Theo báo cáo “Phân tích hiện trạng và triển vọng tiêu dùng thực phẩm 2008” của Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), hệ thống bán lẻ trong nước đang có những lợi thế không nhỏ so với các tập đoàn bán lẻ thế giới.
Người tiêu dùng kỳ vọng gì đối với kênh phân phối thực phẩm hiện đại
Sự đánh giá của người tiêu dùng đối với các tiêu chí của một siêu thị có ý nghĩa quan trọng. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và các nhà phân phối, những đánh giá này là cơ sở để xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp với những thói quen của người tiêu dùng. Việc này đặc biệt quan trọng đối với các tập đoàn phân phối bán lẻ đa quốc gia.
Thực tế cho thấy, xu hướng bán lẻ theo kênh phân phối siêu thị có những ưu điểm nổi trội và là xu hướng tiêu dùng chủ yếu tại các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, xu hướng này đang dần khẳng định được ưu thế so với hình thức kinh doanh tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, nó cũng đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt bởi đến nay các chợ truyền thống vẫn thu hút đến hơn 80% các bà nội trợ đến mua hàng. Việc kết hợp những ưu điểm của mô hình phân phối hiện đại với những thói quen tiêu dùng của người Việt Nam phần nào quyết định thành công của mô hình kinh doanh này.
“Phân tích hiện trạng và triển vọng tiêu dùng thực phẩm 2008” của AGROINFO cho thấy tại bất cứ thị trường nào, giá cả và chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố hàng đầu quyết định sự lựa chọn của khách hàng, không chỉ đối với chính sản phẩm mà còn là sự lựa chọn đối với kênh phân phối. Nhà phân phối nào đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng đó sẽ thu hút được khách hàng. Điều này đặc biệt đúng với những thị trường mới nổi như Việt Nam, với sức mua lớn nhưng tài chính có hạn.
Có đến 97,4% người tiêu dùng được hỏi quan tâm đến vấn đề giá cả, 94% quan tâm đến chất lượng sản phẩm được bán tại siêu thị. Điều này hoàn toàn phù hợp với những mong muốn của người tiêu dùng về các loại thực phẩm có giá cả hợp lý và đảm bảo được về mặt chất lượng.
Gần nhà và thuận tiện về giao thông cũng là những tiêu chí quan trọng lần lượt được 88,9% và 79% người tiêu dùng quan tâm. Các tiêu chí quan trọng khác là thủ tục thanh toán nhanh gọn (88,2%), có bãi giữ xe rộng (74%) và hàng hóa được bài trí gọn gàng, ngăn nắp (58,4%)... Các tiêu chí ít được người tiêu dùng đánh giá cao là có nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà (31,9%), có dịch vụ vận chuyển hàng hóa (38,3%) và sự nhiệt tình, thân thiện của nhân viên bán hàng (37,4%).
Liệu có cạnh tranh được với các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài?
Mở cửa thị trường bán lẻ sẽ khiến ngành kinh doanh này đứng trước những thách thức to lớn bởi sự cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Metro Cash & Carry, Big C, Dairy Farm, Wal-Mart và Carrefour... Tuy vậy, các tập đoàn phân phối này cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi thâm nhập thị trường Việt Nam và họ sẽ còn mất nhiều thời gian để lấy được niềm tin của đại đa số người tiêu dùng. Mặt khác, những doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay như Co-op Mart, FiviMart, HaproMart, Marko... cũng đang có được những lợi thế nhất định.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM của AGROINFO cho thấy, các nhà bán lẻ trong nước đang đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của người tiêu dùng trong một số tiêu chí. Trường hợp của chuỗi siêu thị Co.opMart là một ví dụ điển hình.
Chuỗi siêu thị Co.opMart được người tiêu dùng đánh giá khá cao khi đáp ứng được phần lớn các tiêu chí mà họ kỳ vọng nhiều như giá cả cạnh tranh, thanh toán nhanh gọn, gần nhà và thuận tiện về giao thông so với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là Metro Cash & Carry và Big C. Điều này rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành kinh doanh bán lẻ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường sắp tới.
Nắm bắt được thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng, chuỗi siêu thị Co.opMart không cần một diện tích kinh doanh lớn như Metro hay Big C. Do vậy việc bố trí các siêu thị gần khu dân cư đông đúc là điều hoàn toàn có thể và đáp ứng rất tốt thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thích đi mua sắm gần nhà.
Có lần lượt 90,3% và 77,6% người tiêu dùng cho rằng Co.opMart là nơi mua sắm gần nhà và khá thuận tiện về giao thông. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi tại TPHCM, hệ thống siêu thị của Co.opMart phân bố rộng khắp tại các quận. Có thêm hai tiêu chí khác mà Co.opMart tỏ ra vượt trội so với Metro Cash & Carry và Big C, đó là nhân viên bán hàng nhiệt tình, thân thiện (41,8%) và thủ tục thanh toán nhanh gọn (50%). Do có được những nguồn hàng tốt nên chiến lược cạnh tranh giá của Co.opMart cũng rất hiệu quả. Theo đánh giá của người tiêu dùng, Co.opMart là kênh phân phối có giá cả cạnh tranh hơn so với Big C (60,4%).Theo TBKTSG