Việt Nam về kim loại mầu, Bắc Kạn có khoảng 165 mỏ và điểm quặng, khoáng sản có trữ lượng lớn như chì kẽm, sắt, vàng, đá vôi xi măng, đá trắng, thạch anh… là một lợi thế để phát triển công nghiệp. Bắc Kạn cũng có nguồn tài nguyên rừng, đất rừng và cảnh quan phong phú thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn XI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”.

Để sớm hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều hướng đi và giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện. Xác định rõ nông, lâm nghiệp vẫn là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế nên tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chế biến, quảng bá thương hiệu sản phẩm như: miến dong, cam, quýt, hồng không hạt… thực hiện thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ nông thôn mới: thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với chương trình nông thôn mới, hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách về phát triển sản xuất đầu tư 2016-2020 theo đúng thực tiễn của tỉnh; Đẩy nhanh phát triển kinh tế rừng trên địa bàn theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của HĐND tỉnh.

Lĩnh vực công nghiệp cũng được thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 16/6/2015 của UBND tỉnh. KCN Thanh Bình sẽ là động lực để công nghiệp Bắc Kạn phát triển chính vì vậy cần phải khẩn trương đầu tư xây dựng giai đoạn II KCN Thanh Bình, đặc biệt là phải giải quyết sớm về vấn vấn đề giải phóng mặt bằng. Xây dựng cơ bản sẽ tập trung xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ theo mục tiêu kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Phát huy hiệu quả của đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới. Tăng cường công tác vận động nguồn vốn ODA, trong đó tăng cường vận động dự án từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho 4 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Hà Giang; Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Kạn do IFAD tài trợ…

Về thương mại-du lịch sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể đến năm 2030. Phối hợp với Tổng công ty du lịch Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và phát triển du lịch Hồ Ba Bể, tăng cường thu hút các nhà đầu tư mới vào đầu tư tại Khu du lịch Ba Bể. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai chương trình bình ổn giá gắn với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiêp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Vượt qua khó khăn của một tỉnh nghèo nhất cả nước, những năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình hình phát triển kinh tế của Bắc Kạn đã có sự chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được quan tâm cải thiện. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tích cực tổ chức các cuộc đối thoại, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Các cấp, các ngành của Bắc Kạn đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, giảm thời gian giải quyết công việc. Từ đó, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp có thẩm quyền nhanh chóng ban hành, nhằm  hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn như: Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp...

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của Bắc Kạn là xây dựng môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh; xây dựng hình ảnh của Bắc Kạn là một tỉnh năng động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải phát biểu tại Hội nghị giới thiệu tiềm năng, hợp tác và đầu tư tỉnh Bắc Kạn ngày 10/9/2015.

Năm 2016, có 10 chương trình, dự án ODA được giao kế hoạch vốn trên địa bàn tỉnh gồm các lĩnh vực như: giao thông nông thôn, phát triển hạ tầng đô thị, lĩnh vực cấp nước, thủy lợi với số kế hoạch vốn được giao là 54 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân trên 90%.

Đến nay có 19 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài được phê duyệt với tổng ngân sách đã cam kết là 448.329 USD tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây mới và cải tạo trường học, các công trình thủy lợi nông thôn phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ thuật canh tác... Các dự án đang triển khai hiệu quả, thực hiện các hoạt động và giải ngân nguồn viện trợ theo đúng tiến độ đặt ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, sản xuất gồm: Công ty TNHH Chè Peloyen, Công ty TNHH Việt Trung và Công ty TNHH Giấy và Gỗ Bình Trung.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 26/4/2016) về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân về năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp và của nền kinh tế tỉnh Bắc Kạn; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí các thủ tục, chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ cung cấp thông tin miễn phí về tư pháp…; quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, các khu đất phi nông nghiệp để chủ động thu hut đầu tư…

Để thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh của Bắc Kạn, Tỉnh cũng đã vận động sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Động viên các doanh nghiệp cần có những giải pháp cho phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh như: chiến lược dài hạn để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, thị trường, tạo sự khác biệt đối với các doanh nghiệp khác; có sự đầu tư vào khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực...

Với đặc thù là một tỉnh lấy nền kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo các doanh nghiệp cần chung tay, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ chế biến nông - lâm sản đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Với nhiều giải pháp được đưa ra, Bắc Kạn quyết cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng vào những năm tiếp theo.