Tại Việt Nam có hơn 1 triệu lao động trẻ em trong độ tuổi 5-17, chiếm 5.4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này. (Nguồn: UNICEF) |
“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” là câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ, đồng thời cũng là lời nhắc nhở phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến thế hệ măng non của đất nước. Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam được thể hiện trước hết ở từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm các hành vi bóc lột trẻ em, bao gồm bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; cụ thể hóa các quyền của trẻ em, trong đó có “quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động”, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có mục tiêu: “Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại; ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% và định hướng đến năm 2030 phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Luật trẻ em 2016 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động. |
Hài hòa với luật pháp quốc tế
Những thay đổi, chính sách mới đều in dấu nỗ lực của Việt Nam nhằm hài hòa với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em và Công ước về Độ tuổi tối thiểu (Công ước 138, 1973) ; Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Công ước 182, 1999).
Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/ 2017/ NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định: Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; kế hoạch can thiệp hỗ trợ trẻ em; can thiệp khẩn cấp; Trách nhiệm thông báo tố giác các trường hợp vi phạm quyền trẻ em của các tổ chức, cá nhân.
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có các quy định liên quan đến người chưa thành niên được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em, bao gồm các điều khoản cụ thể về độ tuổi lao động tối thiểu, giờ làm việc, điều kiện làm việc, công việc và nơi làm việc được phép sử dụng và cấm sử dụng người chưa thành niên. Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động năm 2019 đã được mở rộng phạm vi cả khu vực phi chính thức là khu vực tiềm ẩn nguy cơ lao động trẻ em.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng đã ban hành Thông tư số 09/2020/ TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên, trong đó có những quy định cụ thể về việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi và chưa đủ 15 tuổi làm việc; cụ thể các danh mục nghề, cồng việc, nơi làm việc áp dụng đối với lao động chưa thành niên.
Ngoài ra, Thông tư số 21/ 2004/TTLT-BLĐTBXH-BYT giữa Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế hướng dẫn, quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Về chế tài xử phạt, Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 quy định người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thì bị phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi sử dụng người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Luật Thống kê đưa chỉ số liên quan đến người từ 5-17 tuổi tham gia lao động vào các chỉ số thống kê quốc gia; Bộ LĐTBXH cũng ban hành Thông tư 13/2021/TT-BLĐTBXH quy định Bộ tiêu chí thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có thu thập chỉ tiêu về sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em.
Đi cùng với các quy định pháp luật, để phòng ngừa lao động trẻ em từ sớm từ xa, Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng nông thôn, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Qua đó, trẻ em được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản, tăng cơ hội cho trẻ em đến trường đúng độ tuổi, cấp bậc giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, lao động trái với quy định của pháp luật.
Tỷ lệ đi học của trẻ em tham gia lao động vào năm 2018 tăng hơn 20% so với năm 2012. (Nguồn: Vietnamnet) |
Những chuyển biến tích cực
Những nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật đã đem lại hiệu quả khả quan trên thực tế. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả khảo sát lao động trẻ em 2018 do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy nhiều chuyển biến tích cực về tình hình trẻ em tham gia lao động ở Việt Nam so với kết quả cuộc điều tra quốc gia lao động trẻ em năm 2012.
Quy mô và xu hướng trẻ em tham gia lao động đã giảm hơn 6%, đồng thời tỷ lệ đi học của trẻ em tham gia lao động vào năm 2018 tăng hơn 20% so với năm 2012.
Trong tổng số trẻ em tham gia lao động, có 1.031.944 em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 5,4% tổng số trẻ em 5-17 tuổi (năm 2012 tỷ lệ này là 9,6 %) và chiếm 58,8 % trẻ em tham gia lao động.
Trong số lao động trẻ em, có 519.805 em được xác định là lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chiếm 2,7% tổng số trẻ em 5-17 tuổi, chiếm 29,6% số trẻ em hoạt động kinh tế và chiếm gần 50,4% tổng số lao động trẻ em.
Tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi giảm hơn 4 % (9,6% giảm xuống còn 5,4%). Kết quả điều tra năm 2018 cũng cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới. (Năm 2016, tỷ lệ lao động trẻ em trên thế giới là 9,6% và của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 7,4%).
Những kết quả tích cực này có được là nhờ sự hoàn thiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Tuy nhiên những con số lao động trẻ em còn đó đồng thời là động lực để Nhà nước và các bộ, ban, ngành tiếp tục nỗ lực đưa ra những biện pháp mới để trẻ em sống trọn vẹn với tuổi thơ mà không phải lo lắng về kinh tế hay bươn chải lao động.
Mời đọc Bài 2: Chung sức hành động phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em
| Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' - diễn đàn để thiếu nhi thể hiện tiếng nói của mình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” sẽ là diễn đàn để thiếu nhi thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; ... |
| Bài phát biểu chính sách quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại New York, Hoa Kỳ, sáng ... |
| Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II tiếp tục xây hoài bão lớn cho thiếu nhi Từ ngày 27-29/9, Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ II sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự ... |
| Liên hợp quốc: Xung đột đang biến Dải Gaza thành nghĩa địa; hàng trăm nghìn trẻ em mất cơ hội học tập, bị chấn thương tâm lý Các cơ quan Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế ... |
| Nhân quyền là thách thức quan trọng đối với ASEAN Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh sự cần thiết của ASEAN trong việc tăng cường và thúc đẩy các vấn đề nhân quyền. |