Cùng với sự bùng nổ của Internet và các nền tảng mạng xã hội, bạo lực mạng ngày càng diễn biến phức tạp... |
Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã và đang nỗ lực xây dựng, ban hành các văn bản và qui định pháp luật nhằm phòng, chống vấn nạn này. Có nhiều giải pháp khác nhau nhưng có thể phân thành ba nhóm chính: giải pháp pháp lý, giải pháp kỹ thuật và giải pháp xã hội. Việc áp dụng đồng thời và hợp lý các nhóm giải pháp này sẽ có thể ngăn chặn vấn nạn bạo lực mạng, bảo vệ quyền con người trên Internet.
Giải pháp pháp lý
Tại Mỹ, mặc dù là một trong ba nước xảy ra nhiều vụ bạo lực mạng nhất thế giới, nước này cũng chưa có một đạo luật liên bang trực tiếp điều chỉnh vấn nạn bạo lực mạng mà mỗi bang có những qui định riêng.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 49/50 bang của Mỹ ban hành qui định về quấy rối trực tuyến trong đó bao gồm cả qui định về bạo lực mạng.
Tiểu bang Washington đã thông qua một trong những đạo luật về bạo lực mạng đầu tiên vào năm 2004, trong đó tuyên bố một người sử dụng liên lạc điện tử với “ý định quấy rối, đe dọa, hành hạ hoặc làm xấu hổ bất kỳ người nào khác” bằng ngôn ngữ dâm dục, tục tĩu, hay ngôn ngữ ám chỉ các mối đe dọa thể chất khác, hoặc liên tục quấy rối một người thì được coi là tội nhẹ.
Đạo luật chống quấy rối của bang Alaska đã bổ sung phương tiện điện tử là một trong những cách thức quấy rối có thể xâm hại đến sức khỏe con người.
Tại bang California, Đạo luật AB 86, được thông qua ngày 1/1/2009, trao cho các trường học quyền đình chỉ hoặc đuổi học học sinh tham gia bắt nạt trên mạng. Bộ luật Hình sự của bang này, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, qui định việc tạo tài khoản Facebook hoặc e-mail giả nhằm mục đích bắt nạt ai đó là phạm tội.
Tại Australia, Đạo luật an toàn trực tuyến năm 2021 (Online Safety Act 2021) đã thiết lập cơ chế bảo vệ không chỉ cho trẻ em mà cả người trưởng thành khỏi bạo lực mạng, thông qua việc tạo ra các nền tảng để khiếu nại, và các qui tắc để loại bỏ các nội dung có tính độc hại, bắt nạt khỏi mạng Internet.
Bạo lực mạng cũng là một tội hình sự ở nước này và có thể phải đối mặt với hình phạt từ 5-10 năm tù. Tuy Luật hình sự Australia không có qui định riêng về bạo lực mạng nhưng cảnh sát vẫn có thể vận dụng các điều luật hiện có để truy cứu hành vi này.
Hàn Quốc là quốc gia có tình trạng bạo lực mạng nghiêm trọng nhất trên thế giới với đội ngũ neitizen (cư dân mạng) rất đông đảo, trong đó nhiều người sẵn sàng soi mói, chỉ trích bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Hậu quả không chỉ là sự tổn thất về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe tinh thần mà là cả tính mạng.
Dữ liệu của Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển Kknh tế (OECD), trong đó có nhiều vụ tử tử vì bạo lực mạng. Trong những năm gần đây, nhiều ngôi sao K-pop đã tự kết liễu cuộc đời vì không thể chịu đựng cảnh bị cô lập và các hành vi bạo lực mạng khác.
Mới đây, tháng 4/2023, Moonbin, 25 tuổi, thành viên của nhóm nhạc nam Astro cũng được phát hiện tử tử tại nhà riêng ở Seoul do là nạn nhân của bạo lực mạng.
Chính vì vậy, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật về thúc đẩy thông tin và sử dụng mạng truyền thông và bảo vệ thông tin (năm 2001, sửa đổi năm 2016) nghiêm cấm việc lưu truyền trên môi trường mạng các “…thông tin có nội dung bôi nhọ người khác bằng cách tiết lộ sự thật, thông tin sai sự thật một cách công khai và cố ý hạ thấp nhân phẩm của người đó; Thông tin có nội dung khơi dậy sự sợ hãi hoặc e ngại bằng cách tiếp cận người khác nhiều lần qua dạng mã, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh hoặc hình ảnh chuyển động…”. Các thông tin như đã liệt kê có thể bị gỡ bỏ ngay bởi cơ quan chức năng theo yêu cầu của nạn nhân.
