📞

Bản quyền từ góc nhìn Mỹ

18:18 | 15/04/2016
Các “nhà đài” Việt Nam đang lục đục trong quá trình đàm phán bản quyền truyền hình Premier League. Đây là thời điểm phù hợp để tham khảo cách làm truyền hình và việc đàm phán mua bản quyền của những quốc gia khác. Bài viết này sẽ trình bày góc nhìn từ ngành truyền hình thể thao Mỹ.

Tháng 8/2014, đài NBC của Mỹ đã thắng thầu gói độc quyền chiếu Premier League trong sáu mùa giải từ năm 2016 tới 2022. Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng, vì dân Mỹ ít xem bóng đá nên thị trường được “ưu ái” hơn mức giá 80 triệu USD/ba mùa giải mà bên đối tác đưa ra cho Việt Nam. Nhưng không!

Theo báo cáo của Richard Sandomir đăng trên tờ New York Times hồi 8/2014, NBC đã phải trả mức giá 83 triệu USD từ ba năm trước cho… mỗi mùa, tức là 250 triệu cho gói ba mùa giải 2013-2016. Khi giành gói sáu mùa giải tiếp theo (2016-2022) mới đây, NBC đã phải trả gấp đôi: 166 triệu USD/mùa.

Nhưng vì sao NBC lại chịu chi như vậy?

Theo báo cáo của Sandomir, NBC chịu trả một tỉ USD cho sáu mùa vì họ muốn cạnh tranh với các đối thủ khác. Premier League mời thầu ba đài của Mỹ là: NBC, Fox và beIN Sports.

NBC đã thẳng thắn thừa nhận Premier League là giá trị cốt yếu của kênh thể thao này. Họ nhận thấy những nguồn lợi tiềm ẩn trong gói bản quyền này là vô cùng lớn khi mà người Mỹ đang dần thích thú với bóng đá châu Âu đỉnh cao.

Một trong rất nhiều chương trình bình luận về các trận đấu ở Premier League mà NBC thực hiện.

Để đánh bật Fox và ESPN trong vòng đấu thầu, NBC không dùng mánh khoé gì ngoài việc tập trung nâng cao chính chất lượng của các chương trình mà mình sản xuất. NBC mua một lúc sáu mùa giải, tức là 2.280 trận trực tiếp cùng với cam kết sẽ sản xuất các chương trình bình luận trước, giữa và sau trận đấu cùng với một loạt các sản phẩm truyền hình liên quan khác.

Phía NBC nhận định về việc chi ra một tỉ USD để độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng như sau: “Chúng tôi đưa ra quyết định từ việc xem xét Premier League sẽ làm được gì cho danh mục các nguồn thu của chúng tôi như: quảng cáo, các thương vụ liên quan và doanh thu từ người xem qua mạng. Đây không phải là một thương vụ có lợi nhuận trực tiếp thuần tuý. Nhưng chúng tôi tin rằng, nó sẽ gia tăng lợi nhuận cho công việc kinh doanh khi xét toàn cục”.

So sánh giữa Việt Nam và Mỹ vào thời điểm này ở bất kỳ khía cạnh nào cũng là khập khiễng. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không rút ra được hai nhận định lớn.

Thứ nhất, NBC không bị chi phối bởi bất kỳ một cơ quan nhà nước nào khi họ làm kinh doanh. NBC không cảm thấy mình phải hợp tác với bất kỳ “đối thủ” nào như Fox hay ESPN để tiến hành đàm phán. Họ chỉ phục vụ một tập thể duy nhất, đó là khán giả của họ.

Một tỉ USD không phải là mức giá mà phía Premier League đề ra cho NBC mà do nhà đài này tự đánh giá, tự quan sát các đối thủ rồi ra giá để đảm bảo thắng thầu.

Premier League không phải là giải đấu duy nhất mà NBC nỗ lực để được độc quyền phát sóng. Họ còn có bản quyền của ba giải đua xe là Nascar, Công thức 1 (Formula One) và IndyCar, bên cạnh giải hockey toàn quốc.

Thứ hai, chúng ta không thấy người tiêu dùng phải nhượng bộ ở đây. Chúng ta không thấy người Mỹ tự nhủ với bản thân theo kiểu: “Thôi, NBC không mua được thì ta xem SopCast (phần mềm xem truyền hình qua Internet)”. Trong kinh tế, ý muốn của người tiêu dùng là “cầu”. Người tiêu dùng không nên hạ thấp tiêu chuẩn của cái “cầu” đó bởi không có “cầu”, thì chắc chắn sẽ không có “cung”.

Cách tiếp cận mà truyền hình Việt Nam đang áp dụng là đặt số tiền cần bỏ ra để mua bản quyền lên trước việc có thể đem lại sản phẩm đến với người tiêu dùng. Trong khi đó, truyền hình Mỹ lại chấp nhận chịu lỗ trước, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng rồi sáng tạo tìm cách tối ưu hoá lợi nhuận từ sản phẩm đó.

Nếu các nhà đài Việt Nam mua thành công bản quyền Premier League trong ba mùa giải tới, đó sẽ là một chiến thắng tuyệt vời của cả truyền hình lẫn người tiêu dùng. Nhưng nếu thua, người hâm mộ bóng đá sẽ có rất nhiều thời gian để suy nghĩ xem tại sao các nước khác mua được bản quyền trong lúc đợi SopCast “buffering” (tải link) các trận đấu.