📞

“Bãi biển Việt Nam” - Bao giờ thành thương hiệu quốc tế?

10:20 | 21/06/2009
Nói đến những kỳ nghỉ biển ở châu Á, khách du lịch quốc tế thường liên tưởng đến Hawaii, Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp, đặc biệt ở khu vực miền Trung, nhưng lại không được biết đến như một điểm đến hấp dẫn. Tại sao vậy? Ông Ducan Maclean, Tổng Giám đốc Khu nghỉ Furama Đà Nẵng nêu vấn đề này tại cuộc Hội thảo về Thương hiệu biển Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hạ Long ngày 20/6 vừa qua.

Theo thống kê, 73% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và 50% khách nội địa chọn các địa điểm ven biển làm nơi nghỉ cho mình và tương ứng doanh thu du lịch biển chiếm 70% toàn ngành du lịch. Những kỳ nghỉ trên bãi biển thường kéo dài và đi theo là những chi tiêu thông thoáng. Chỉ trong hơn 1 tuần tổ chức Festival Hạ Long cuối tháng 4 vừa qua, thành phố Hạ Long đã đón nửa triệu du khách, và tỉnh Quảng Ninh đã có một doanh thu đáng kể, hơn 300 tỷ đồng. Còn nhìn xa ra, Phuket của Thái Lan, Bali của Indonesia, Cheju của Hàn Quốc mỗi năm đón vài triệu khách quốc tế, đem lại doanh thu hàng tỉ đôla và đặc biệt hơn, Hawaii hàng năm đón hơn 10 triệu khách thì doanh thu của họ lớn đến mức nào.    “Việt Nam không có một thương hiệu bãi biển ấn tượng nào ở các nước và chỉ khi đến đây họ mới nhận thấy Việt Nam có một tài nguyên vô giá được thiên nhiên ban tặng”, ông Maclean phát biểu. Các bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng, Lăng cô, Phú Quốc hay Vân Đồn, Trà Cổ của Việt Nam rất đẹp, nếu không muốn nói là đẹp hơn nhiều các thương hiệu bãi biển được nêu ở trên. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý du lịch Việt Nam hiểu được điều này, nhưng có vẻ như chưa sẵn sàng giải quyết nó. Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng Cục Du lịch - nói rằng người làm du lịch Việt Nam ai cũng hiểu được đất nước chúng ta có quá nhiều bãi biển đẹp, hệ sinh thái biển phong phú, văn hóa biển đặc sắc, nhưng làm thế nào để biến nó thành thương hiệu nổi tiếng thế giới thì vẫn đang nghiên cứu, tìm tòi.Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Cuộc Hội thảo lần thứ nhất về thương hiệu biển vừa qua đã có một số tiếng nói hữu ích liên quan đến nhiều vấn đề phát triển thương hiệu du lịch biển, như xây dựng các tuyến hàng không, cơ sở hạ tầng, thủ tục hải quan, an toàn biển, kết hợp văn hóa với du lịch rồi đào tạo nguồn nhân lực… Nhưng theo ông Maclean, điều đó là chưa đủ. Vấn đề cốt lõi là làm sao du khách quốc tế biết đến các bãi biển Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trong khu vực châu Á và chọn chúng thay cho bãi biển nước khác. Nhận thức này chỉ được xây dựng trên cơ sở một chiến lược marketing nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục Du lịch đã có những cố gắng nhất định để quảng bá ngành du lịch Việt Nam trên thị trường thế giới như tham gia một vài Triển lãm du lịch tại Nhật, Pháp, Australia… Năm ngoái, một chương trình giới thiệu Việt Nam trên kênh truyền hình CNN tốn hàng trăm nghìn USD cũng đã được thực hiện. Các địa phương, các công ty du lịch, hãng lữ hành cũng rất chăm chút đến khâu giới thiệu mình như một địa chỉ tin cậy. Một số tỉnh, thành có di sản văn hóa thế giới gần biển rất sốt sắng đề cao các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử, còn một số khu vực khác lo giới thiệu về vị trí địa lí thuận lợi hay cơ sở hạ tầng du lịch cao cấp. Địa phương nào cũng muốn khách đến với mình, nhưng chính sự quảng bá một cách phân tán này dẫn đến những ấn tượng mờ nhạt của du khách quốc tế về biển Việt Nam. Du lịch biển phải xuất phát từ bãi biển. Bãi biển đẹp, thiên nhiên hoang dã là điểm nhấn cho những ý tưởng đi nghỉ biển. Việt Nam phải nắm lấy cơ hội là nhiều du khách quốc tế đã bão hòa với bãi biển các nước trong khu vực để lôi cuốn họ. Ngành du lịch cần những chiến lược marketing chuyên nghiệp với những con người chuyên nghiệp thực hiện nó. Nhưng người ta cũng nói rằng, phương pháp quảng cáo và PR tốt nhất chính là truyền miệng (World of Mouth). Chỉ khi nào du khách cảm thấy hài lòng khi trở về từ biển Việt Nam cùng với mong muốn quay lại nơi đây thì những du khách tiềm năng sẽ tìm đến các bãi biển của chúng ta. Hy vọng Diễn đàn lần thứ hai về thương hiệu du lịch biển vào năm sau không phải bàn lại từ đầu những ý kiến xưa như trái đất này... Tùng Lâm