📞

Bài học xử lý nước của người Singapore

11:45 | 26/08/2017
Nguy cơ khan hiếm nước đang đe dọa cả thế giới, tuy nhiên, Singapore lại là ngoại lệ khi hệ thống quản lý nguồn nước của quốc gia này đang mẫu hình để các quốc gia khác học tập.

Nhận thức sớm, hành động sớm

Hiện nay, có tới 2,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để sử dụng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ đạt tới 3,9 tỷ người – nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch. Nhiều hồ chứa nước ngọt trên khắp thế giới đang dần cạn kiệt và các quốc gia đều đang vật lộn với công tác sản xuất nước đủ để đáp ứng nhu cầu.

Một nhà máy xử lý nước thải ở Singapore. (Nguồn: The TODAY)

Nước - dù không phải là nguồn tài nguyên vô hạn nhưng nó có thể được tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, sự lãng phí và ô nhiễm nguồn nước đang xảy ra phổ biến trên thế giới và việc bảo tồn các nguồn nước để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Nhưng, Singapore không nằm trong số đó.

Ngay sau khi tuyên bố độc lập năm 1965, đảo quốc sư tử đã ý thức được tầm quan trọng của chính sách quản lý sử dụng nước đối với sự sống còn của quốc gia này. Sau vài năm xây dựng, Kế hoạch Tổng thể về Nước năm 1972 của đảo quốc này đã đề xuất đổi mới về chính sách, quản lý công nghệ, xem xét việc sản xuất nước uống thông qua khử muối và tái chế.

Nước thải, sau khi được tái chế hoàn toàn, có thể trở lại thành nguồn nước sạch sơ khai. Trong chiến lược quản lý nguồn nước, quốc gia Đông Nam Á này đã nhanh chóng nhận ra khả năng tái sử dụng và tái chế nước từ những nguồn không thể tưởng tượng được – đó là nước thải.

NEWater – sản phẩm hoàn hảo

Nước tinh khiết lọc từ nước thải (NEWater) là ví dụ thiết thực nhất về kinh nghiệm tái chế nguồn nước của Singapore. Được ra mắt vào năm 2002, NEWater trở thành một trong 4 nguồn cấp nước quan trọng nhất của quốc gia này – ba nguồn còn lại là nước thiên nhiên (nước mưa), nước nhập khẩu và nước biển khử muối. Nước tái chế chiếm tới 2/5 lượng cung nước của Singapore. Do chi phí thấp nên doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể.

Vì nguồn gốc ban đầu vốn không sạch sẽ của NEWater (từ nước thải), các nhà hoạch định chính sách Singapore phải thận trọng cân nhắc tới phản ứng của dư luận. Khi NEWater được ra mắt vào năm 2002, Cơ quan quản lý nước quốc gia Singapore (PUB) đã rất nỗ lực nâng cao nhận thức cho người dân tại các trung tâm cộng đồng và nơi làm việc. Thông tin về quy trình tái chế nước đã được xuất bản trong sách giáo khoa ở Singapore. Các trường học tổ chức những chuyến tham quan tới Trung tâm tham quan NEWater để học sinh trực tiếp chứng kiến trọn vẹn quá trình lọc nước thần kỳ này.

Khu dự trữ nước MacRitchie là nơi mọi người tập chèo kayak, đi bộ, chạy bộ xung quanh hồ. (Nguồn: TripAdvisor)

Tuy nhiên, chỉ giáo dục không thôi thì không đủ để thúc đẩy người dân chấp nhận sử dụng nguồn tài nguyên “tuy cũ mà mới” này. Làm thế nào để họ tin tưởng vào khả năng sản xuất nước sạch là rất quan trọng. Uống nước NEWater ở nơi công cộng, đó là cách mà các chính trị gia cấp cao của Singapore trở thành các đại sứ của nước tái chế. Người dân Singapore dần dần coi nước NEWater như một nguồn cung cấp nước hàng đầu của quốc gia.

Cuộc thăm dò ý kiến của Forbes được tiến hành vào cuối năm 2002 đã chỉ ra rằng, có tới 98% người được hỏi chấp nhận dùng NEWater, với 82% cho biết họ sẽ uống trực tiếp NEWater và 16% khác trả lời rằng họ sẽ uống nếu nước này chung với nước ngọt thông thường.

Quá trình tái chế đã không làm giảm chất lượng của loại nước mới. NEWater đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), và thậm chí còn sạch hơn nước của các thành phố lớn khác. Ngày nay, phần lớn nguồn cung nước NEWater dùng để hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm thương mại và các khu công nghiệp thông qua mạng lưới ống dẫn.

Vào năm 2014, NEWater đã giành giải thưởng của cuộc thi “Nước cho cuộc sống” của Liên hợp quốc về lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước. Như vậy có thể thấy rằng, việc nhân rộng phương pháp của Singapore trên toàn thế giới có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

(theo The Today)