Luật Thủ đô (sửa đổi) là điều kiện cần thiết để Hà Nội phát triển vượt trội. (Ảnh: Linh Chi) |
Điều kiện để Hà Nội phát triển vượt trội
Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước. Để phát triển Hà Nội lên tầm cao mới, Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 sẽ là cơ hội tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Vì vậy, cần chung tay cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, đồng tình ủng hộ và coi việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 góp phần nâng phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Trong phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 20/9/2023, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xác định là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc; một đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước.
Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này với mong muốn làm sao phải có cơ chế đặc thù, vượt trội hơn những địa phương khác, đã tạo cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội bứt phá đi lên. Luật Thủ đô năm 2012 vẫn được thực hiện có hiệu quả, nhưng việc sửa đổi sẽ bảo đảm thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định Thủ đô Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với các khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thông qua việc sửa đổi Luật Thủ đô, tôi mong muốn Hà Nội đạt được sự phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul... Chúng ta phải so sánh như thế để Thủ đô Hà Nội phát triển trong 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa.
"Hà Nội bây giờ đã phát triển, nhưng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện để phát triển hơn nữa. Tôi đơn cử, cán bộ của Hà Nội sắp tới phải được đào tạo, chuẩn hóa như thế nào để ngang tầm với các thành phố ở trên thế giới; đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để Hà Nội ngang tầm với các thành phố trên thế giới.
Với giao thông đô thị, cảnh quan, môi trường đô thị, Hà Nội là một trong những thành phố điểm đến du lịch của thế giới. Nếu cảnh quan, môi trường đô thị sáng - xanh - sạch đẹp cộng với những danh lam thắng cảnh thì Hà Nội xứng tầm là nơi đáng đến tham quan, du lịch của du khách quốc tế", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Các quy định trong Luật về cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô đã bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu quản trị Thủ đô. Những cơ chế, chính sách đặc thù, đồng bộ, toàn diện đó là cơ sở để Hà Nội khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Các quy định về phân cấp, phân quyền đã đủ mạnh, rõ cơ chế, rõ trách nhiệm, rõ cơ chế kiểm soát quyền lực. Ví dụ như phân cấp cho Thủ đô quyết định về biên chế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Phân cấp thì phải chịu trách nhiệm; phân quyền giữa Trung ương và các cấp chính quyền thành phố sẽ tạo sự chủ động trong tháo gỡ vướng mắc, bất cập, cản trở sự phát triển của Thủ đô. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hà Nội có thể phát triển vượt trội, là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Tạo sức bật đưa Thủ đô vươn tầm cao mới
Sáng 11/10/2024, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô là đạo luật rất quan trọng, quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Qua đó, tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến – văn minh – hiện đại" theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của thành phố phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.
Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo sức bật mới cho Thủ đô. (Ảnh: Linh Chi) |
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Đề ra loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.
Đối với những nội dung còn cần nghiên cứu, đánh giá, bảo đảm các điều kiện thực tiễn, nguồn lực thực hiện, sự đồng thuận của xã hội thì thực hiện thận trọng, chắc chắn, đề xuất ban hành khi đã đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan, phù hợp để triển khai thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, nửa cuối năm 2024, Hà Nội tập trung chỉ đạo chuẩn bị triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống. UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP. Hà Nội ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV/2024.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô, các đề án thí điểm các cơ chế, chính sách liên kết vùng, tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, ban hành Chương trình phát triển đô thị để thực hiện Quy hoạch chung ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể và tiến độ thực hiện các quy hoạch, nhất là việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ để thực hiện các danh mục công trình, dự án ưu tiên để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Để triển khai Luật Thủ đô và đưa luật vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô xứng tầm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành công văn số 2565/UBND-NC về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo ra sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới. Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 là bệ phóng, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Chính vì vậy, TP. Hà Nội đang tăng tốc, đẩy mạnh công tác phối hợp, thực hiện để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Trước đó, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025). UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Hiện các cơ quan liên quan của TP. Hà Nội thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, để Luật Thủ đô được triển khai kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng. |