📞

Balkans của thế kỷ 21?

08:25 | 04/03/2013
Gần đây, những cuộc tranh cãi không ngưng nghỉ về những hòn đảo ở phía Nam và Đông Trung Quốc đã làm xấu đi mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Bầu không khí căng thẳng đến mức làm người ta nhớ đến giai đoạn hiểm nghèo cách đây đúng một trăm năm trước - Balkans năm 1913.
Thời điểm không bình thường ở Đông Á.

Không hẹn mà gặp, mới đây, cựu Thủ tướng - cựu Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd và cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoon Young-kwan, trong những bình luận riêng rẽ, đã cùng so sánh châu Á với châu Âu thời đầu thế kỉ XX khi bị vướng vào những vụ xung đột và liên minh trước Thế chiến I.

Cảnh báo đáng lưu tâm

Trong bài viết A Maritime Balkans of the 21st Century? đăng tải trên tạp chí Foreign Policy mới đây, cựu Thủ tướng Kevin Rudd cho rằng Biển Đông - vùng biển chiến lược quan trọng nhất mà Trung Quốc coi là "nội thủy" của mình, làm cho các nước xung quanh nổi giận - giống như khu vực Balkans cách đây 100 năm: nó giống như một thùng thuốc súng có thể tạo ra một đám cháy lớn trên một khu vực, nếu không phải là một cuộc chiến tranh thực sự.

Theo ông Kevin Rudd, đây là những thời điểm không bình thường ở Đông Á. Với những căng thẳng gia tăng từ các tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển Hoa Đông và biển Đông, khu vực này ngày càng giống như tình hình của các nước Balkans một thế kỷ trước - một nguy cơ chiến tranh trên biển. Chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên trong khu vực. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã giảm xuống tới mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa ngoại giao vào năm 1972, giảm đáng kể lượng đầu tư - thương mại song phương. Ông Kevin Rudd cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines cũng xấu đi đáng kể, trong khi các tổ chức chủ chốt trong khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng phân cực. Về an ninh, khu vực này trở nên mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1975.

Cựu Thủ tướng Australia dẫn giải: Ở Bắc Kinh, các vấn đề hiện tại với Tokyo, Hà Nội và Manila được đặt lên hàng đầu, có mặt trên tất cả các phương tiện truyền thông chính thức. Trong đó, mối quan hệ với Nhật Bản trở thành trung tâm của hầu hết mọi câu chuyện ở Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn xung đột vũ trang với Nhật Bản, nhưng rõ ràng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó.

Giống như khu vực Balkans một thế kỷ trước, bị chia rẽ bởi những liên minh chồng lấn, bị chia rẽ bởi lòng trung thành và thù hận, tình hình chiến lược của Đông Á hiện nay rất phức tạp. Ít nhất có 6 nước hay thực thể chính trị hiện đang tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc, 3 trong số đó là những đồng minh chiến lược gần gũi với Mỹ.

Với các vấn đề phức tạp, Đông Á đang ngày càng bị kéo theo các hướng hoàn toàn khác nhau. Một mặt, toàn cầu hóa đang đưa các dân tộc, các nền kinh tế và các quốc gia xích lại gần nhau hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử. Mặt khác, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cũng đồng thời nổi lên, gây chia rẽ sắc tộc, văn hóa… trong khu vực. Đông Á đương đại như một câu chuyện về hai thế giới khác nhau.

Theo ông Kevin Rudd, điều đáng lo ngại là những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Đơn cử với mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. Tháng 9/2012, chính phủ Nhật Bản đã mua từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật ba hòn đảo trong quần đảo mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền (Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Trung Quốc cho rằng Nhật Bản, nước vốn đã quản lý hành chính các hòn đảo này trên thực tế trong suốt thế kỷ qua, đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đáp trả, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt cái gọi là "những cú đấm kết hợp": sự trả đũa kinh tế kết hợp với việc triển khai các tàu tuần duyên ở các khu vực tranh chấp, diễn tập chiến đấu chung giữa các binh chủng hải-lục-không quân… Về phần mình, vào giữa tháng 12/2012, Nhật Bản cũng tuyên bố rằng máy bay của Trung Quốc đã xâm nhập không phận Nhật Bản bất hợp pháp trên các đảo tranh chấp. Nhật Bản đã cử 8 máy bay chiến đấu F-15 đến các đảo này. Cả hai bên đều đang tích cực trang bị các thiết bị quân sự cho các loại tàu bảo vệ bờ biển…

Tuy có thể có một số biện pháp tức thời "làm mềm" quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, nhưng thực tế ngoại giao và chiến lược của hai bên vẫn xuất hiện gần như không thay đổi. Chẳng hạn, ngày 25/1 vừa qua, Tokyo đã cử đại diện đến Bắc Kinh để trao tận tay bức thư của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với mong muốn khôi phục lại sự ổn định quan hệ giữa hai nước. Song chỉ mới nhậm chức từ giữa tháng 12/2012, Thủ tướng Abe và vị Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã kịp đến thăm 7 nước Đông Á khi mà "nhiệt độ" giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn cao. Rồi hồi cuối tháng 1, Tokyo tuyên bố thành lập Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản với 12 tàu tăng cường...

Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuy đã đồng ý xem xét khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh để bàn về tranh chấp lãnh thổ, song do chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên toàn khu vực, ngôn từ hiếu chiến đã và đang được đẩy lên, nên ông Tập lại hứa sẽ không có nhượng bộ về tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, một số sĩ quan Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ có thể "tấn công phủ đầu" và có thể tiến hành một cuộc "chiến tranh quyết liệt, chớp nhoáng". Như vậy có nghĩa là cả hai bên vẫn luôn bị ràng buộc với tình hình trên biển và trên không ở Senkaku/Điếu Ngư - sự kiện mà có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Chưa hết, các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông thậm chí còn phức tạp hơn. Hiện có 6 nước và vùng lãnh thổ (Đài Loan) có tranh chấp chủ quyền trong khu vực này. Theo các tổ chức của Mỹ, các quan chức Trung Quốc từng tuyên bố rằng vùng biển này có trữ lượng dầu rất lớn - 213 tỷ thùng (gấp 10 lần trữ lượng dầu của Mỹ mặc dù các nhà khoa học Mỹ hoài nghi số liệu này) và 25.000 tỷ mét khối trữ lượng khí đốt (tương đương với tổng trữ lượng khí đốt của Qatar). Biển Đông cũng chiếm khoảng 10% sản lượng đánh bắt thủy sản của thế giới hàng năm. Hơn nữa, không giống như là Senkaku/Điếu Ngư, Biển Đông có các căn cứ hải quân.

Tất nhiên, bàn về chiến tranh ở Đông - Nam Á lúc này có thể là hơi quá, nhưng rõ ràng là có lý do để lo lắng. Ông Kevin Rudd kết luận rằng nếu chủ nghĩa dân tộc thắng thế, tình hình có thể diễn ra như đã từng xảy ra ở vùng Balkans một thế kỷ trước. Vì thế, đối với những người đang sống trong khu vực phải đối mặt với các cuộc đối đầu leo thang ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, Balkans là một cảnh báo đáng quan tâm.

Châu Á hiện nay giống... châu Âu trước Thế chiến I

Cũng giống như ông Kevin Rudd, trên tạp chí Time, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yoon Young-kwan cũng vừa chỉ ra một sự tương đồng nữa giữa châu Á ngày nay với châu Âu thời đầu thế kỉ XX:

"…Lúc đó, sức mạnh tương đối của Anh cũng đang xuống dốc; trong khi từ ngày thống nhất, sức mạnh của Đức lại đang đi lên. Tương tự, ít nhất là sức mạnh kinh tế của Mỹ và Nhật Bản dường như cũng bắt đầu đi xuống, đấy là nói nếu so với Trung Quốc. Những vụ thăng trầm quyền lực lớn thường tạo ra những thời đại, trong đó các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt có thể có những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại. Việc thiếu kiểm soát quan hệ quốc tế trong những giai đoạn khủng hoảng như vậy thường dẫn tới những cuộc chiến tranh lớn".

Ông Yoon Young-kwan nhận định: Ngày nay, quyền lực của Washington ở khu vực Thái Bình Dương được cho là đang đi xuống, trong khi sức mạnh của Trung Quốc lại đang gia tăng, tạo ra bối cảnh cho những vụ tranh cãi về lãnh thổ hiện nay. Luật chơi trong khu vực đang có biến đổi và sự không chắc chắn làm gia tăng nguy cơ đối đầu.

Theo vị cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, có thể thấy sự đồng vọng của nước Đức hồi cuối thế kỷ XIX trong sự tự tin như thế của Trung Quốc. Các nhà sử học đã chỉ ra được những sự tương đồng giữa nhà nước toàn trị Trung Quốc với nước Đức do nhà thiết kế người Phổ, ông Otto von Bismarck, lập ra. Chủ nghĩa dân tộc đầy kiêu ngạo của Hoàng đế Wilhelm II không phải là điều xa lạ với Trung Quốc hiện nay. Cho nên, trên tạp chí Time, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng, đừng lấy làm ngạc nhiên nếu thấy câu “nước Đức của Wilhelm” lại xuất hiện trên các tờ xã luận.

Viên Hòa (Theo Time và Foreign Policy)