Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang Hưng nhận Huy chương Vì sự nghiệp GGHB LHQ tại Bentiu, Nam Sudan. (Ảnh: NVCC) |
Lựa chọn rời xa quê hương, gia đình để đến đất nước cách Việt Nam hơn 10.000 km, anh Nguyễn Ngọc Quang Hưng đến với cơ hội trở thành một bác sĩ mũ nồi xanh, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan từ năm 2022-2023.
Hành trình không lùi bước
Công tác tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (Phái bộ UNMISS) đồng nghĩa với việc đối mặt những khó khăn, thử thách như tình hình nội chiến, những đợt gió lốc, mưa bão, dịch bệnh HIV, sốt rét, đậu mùa khỉ, thương hàn… Chưa kể đến rào cản ngôn ngữ, khi mà bác sĩ đạt trình độ 7,5 IELTS vẫn không tránh khỏi bối rối và lo lắng khi tiếp xúc với các ngữ điệu tiếng Anh khác nhau tại nơi làm việc. Thêm vào đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn thường trực...
Sự bận rộn trong công việc và bất tiện khi liên lạc cũng khiến bác sĩ trẻ có những lúc chùng lòng, mệt mỏi. Thế nhưng, bất chấp những gian nan và trở ngại ấy, bác sĩ Hưng chưa từng hối hận với lựa chọn của bản thân.
Với anh, “niềm tự hào khi được đóng góp một phần công sức giúp đỡ người dân nơi đây với hy vọng cuộc sống của họ sẽ dần đổi thay theo hướng tích cực; được mang hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam ở LHQ và trên trường quốc tế chính là động lực để mình vượt qua tất cả khó khăn”.
Trong giai đoạn nắng nóng nhất tại Phái bộ, bác sĩ Hưng từng tiếp nhận ca bệnh có triệu chứng liên quan đến một căn bệnh rất nguy hiểm. Đó là trường hợp một sĩ quan cấp cao ở Sở chỉ huy đến thăm khám với tình trạng sốt, ù tai, phần sau tai sưng đau.
Với kinh nghiệm chuyên môn, anh chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm tai xương chũm - một căn bệnh có thể dẫn đến liệt mặt, áp xe đại não, viêm màng não… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. May mắn sau một tuần điều trị, tình hình bệnh nhân tiến triển tốt và đã có thể làm việc bình thường.
Anh tự hào nhớ lại: “Nhờ đó mà mình càng xây dựng được niềm tin ở bệnh nhân và nâng cao mối quan hệ trong các công tác khác, trở thành hai người bạn rất thân thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.
Bệnh nhân được bác sĩ Hưng theo dõi và chăm sóc rất tận tình. (Ảnh: NVCC) |
Trưởng thành hơn mỗi ngày
Bên cạnh việc không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, anh Hưng vẫn luôn quan tâm đến việc học tiếng Anh để dễ dàng tiếp cận hơn với các kiến thức y khoa mới nhất và chuẩn bị cho công tác nghiên cứu.
Tại Nam Sudan, trang phục làm việc của anh không phải là chiếc áo blouse trắng tinh tươm mà là bộ quân phục truyền thống của lực lượng mũ nồi xanh LHQ với hai chữ “Việt Nam” thêu vàng trên nền vải đỏ thắm, đôi khi dính cát bụi, bùn lầy từ vùng đất đỏ cằn cỗi.
Không chỉ thực hiện khám, điều trị, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, bác sĩ Hưng còn đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau theo đặc thù tại thực địa: sĩ quan điều phối cấp cứu đường không, sĩ quan phòng tác chiến, sĩ quan quản lý hồ sơ bệnh án và phụ trách tổ truyền thông của bệnh viện. Anh cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ Ban giám đốc bệnh viện trong các hoạt động lập kế hoạch, chuyên môn, tiếp các phái đoàn cấp cao của LHQ đến làm việc, dân vận…
Đến vùng đất xa lạ, bản thân anh Hưng phải tự rèn luyện cho mình những kỹ năng mới và làm quen với áp lực mới. Thế nhưng, đây lại chính là niềm tự hào to lớn của chàng bác sĩ này khi được đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, từ đó có thêm nhiều trải nghiệm quý giá để trưởng thành hơn mỗi ngày.
Một trong những trải nghiệm ấn tượng nhất đối với anh Hưng là công việc điều phối các ca vận chuyển y tế đường không (MEDEVAC).
Sức ép về mặt chuyên môn y tế, thời gian xử lý trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cùng đặc thù chuyến bay không được phép thực hiện vào ban đêm khi kích hoạt quy trình vận chuyển là áp lực to lớn mà anh gặp phải. Quá trình vượt qua những áp lực ban đầu đối với anh cũng là kỷ niệm quý báu khó quên trong suốt cuộc đời.
Bác sĩ Hưng đàn, hát bài “Em trong mắt tôi” dành tặng chị em châu Phi nhân ngày 8/3. (Ảnh: NVCC) |
Tiếng đàn mang hình ảnh đất nước
Bác sĩ Hưng là một chàng trai có tâm hồn rất phong phú. Với khả năng đàn giỏi, hát hay, anh coi âm nhạc là một cách để xoa dịu đi những gian nan, khốn khó và cũng là để gắn kết tình cảm với bạn bè năm châu.
Đặc biệt hơn, tiếng đàn và giọng hát ấy chưa bao giờ vắng bóng đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đó là bài hát “Nồng nàn Hà Nội” dành tặng một bệnh nhân Mông Cổ sau ca phẫu viêm ruột thừa cấp, là bài ca “Em trong mắt tôi” hát cho chị em tại châu Phi nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3…
Tại buổi giao lưu, anh cũng không quên chia sẻ những câu chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm tự hào lớn.
Xuất phát từ tình cảm sâu đậm hướng về đất nước, hai chữ “Việt Nam” đã được bác sĩ trẻ cùng đồng nghiệp từng ngày khắc sâu vào tâm khảm của người dân Nam Sudan và bạn bè quốc tế.
Sự chào đón niềm nở mỗi khi Bệnh viện dã chiến Việt Nam tới thăm khám cho người dân địa phương, bài hát “Hát mãi khúc quân hành” do chính Đại úy quân đội Mông Cổ thể hiện, hay bức tranh đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa được anh bạn từ Ghana vẽ tặng các y, bác sĩ đã minh chứng cho tình cảm tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Hưng đã luôn thể hiện tốt vai trò của một bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh, là cầu nối giữa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 với các cơ quan chức năng của LHQ, góp phần làm sâu sắc thêm tình cảm giữa Việt Nam và Nam Sudan thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động khác như trồng cây xanh, dạy học tại các trường học, giao lưu văn nghệ, thể thao,...
Đối với anh Hưng, làm việc với sự tận tâm, lòng nhân ái và yêu thương mọi dân tộc chính là cách thể hiện tình yêu với Tổ quốc. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ của mình, anh đã vinh dự được nhận Huy chương vì sự nghiệp GGHB LHQ và Thư khen của Chỉ huy trưởng lực lượng GGHB Việt Nam.
Anh tâm sự, “giúp đỡ các đất nước còn khó khăn là phát huy truyền thống quý báu của dân tộc ta. Để khi họ nhớ về Việt Nam là nhớ về những tình cảm, sự thân thiện, những đóng góp tích cực của một đất nước yêu chuộng hòa bình”.