Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cảnh báo một số nguy cơ gặp phải trong ngày rét đậm, rét hại. (Ảnh: NVCC) |
Những ngày gần đây, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, đặc biệt đối với người già và trẻ em. Theo bác sĩ, những nguy cơ nào bệnh tật có thể đến do thời tiết giá rét hiện nay?
Theo tôi, có một số nguy cơ về sức khỏe có thể đến trong ngày giá rét, đó là: Thời tiết khô, dùng các thiết bị sưởi khiến không khí càng khô hơn. Niêm mạc đường hô hấp bị khô, khả năng bảo vệ cơ thể giảm.
Mọi người thường uống ít nước, ít vận động, dẫn đến việc máu có xu hướng cô đặc, lưu thông kém, trong khi lại có xu hướng ăn thực phẩm nhiều năng lượng, làm tăng các vấn đề về chuyển hóa.
Đồng thời, tâm trạng thường không tốt do thời tiết giá rét, đất trời ảm đạm khiến sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể cũng giảm theo. Cơ thể phải tiếp xúc với môi trường có thay đổi đột ngột nhiệt độ từ ấm sang lạnh và ngược lại.
Thời tiết mùa Đông làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như nhiễm virus đường hô hấp cấp, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản, COPD...; gia tăng các bệnh về tim mạch do trời lạnh, mạch máu có xu hướng co lại, dẫn đến tăng huyết áp và dễ xảy ra tình trạng tắc mạch hơn.
Ngoài ra, mọi người thường uống ít nước nên máu có xu hướng cô đặc, các cục máu đông dễ hình thành do ít vận động, ăn nhiều đồ ăn không lành mạnh. Các bệnh tim mạch hay gặp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp...
Ngoài ra, còn có các vấn đề sức khỏe tinh thần như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm cũng dễ xuất hiện khi thời tiết giá rét kéo dài. Các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm đại tràng co thắt... cũng thường xuất hiện trở lại trên những người từng bị các bệnh này. Các bệnh ngoài da do uống ít nước, do không khí khô và do phản ứng dị ứng cũng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn.
Vào mùa Đông, số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch có xu hướng gia tăng. Vì vậy, chủ động phòng tránh có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe, thưa bác sĩ?
Thực tế, mùa Đông, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý về hô hấp, tim mạch có xu hướng gia tăng. Lý do các bệnh hô hấp tăng là do dịch tiết đường hô hấp trên bị thiếu, niêm mạc đường hô hấp bị khô, hàng rào bảo vệ tự nhiên bị suy giảm, khả năng bảo vệ cơ thể bị ảnh hưởng. Lý do các bệnh tim mạch gia tăng khi trời rét là do mạch máu co thắt do lạnh, do thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nơi ấm sang nơi lạnh, do giảm vận động, uống không đủ nước, không tuân thủ đúng đơn thuốc...
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được các nguy cơ này bằng cách ăn uống lành mạnh, không để cơ thể thiếu nước, tuân thủ đúng đơn thuốc bác sĩ, duy trì việc vận động nhẹ nhàng, giữ ấm cơ thể, không di chuyển đột ngột từ nơi ấm sang nơi lạnh, giữ cho không khí trong phòng không bị khô, làm ẩm niêm mạc đường hô hấp bằng cách nhỏ mũi, nhỏ mắt và súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Người già và trẻ em cần phải phòng bệnh ngày giá rét. (Nguồn: KTĐT) |
Bác sĩ có khuyến cáo gì khi nhiệt độ xuống thấp? Người dân cần làm gì và tuân thủ những nguyên tắc nào để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân?
Như trên đã đề cập, vào mùa lạnh sẽ dễ gặp phải những vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, cúm… do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Nhiều nguy cơ đối với người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời như người lao động nông nghiệp, công nhân, những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...
Do đó, người già và trẻ em hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh. Khi ra ngoài, nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang. Đồng thời, luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Chúng ta cũng không nên tắm khuya, tắm quá lâu hoặc nơi không kín gió.
Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ hằng ngày như đánh răng đều đặn trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh cúm.
Thêm vào đó, cần ăn uống đủ chất, đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét, bổ sung Vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu, bia.
Đối với những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp, phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, tùy theo thể trạng của mình, người cao tuổi có thể sử dụng những thực phẩm như nước trà nóng, nước gừng nóng, những sản phẩm vitamin an toàn để tăng cường sức khỏe cho mình.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Ngày 23/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh khi thời tiết giá lạnh. Theo đó, văn bản của Bộ Y tế đã gửi các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Để bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh. |
| 7 lợi ích đối với sức khỏe của việc đi bộ 10 phút sau bữa ăn Sau bữa ăn, dù chỉ đi bộ 10 phút cũng giúp bạn cải thiện tiêu hóa, điều chỉnh đường huyết, tăng sức khỏe tim mạch ... |
| Nguyên nhân 4 vị trí tóc bạc nhiều và gợi ý cách khắc phục Tóc bạc mọc nhiều hai bên thái dương có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng gan quá tải, nên chú trọng thanh nhiệt, ... |
| Vì sao bạn nên đi bộ sau khi ăn? Những phân tích của Tiến sĩ Heather Viola, bác sĩ chăm sóc chính tại Mount Sinai Doctors-Ansonia (New York, Mỹ) cho biết về việc vì ... |
| Bảo đảm tiếp cận vaccine từ góc độ quyền con người về bảo vệ sức khỏe Quyền đối với sức khỏe được hiểu một cách khái quát nhất là quyền được thụ hưởng những cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch ... |
| 7 nguyên tắc cơ bản khi ăn hoa quả để nhận lợi ích sức khỏe tốt nhất Không ăn hoa quả ngay sau bữa trưa hoặc tối, ăn trực tiếp thay vì ép nước... là một số nguyên tắc để thu được ... |