(Ảnh minh họa) |
Thị trường sắp trở nên “hoàn hảo”
Từ ngày 20/4/2010 trở đi, các CTCK chính thức chỉ được bán chứng khoán ngày t+4 thay vì t+3 như phần lớn công ty tự ý triển khai. Sự công bằng được thiết lập sẽ tạo được tâm lý tin tưởng và thoải mái hơn cho nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, việc bán chứng khoán ngày t+2 được UBCKNN sớm thông qua, sẽ tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, việc sử dụng đòn bẩy tài chính (hay còn gọi là giao dich ký quỹ - margin trading) được cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể sẽ đưa thị trường vào nền nếp, quy củ.
Hiện nay, phần lớn các CTCK đều cho khách hàng sử dụng sản phẩm này theo tỉ lệ khá “bừa bãi”, để gia tăng lợi nhuận. Khi thị trường lao dốc, đòn bẩy tài chính trở thành “quả đắng” cho nhà đầu tư và một bài toán quản trị rủi ro không chỉ đặt ra cho người sử dụng mà còn cho cả các nhà quản lý.
Trận chiến công nghệ giữa các CTCK sẽ không ngừng tiếp diễn khi giao thức kết nối gateway vào Sở GDCK được áp dụng đồng loạt, kể cả sàn HNX từ ngày 1/6. Việc xóa bỏ hết đại diện sàn, đánh dấu một cuộc đua tranh giữa các CTCK về chất lượng công nghệ, ứng dụng phần mềm thông minh để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của khách hàng.
Thị trường sắp trở nên “hoàn hảo” ngoại trừ một vấn nạn chưa thể bị ngăn chặn: các giao dịch nội gián, thao túng giá vẫn diễn ra công khai. Điển hình như các vụ mua bán không công bố thông tin của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Gần đây là trường hợp của cổ đông lớn công ty Vinavico (CTM), số tiền phạt 15 triệu đồng chưa bằng 2% giá trị giao dịch, không có tác dụng răn đe triệt để.
Môi giới “toàn vẹn”
Những thay đổi quan trọng kể trên sẽ tác động mạnh tới bộ phận môi giới khi việc đặt lệnh và truyền lệnh được hiện đại hóa và đội ngũ nhập lệnh sẽ tinh giản gọn nhẹ. Giờ đây, nhiệm vụ chính của nhân viên môi giới (NVMG) là chăm sóc khách hàng “tận răng”: chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, tư vấn đầu tư, thu xếp margin. Trách nhiệm NVMG luôn song hành với quyền lợi của họ - mức hoa hồng trên doanh số, cũng “thiên biến vạn hóa” tùy vào chính sách công ty.
Nhiều CTCK chia bộ phận môi giới thành hai nhóm: giao dịch và tự do. Môi giới giao dịch chỉ chăm sóc khách công ty đưa về, lương cố định, không bị áp lực doanh số, do vậy không được hưởng hoa hồng mà chỉ được thưởng định kỳ.
Ngược lại, môi giới tự do sẽ hưởng hoa hồng trên doanh số, thông thường chiếm tỉ lệ từ 20 - 30% (thậm chí tới 40%), nhưng không có lương cố định. Nhìn chung, số lượng NVMG tự do sẽ không tăng quá nhanh mặc dù cơ chế thoáng, vì còn phụ thuộc vào khả năng “chèo kéo” những khách có tài sản lớn và giao dịch thường xuyên.
Đối với khách VIP có tài sản giao dịch từ 10 - 20 tỷ đồng, sự lựa chọn không bó hẹp ở việc tư vấn mà còn là phối hợp “đánh lên”. Môi giới gợi ý với nhà đầu tư cùng hợp tác đẩy giá cổ phiếu, đặc biệt ở trên sàn HNX do các công ty niêm yết có quy mô vốn bé (trên 10 tỷ đồng).