Trong Luật hình sự của Hàn Quốc không quy định tội danh riêng về bạo lực mạng nhưng cơ quan chức năng có thể sử dụng quy định về tội Phỉ báng để truy tố kẻ có hành vi bạo lực mạng với mức phạt cao nhất là 10 triệu won hoặc 5 năm tù.
Tại Nhật Bản, vào ngày 13/6/2022, Nghị viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật sửa đổi Bộ luật hình sự, trong đó có Quy định hành vi xúc phạm trực tuyến có thể bị trừng phạt bằng án tù tối đa là 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 300.000 JPY.
Đây là một sự gia tăng đáng kể về mức phạt cho hành vi này khi trước đó hành vi xúc phạm trực tuyến chỉ có thể bị phạt ở mức tối đa là giam giữ 30 ngày và nộp phạt 10.000 JPY.
Sự thay đổi này được kỳ vọng là sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực mạng đang gia tăng tại Nhật Bản, đặc biệt sau vụ việc một ngôi sao truyền hình trực tuyến tự sát hồi đầu năm 2020 sau khi bị bạo lực mạng trong thời gian dài.
Giải pháp kỹ thuật
Trách nhiệm phòng chống bạo lực mạng không chỉ nằm ở các cơ quan thực thi pháp luật với việc phát hiện và xử phạt mà còn nằm ở các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các công ty quản lý các nền tảng mạng xã hội. Đây chính là các chủ thể có khả năng ngăn chặn, kiểm soát hành vi bạo lực mạng ở giai đoạn sớm nhất, hạn chế tối đa hậu quả xảy đến với nạn nhân. Các biện pháp hiệu quả mà họ có thể áp dụng bao gồm:
Tăng cường hệ thống kiểm duyệt nội dung. Trước sự lan rộng của bạo lực trực tuyến, trong những năm qua, các mạng xã hội đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động kiểm duyệt nội dung, trong đó tiêu biểu nhất là Facebook - mạng xã hội nhiều người dùng nhất thế giới.
Facebook đã xây dựng được Bộ “Tiêu chuẩn cộng đồng” để phát hiện các nội dung bạo lực, có tính chất bắt nạt trên nền tảng của mình. Facebook cũng đã ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác kiểm duyệt từ đó tăng đáng kể hiệu quả, phạm vi và tốc độ kiểm duyệt so với việc sử dụng kiểm duyệt viên là con người.
Theo báo cáo của Meta (Công ty sở hữu Facebook), tỷ lệ các nội dung liên quan đến bắt nạt và quấy rối đã giảm từ 76,7% xuống 67,8% trên Facebook và từ 87,4% xuống 84,3% trên Instagram trong quý 3/2022. Điều này đã cho thấy sự hiệu quả và cần thiết của giải pháp này.
Định danh rõ ràng trên mạng xã hội giúp dễ dàng truy ra danh tính những người có hành vi bạo lực mạng và buộc những người này chịu trách nhiệm. |
Định danh rõ ràng trên mạng xã hội. Giải pháp cho vấn đề này chính là phương thức bắt buộc xác nhận danh tính (ID Verification) khi đăng ký tài khoản trên các nền tảng trực tuyến.
Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ sẽ bắt buộc người dùng khi đăng ký tài khoản phải xác thực thông tin bằng việc cung cấp số căn cước, số thẻ tín dụng hoặc các thông tin khác có giá trị tương tự. Sau khi hoàn tất việc xác thực thì tài khoản mới có thể sử dụng để đăng tải nội dung.
Phương thức này giúp dễ dàng truy ra danh tính những người có hành vi bạo lực mạng và buộc những người này chịu trách nhiệm. Phương thức này đã được áp dụng tại Hàn Quốc từ năm 2004 và Trung Quốc từ năm 2012, cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu các hành vi cư xử tiêu cực trên Internet.
Xây dựng cơ chế báo cáo và xóa bỏ thông tin bạo lực mạng dễ dàng hơn cho khách hàng. Bên cạnh cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ, chủ động từ các nhà cung cấp thì sự tự phát hiện và bảo vệ bản thân của người dùng trước bạo lực mạng cũng rất cần thiết trong đấu tranh với vấn nạn bạo lực mạng.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Internet cần tạo thuận lợi cho hành động này bằng cách thiết lập một cơ chế thu thập thông tin và xử lý tố cáo về nội dung bạo lực mạng từ người dùng trên nền tảng của mình.
