Các đại biểu nghe chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc từ đầu cầu Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Hoạt động đối ngoại góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Đối ngoại góp phần thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước.
Các lĩnh vực công tác đối ngoại như ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn.
Đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… từ trung ương đến địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”".
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nêu những kết quả, thành tích nổi bật, những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra một số chủ trương, đường lối của công tác đối ngoại trong thời kỳ mới, hướng dẫn chỉ đạo một số vấn đề cần phải lưu ý để thực hiện chủ trương, đường lối công tác đối ngoại, ngoại giao tiếp tục có hiệu quả cao.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đã dẫn chiếu hình ảnh cây tre Việt Nam, mềm mại, nhưng rất kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm về “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc và trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”. Tổng Bí thư cũng khẳng định “Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, ai cũng mong muốn nước ta hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong quá trình đất nước mở cửa, phát triển và hội nhập quốc tế, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là công tác quan trọng trong quản lý Nhà nước về đối ngoại được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Ngày 26/3/2004 Bộ chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 36, với quan điểm Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao quà Tết tặng bà con cộng đồng tại Campuchia gặp khó khăn do dịch Covid-19, ngày 19/1/2022. |
Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 12 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Kết luận khẳng định, dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định, những nhiệm vụ, giải pháp mới bên trên là rất kịp thời và hết sức cần thiết. Trước đây, thông tin chính thống từ trong nước đến với kiều bào rất hạn chế, đa số chỉ được tiếp cận thông tin tiếng Việt thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình Việt ngữ mà hầu hết do các phần tử cực đoan, các đài và các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc sự thật, kích động, bịa đặt, bôi xấu, hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, hằng ngày họ bị tiếp nhận các thông tin xuyên tạc, méo mó, sai lạc về sự phát triển tiến bộ của Việt Nam, về thành công sự nghiệp đổi mới cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Sau khi Kết luận số 12 được ban hành, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận ra sự thật và hiểu đúng đắn về sự đổi mới, phát triển của đất nước, về cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc của người dân ở mỗi vùng quê Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển; về tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm họ thêm tin yêu quê hương, đất nước.
Thật đáng mừng khi thấy chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc làm cho bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ là một lĩnh vực trong công tác quản lý Nhà nước về đối ngoại nhưng đây cũng làm một mảng không thể thiếu trong trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cũng như những tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối và những thành tựu đạt được đáng tự hào trong công tác đối ngoại của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.
Cộng đồng người Việt ở Campuchia đã được hình thành từ lâu đời, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng, thống nhất đất nước, đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia và luôn hướng về quê hương, đất nước. Một bộ phận bà con đã ổn định cuộc sống, một số người cũng gặt hái thành công trong sản xuất, kinh doanh, nhưng nhìn chung đa số bà con còn gặp nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực.
Thực tế, cộng đồng người Việt ở Campuchia là một cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất trên thế giới nhưng cũng là cộng đồng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều nhất của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trên nhiều phương diện.
Như phân tích ở trên, thực hiện trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, người Việt Nam ở Campuchia nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm áp dụng sâu rộng và triệt để ở tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, lo lắng cho bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia trong việc giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý của bà con theo những quy định của luật pháp Campuchia, luật pháp và tập quán quốc tế. Có thể nói, đây là một yếu tố tiên quyết để nâng cao vị thế của bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia, góp phần làm cho bà con yên tâm làm ăn, sinh sống lâu dài ở Campuchia.
Trong các chuyến thăm chính thức Campuchia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Campuchia để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con; luôn khẳng định cộng đồng người Việt ở Campuchia là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, thuộc khối đại đoàn kết dân tộc; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ luôn dành sự quan tâm cao nhất đến cộng đồng người Việt ở Campuchia.
Chính điều này đã càng nâng cao niềm tin của bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam.
Hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh cuộc sống có thể đem người Việt Nam ra khỏi Tổ quốc nhưng không có gì có thể đem Tổ quốc ra khỏi trái tim của người Việt Nam, thấm nhuần và hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thông qua trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia tuy còn nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống, nhưng luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán và tiếng nói Việt Nam, luôn hướng về quê hương đất nước, đồng thời làm cầu nối giữ gìn quan hệ hữu nghị láng giềng giữa hai nước Việt Nam-Campuchia đời đời bền chặt.
| Triển vọng quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam qua chính sách ‘Ngoại giao cây tre’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Chính sách “Ngoại giao cây tre” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra có ý nghĩa to lớn trong tình hình quốc tế ... |
| Nhà ngoại giao Cuba: Ấn tượng với thành tựu ngoại giao mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam' Chia sẻ với báo chí, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González khẳng định, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho ... |
| Việt Nam và chính sách ‘ngoại giao cây tre’ Dẫn ra hình tượng cây tre với 'gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến việc ... |
| Học giả Anh: Với 'gốc vững vàng' và 'cành mềm dẻo', đối ngoại Việt Nam có bản sắc kiên định, mạnh mẽ nhưng cởi mở Học giả Anh Kyril Whittaker đánh giá cao trường phái ngoại giao cây tre của Việt Nam, thể hiện sự phát triển của một chính ... |
| Hình ảnh cây tre và chính sách đối ngoại Việt Nam Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gọi chiến lược ngoại giao của Việt Nam là “Ngoại giao cây tre”. ... |