Việc thao túng giá của khách VIP sẽ kéo theo tâm lý bầy đàn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ (được NVMG tư vấn). Lợi ích sẽ chia đều cho cả đôi bên khi khách VIP kiếm siêu lợi nhuận, môi giới CTCK ghi nhận doanh số khủng. Xu thế này dự báo vẫn còn tái diễn nhiều vì hành vi này chưa được xử lý nghiêm ngặt và hoạt động thanh tra giám sát còn thiếu tinh vi để phát giác, ngăn chặn kịp thời.
Phí giao dịch cạnh tranh
Phí môi giới giao dịch đang phổ biến ở mức 0,25% - 0,3% giá trị giao dịch trên 50 triệu đồng, hơn nữa, nhiều CTCK khuyên khích khách hàng đặt lệnh trực tuyến để giảm tải cho NVMG với mức phí khá hấp dẫn 0,2% đối với VNDirect hay Mirae Asset chỉ có 0,1%. Mức phí quá thấp sẽ không có lợi cho CTCK mà chỉ tốt cho khách hàng tổ chức vì họ thường giao dịch khối lượng lớn.
Với khách hàng cá nhân, biểu phí môi giới không quan trọng bằng khả năng tư vấn đầu tư tốt cho khách hàng: thái độ chăm sóc, đưa ra lời khuyên bổ ích, nhận định thị trường nhạy bén, sâu sắc. Do vậy, đối với các CTCK tập trung phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, thì mức phí giao dịch ở tầm trung bình không phải là vấn đề lớn.
Giao dịch ký quỹ (margin trading)
Công cụ có khả năng nhân đôi, nhân ba lợi nhuận có sức hút mãnh liệt với nhà đầu tư nhưng cũng hàm chứa rủi ro “giải chấp” khi giá trị tài sản bốc hơi theo đà sụt giảm của thị trường.
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn của UBCKNN, tỉ lệ đòn bẩy cho phép sử dụng tối đa là 1:1, áp dụng với các chứng khoán theo tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt. Hiện nay, nhiều công ty cho phép sử dụng đòn bẩy tràn lan với tỉ lệ lớn (có thể tới 1:4), không hoặc có khống chế thời gian sử dụng để giảm thiểu rủi ro của công cụ này (thông thường t+15 trở xuống).
Công ty CK S. cho khách hàng sử dụng đòn bẩy theo tỉ lệ 1:2,5 nhưng thời hạn sử dụng t+4 (chứng khoán về tài khoản sau khi mua buộc phải bán ngay). Một thực tế đã và đang diễn ra là các CTCK lớn cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng trong khuôn khổ cho phép đối với danh mục cổ phiếu chọn lọc. Rủi ro cao sẽ rơi vào các CTCK nhỏ, buộc phải giữ chân khách bằng với tỉ lệ hỗ trợ vốn cao, áp dụng với những chứng khoán không được cấp hạn mức ở các CTCK lớn.
Ngoài ra, khi giá trị tài sản giảm từ 20 - 25%, tài khoản của khách hàng bị margin call (nộp thêm tiền/hoặc CTCK sẽ đặt lệnh bán), các CTCK lớn sẽ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp xử lý để tuân thủ quy trình cho vay. Ngược lại, các CTCK nhỏ sẽ phải “nương tay” hơn với khách hàng bằng việc chấp nhận rủi ro để tài sản giảm hơn 25% mới call margin. Đây là bức tranh phác thảo rõ nét nhất về tính cạnh tranh giữa các CTCK nhờ công cụ margin trading (đòn bẩy tài chính).
Khát nguồn vốn
Lãi suất cho khách hàng vay cầm cố (repo) và margin trading vay phổ biến ở mức tương ứng là 17%/năm và 20%/năm. Kinh doanh nguồn chỉ có hiệu quả khi chi phí huy động đầu vào tối đa ở mức 15 - 17%/năm đối với từng nghiệp vụ ở trên. Vấn đề huy động nguồn vốn để chủ động trong kinh doanh cũng như để đảm bảo tính thanh khoản của CTCK là vấn đề đáng bàn. Các CTCK thuộc các ngân hàng thương mại, có lợi thế nhiều nhất vì sự chủ động và linh hoạt trong việc huy động nguồn từ ngân hàng mẹ.