Cơ chế này nhằm giúp chính người dùng hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ phát hiện các nội dung bao lực mạng và loại bỏ chúng. Cơ chế này phải đảm bảo rằng yêu cầu tố cáo sẽ được xử lý một cách nhanh chóng, chính xác nhất, để vừa sớm phát hiện, loại bỏ các nội dung bạo lực mạng, vừa phải bảo đảm chức năng tố cáo không bị lợi dụng để thực hiện chính hành vi bạo lực mạng.
Trên thực tế, trên nền tảng Facebook, đã có những trường hợp người dùng bị khóa tài khoản dù các nội dung họ đăng tải không có tính bạo lực bởi tài khoản bị “Report” (tố cáo) hàng loạt bởi các đối tượng xấu.
Giải pháp xã hội
Giáo dục về bạo lực mạng. Năm 2010, bang Massachusetts (Mỹ) đã ban hành một đạo luật về chính sách đối với bạo lực mạng, trong đó yêu cầu các trường học tại bang phải có các khóa đào tạo về chống bạo lực mạng và ban hành các chỉ dẫn về ngăn chặn bạo lực mạng. Năm 2017, Nghị viện Italy thông qua Luật số 71/2017 về bạo lực mạng, trong đó đặt ra trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục, phòng chống bạo lực mạng.
Cụ thể, chương trình của nhà trường phải đảm bảo học sinh được giáo dục một cách toàn diện về bạo lực mạng, từ biểu hiện, hành vi, hậu quả (cả đối với nạn nhân lẫn người thực hiện), cách đối phó…
Đối với các đối tượng khác trong xã hội thì việc giáo dục có thể được thực hiện thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như các chương trình truyền hình, phóng sự, các chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
Hỗ trợ nạn nhân của bạo lực mạng. Bạo lực mạng gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân và thậm chí tự tử.
Nạn nhân thường bị tổn thương nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận, đánh mất tự tin vào bản thân sau khi bị bắt nạt trên mạng. Thậm chí trong một số trường hợp, nạn nhân tìm đến cái chết do không thể chịu được áp lực.
Điều này không chỉ xảy ra với những người nổi tiếng như đã nêu trên mà còn cả với những người bình thường. Điển hình năm 2023, một nam sinh 16 tuổi ở Mỹ đã treo cổ tự tử trong gara xe khi cả nhà đang ngủ do bị bắt nạt trên mạng, phải chịu những tin nhắn quấy rối, làm nhục từ những người bạn cùng lớp.
Do đó, cần phải có giải pháp giúp nạn nhân của bạo lực mạng chữa lành những tổn thương tâm lý và trở lại cuộc sống. Nhà nước và xã hội cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào ngành trị liệu tâm lý, từ đó giúp phát triển nhiều phương pháp điều trị tâm lý hiệu quả hơn cho nạn nhân của bạo lực mạng.
Bên cạnh đó, cần thành lập tại các cơ sở y tế địa phương và trường học các phòng chuyên về tư vấn, trị liệu tâm lý để giúp các nạn nhân của bạo lực mạng dễ dàng được giúp đỡ khi cần thiết.
Bạo lực mạng là vấn nạn xã hội khó xử lý, nhưng không phải là không thể ngăn chặn. Để ngăn chặn, xử lý bạo lực mạng, cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ.
Về mặt pháp lý, cần phải có các qui định pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc nhằm trừng trị, răn đe các đối tượng có hành vi bạo lực mạng.
Về mặt kỹ thuật, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để loại bỏ, ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung độc hại này trên không gian mạng.
Còn về mặt xã hội, cần xây dựng các cơ chế giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực mạng phục hồi, trở lại cuộc sống bình thường.
** Giảng viên, Đại học Luật-ĐHQG Hà Nội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Châm, Giang Phương Thảo, Bùi Thị Việt Anh, Pháp Luật Của Một Số Nước Đối Với Bạo Lực Ngôn Từ Trên Mạng Xã Hội Và Giá Trị Tham Khảo Đối Với Việt Nam, Tạp chí khoa học Kiểm sát, số 03-2020.
- Pamela Tozzo, Oriana Cuman, Eleonora Moratto, and Luciana Caenazzo, Family and Educational Strategies for Cyberbullying Prevention: A Systematic Review, Int J Environ Res Public Health, xuất bản online ngày 22/08/2022.
- Patrisha G. Ortigas, Iftikhar Alam Khan, Abdul Basit, Usman Ahmad, “ID verification to control cyberbullying: Juxtaposing theneed and promise, with users' willingness,” Journal of Advances in Humanities and Social Sciences JAHSS2021, 7(3): 99-106, trang 101.c
- https://www.indiatimes.com/technology/news/hate-speech-on-facebook-instagram-down-585594.html