📞

Bạn là ai khi bạn đơn độc?

09:12 | 09/04/2017
Trong một số trường hợp nhất định, dành thời gian một mình có thể mang lại những lợi ích tinh thần to lớn.

Vào những năm 80 của thế kỉ 20, nhà báo kiêm nhà văn người Italy Tiziano Terzani, sau nhiều năm công tác tại châu Á, đã quyết định sống “ẩn dật” trong một căn phòng nhỏ tại quận Ibaraki, Nhật Bản. “Trong suốt một tháng, tôi không nói chuyện với ai ngoài chú chó Baoli của mình”.

Trong khoảng thời gian này, Terzani chủ yếu đọc sách, quan sát thiên nhiên, “nghe tiếng gió réo rắt trên ngọn cây, ngắm nhìn những chú bướm và cảm nhận sự yên tĩnh”... Và, lần đầu tiên sau nhiều năm, Terzani cảm thấy bản thân mình được thoát khỏi những lo lắng muộn phiền triền miên của cuộc sống hàng ngày: “Cuối cùng, tôi đã có thời gian cho bản thân mình”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: NPR)

“Nỗi oan” của sự đơn độc

Tuy nhiên, “sự ẩn dật” của Terzani dường như là một điều khá lạ thường trong thế giới ngày nay: Con người từ lâu đã và đang nghĩ xấu về sự đơn độc. Người ta xem sự đơn độc là một thứ phiền muộn cần tránh xa, hay một hình phạt. Ngay cả một số nhà khoa học còn xem tình trạng đơn độc là nguyên nhân của một số kết quả tiêu cực. Nhà phân tâm học nổi tiếng Freud đã kết nối sự “đơn độc” với tình trạng lo lắng. Ông nói: “những nỗi sợ đầu tiên của trẻ em chính là bóng tối và sự đơn độc”.

John Cacioppo, một nhà thần kinh học xã hội chuyên nghiên cứu về tình trạng cô đơn, cho rằng, sự đơn độc không chỉ tác động đến khả năng suy nghĩ mà còn ảnh hướng đến sức khỏe thể chất của con người. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà khoa học cho rằng sự “đơn độc” có thể mang lại những lợi ích sức khỏe nếu được thực hiện một cách khoa học và hợp lý.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp chúng ta gặp những rắc rối trong cuộc sống. Khi đó, bản năng sẽ mách bảo chúng ta tìm đến những nguồn lực xung quanh để nhận được sự hỗ trợ. Nhà xã hội học Jack Fong (Đại học California State Polytechnic), chuyên gia nghiên cứu về sự đơn độc, nói: “Khi chúng ta tận dụng những thời khắc khó khăn để khám phá sự đơn độc của mình, chúng ta không chỉ đối diện với chính con người thật của mình, mà còn có thể học cách vượt qua một số điều xấu xa tồn tại trong xã hội mà chúng ta đang sống”.

Nói cách khác, khi chúng ta tự rút khỏi bối cảnh xã hội nơi chúng ta đang sống, ta sẽ có thể thấy được bản thân mình đã bị xã hội đó làm cho thay đổi như thế nào.

Nhà văn nổi tiếng Thomas Merton, người đã từng dành nhiều thời gian suy tư một mình, cũng có cùng ý kiến trên: “Chúng ta không thể xem xét một điều gì đó một cách toàn diện cho đến khi chúng ta bị chính điều đó chi phối và ảnh hưởng”.

Sự căm ghét cảm giác đơn độc đang diễn ra trong nền văn hóa đại chúng. (Nguồn: G.N)

Hãy chủ động khám phá bản thân

Tuy nhiên, sự đơn độc không chỉ nói về tình trạng “một mình”. “Nó là một quá trình nội tâm sâu sắc”, theo lời của Matthew Bowker - nhà lý thuyết chính trị phân tâm học của trường Medaille College. Để đạt được hiệu quả, sự đơn độc cần có sự tự khám phá bên trong, một loại lao động khó khăn và thậm chí vô cùng đau khổ. “Chúng ta cần phải bỏ công sức trước khi hưởng lợi từ quá trình này. Nhưng một khi đã thành công, nó sẽ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà một người có thể có được – mối quan hệ với chính bản thân của mình”.