Ngoài ra, các CTCK có cổ đông lớn là doanh nghiệp bất động sản, tổng công ty lớn hoặc khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh, hưởng lợi nhiều từ việc huy động nguồn.
|
So sánh giữa việc gửi tiền ở ngân hàng với lãi suất 11 - 12%/năm, bài toán tiền gửi lãi suất cao hơn từ 2 - 4%/năm tỏ ra hấp dẫn hơn hẳn đối với các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dư dả, đặc biệt khi họ còn nắm quyền kiểm soát các CTCK trên. Khó khăn thuộc về các CTCK nhỏ, nguồn vốn bị hạn chế, buộc phải thu hút vốn vay bên ngoài với chi phí cao để cung cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng.
Nếu các CTCK thu xếp được nguồn vốn từ 300 tỷ đồng trở lên phục vụ nhu cầu vay của khách hàng, doanh thu của CTCK có thể được gia tăng đáng kể.
Thực tế cho thấy CTCK H., chỉ tập trung vào hoạt động môi giới và kinh doanh nguồn, thu nhập từ nguồn vốn cho vay chiếm tới 50% tổng doanh thu của công ty. Ngay cả khi thị trường chao đảo năm 2008, kết quả kinh doanh của CTCK này vẫn có lãi nhờ vào mảng kinh doanh nguồn. Trong thời gian sắp tới, đây sẽ là mảng doanh thu rất tiềm năng của các CTCK, ngoài phí môi giới và lãi tự doanh/đầu tư.
Xu hướng M&A
Số lượng hơn 100 CTCK ở thị trường Việt Nam, gấp 4 - 5 lần số lượng CTCK ở các thị trường phát triển, cho thấy xu thế phát triển ồ ạt, thiếu sự bền vững. Chi phí đầu tư phần mềm, nâng cấp hệ thống công nghệ thường xuyên không phải nhỏ đối với từng CTCK để đáp ứng những nghiệp vụ như sửa lỗi, quản lý margin v.v… khi có nhiều giao dịch trồng chéo t+, các công cụ đầu tư được áp dụng.
Các CTCK có bước nhảy vọt về thị phần môi giới trên sàn HNX trong năm 2009 như FPTS, VNDS chủ yếu trông cậy vào thế mạnh công nghệ và luôn đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng “con Át chủ bài” này. Một vấn đề nổi cộm khác đối với các CTCK là việc quản trị rủi ro. Nếu không thực hiện tốt, CTCK sẽ gặp khó khăn về khả năng thanh toán vì quá chiều “thượng khách” sử dụng công cụ đầu tư bừa bãi, không tuân thủ quy trình đặt ra.
Như một xu thế tất yếu, những vụ sáp nhập, mua bán giữa các CTCK sẽ bùng nổ để cấu thành những pháp nhân có tiềm lực tài chính mạnh, sức cạnh tranh tốt, loại bỏ những mô hình hoạt động kém hiệu quả, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các CTCK cũ.
Vụ M&A được biết đến gần đây nhất là việc CTCP Him Lam và Ngân hàng TMCP Liên Việt mua thâu tóm 55% cổ phần CTCK Viettranimex (thành lập năm 2009, vốn điều lệ 125 tỷ đồng), và đổi tên thành CTCK Liên Việt. M&A giữa các CTCK cũng có nghĩa sẽ tăng thêm sự lựa chọn tốt hơn cho nhà đầu tư trong bối cảnh sự tồn tại của mô hình các CTCK vẫn được ưa chuộng hơn và lấn át các công ty quản lý quỹ.Theo Doanh nhân