Tuy nhiên, Bowker tin rằng, trong xã hội đa kết nối của chúng ta hiện nay, “sự cô độc đã và đang bị hạ thấp giá trị”. Ông lấy dẫn chững một nghiên cứu tại Đại học Virginia: Trong nghiên cứu này, một số người tham gia đã chọn cách bị chích điện thay vì trải qua cảm giác đơn độc với suy nghĩ của chính mình. Bowker thấy rằng, sự căm ghét cảm giác đơn độc đang diễn ra trong nền văn hóa đại chúng.

Và mặc dù nhiều nhà tư tưởng vĩ đại đã đạt được những thành tựu trí tuệ và tinh thần thông qua sự đơn độc nhưng con người hiện đại lại tránh xa tình trạng này. Bowker nói: “Mỗi khi tập chạy bộ, chúng ta lại đeo tai nghe. Cứ ngồi vào xe là chúng ta bật nhạc. Các sinh viên của tôi còn nói rằng, họ không thể đi tắm nếu không mang theo máy nghe nhạc”.

Điều này không có nghĩa là để đạt được sự đơn độc, chúng ta cần phải tránh xa mọi tác nhân kích thích. Thay vào đó, Bowker nói: “Giá trị của sự đơn độc phụ thuộc vào việc liệu mỗi người chúng ta có thể tìm thấy được sự đơn độc bên trong bản thân mình hay không”. Mỗi người chúng ta khác nhau trên phương diện đó: “Một số người có thể đi bộ hoặc nghe nhạc và cảm thấy họ đang giao cảm với chính bản thân mình, trong khi một số khác thì không”.

Sự đơn độc sẽ có lợi nếu bạn chủ động được cảm xúc của bản thân. (Nguồn: 123RF)

Bowker cho rằng, “sự ngờ vực của chúng ta với sự đơn độc” sẽ mang lại hậu quả bởi chúng ta đã trở thành một xã hội sống theo hội nhóm”. Bowker phân tích: “Chúng ta bị thu hút bởi một số người hay hội nhóm giúp chúng ta định nghĩa bản thân mình. Theo cách dễ hiểu nhất, điều này có nghĩa là chúng ta phụ thuộc vào người khác để viết lên bản sắc của chính bản thân mình, thay vì dựa vào những gì thuộc về bên trong tâm hồn của chúng ta”.

Muốn “đơn độc tích cực”, phải biết cách

Để sự đơn độc phát huy mặt tích cực, chúng ta cần phải đáp ứng một số điều kiện. Kenneth Rubin, một nhà tâm lý học phát triển tại trường Đại học Maryland cho rằng những điều kiện đó là “nếu sự đơn độc đó là tự nguyện, nếu người đó có thể điều chỉnh cảm xúc bản thân; nếu người đó có thể tham gia một nhóm xã hội khi cần thiết; và nếu họ có thể duy trì những mối quan hệ tích cực khi ở ngoài nhóm”. Khi những điều kiện trên không được đáp ứng, sự đơn độc có thể gây hại.

Chẳng hạn như hiện tượng hikikomori tại Nhật Bản. Thời gian qua, có đến hàng trăm ngàn thanh niên Nhật Bản do trầm cảm đã tự rút lui khỏi cuộc sống xã hội, cắt đứt liên hệ với những người xung quanh. Và, họ đã phải trải qua những liệu pháp tâm lý để tái hòa nhập cộng đồng.

Ngược lại, khi những điều kiện trên được đáp ứng, sự đơn độc có thể giúp chúng ta đạt được một số lợi ích nhất định như có nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hay hiểu rõ vai trò của bản thân trong vũ trụ này…

(theo The Atlantic)