TIN LIÊN QUAN | |
Hội thảo khoa học về ASEAN tại Thổ Nhĩ Kỳ | |
Chính sách hướng Nam mới: Nâng tầm quan hệ Hàn Quốc - ASEAN |
Sáng 19/3, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức "Hội thảo quốc tế Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm".
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự còn có Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng; Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ KAS tại Việt Nam Peter Girke; Cựu Ngoại trưởng Indonesia T.S Marty Natalegawa; cùng hơn 100 đại biểu gồm các vị nguyên lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao và ASEAN; các học giả quốc tế và Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại của ASEAN tại Hà Nội và đại diện các Bộ/ban/ngành Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu trong phiên khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu.
Trong gần 25 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp vào các công việc chung của ASEAN với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Không chỉ đề xuất và thực hiện các sáng kiến của ASEAN, Việt Nam còn hết sức coi trọng việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cơ quan và người dân, doanh nghiệp trong nước về Hiệp hội và nhất là về Cộng đồng ASEAN.
Ngay từ năm 2010, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra chủ đề của năm là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”. Và cho đến nay, những hành động thiết thực vẫn được tiếp tục, nhiều nguồn lực đối ngoại của Việt Nam vẫn được dành cho các nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Theo ông Vũ Tùng, hội thảo này được tổ chức nhằm mục tiêu “mở ra một diễn đàn trao đổi giữa giới nghiên cứu và giới hoạch định chính sách về các sáng kiến thúc đẩy bản sắc văn hóa và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Hoạt động này còn giúp nâng cao nhân thực của người dân Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội trong nước để thúc đẩy những nỗ lực mới về xây dựng cộng đồng ASEAN”.
Ban điều hành phiên khai mạc Hội thảo. |
“Chỉ còn chưa đầy một năm, Việt Nam sẽ bước vào nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN mới. Các hoạt động chuẩn bị cho hoạt động này đã được Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức những diễn đàn như hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, nhằm cung cấp những kinh nghiệm và sáng kiến để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch”, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh.
Trong phiên khai mạc, ông Peter Girke - Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ KAS tại Việt Nam nhận định, năm 2020 sẽ là năm rất bận rộn với Việt Nam, không chỉ vì Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam và ASEAN nói chung?
ông Peter Girke – Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ KAS tại Việt Nam phát biểu khai mạc. |
ASEAN đã tuyên bố nhiệm vụ nhấn mạnh vào xây dựng bản sắc và vai trò trung tâm của khối, điều đó hướng đến việc xây dựng một trụ cột nữa là trụ cột con người, nhấn mạnh vào nhân dân làm trung tâm. Ông Peter Girke cho rằng đây là bước đi rất khôn ngoan bởi chúng ta thường hay quên rằng, bản chất mục tiêu quan trọng nhất của chính trị và chính sách là phục vụ, đảm bảo cho sự phát triển của con người.
Ông Peter Girke nêu rõ, Việt Nam đã cho thấy vai trò rất xuất sắc trong việc xây dựng cộng đồng tại chính quốc gia này. Những kinh nghiệm của Việt Nam chắc chắn sẽ có lợi cho ASEAN khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch của khối. Việt Nam rõ ràng là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam đang rất cởi mở trong học hỏi kinh nghiệm trong quá khứ cũng như thực tiễn của khu vực trên thế giới.
Phát biểu chỉ đạo trong phiên khai mạc hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho biết, ASEAN đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển. Trong lịch sử quan hệ quốc tế nói chung và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong hơn 50 năm qua thường được viện dẫn để minh chứng cho sức sống dẻo dai của một mô hình hợp tác khu vực.
Từ xuất phát điểm là một Hiệp hội với 5 thành viên ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên và trở thành một Cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đang được các nước thành viên ASEAN tích cực thực hiện, đem lại những kết quả đáng ghi nhận và khích lệ, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực Đông Nam Á cũng như của từng nước thành viên.
Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh, từ một cơ cấu hợp tác có tính tiểu khu vực của Đông Nam Á, ASEAN đã trở thành “hạt nhân” đóng vai trò “trung tâm” trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc khu vực ở Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ được tất cả các nước lớn và các nước khác cũng như nhiều tổ chức khu vực và toàn cầu can dự và cam kết cao đối với hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Sự phát triển của Cộng đồng ASEAN dựa trên những thành tựu đã đạt được và vai trò quan trọng của ASEAN đối với từng nước thành viên, đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương qua thời gian đã tạo dựng nên bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN. Ngược lại, "bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN hiện đang trở thành hai yếu tố cốt lõi quyết định sức sống và triển vọng phát triển của ASEAN trong thời gian tới", Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Trong thời gian gần đây và những năm sắp tới, bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, bất trắc đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Để có thể khẳng định bản sắc ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trở thành hai nhiệm vụ thiết yếu đối với Cộng đồng, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo cho rằng, "cần có sự tham gia tích cực của tất cả các nước thành viên, và cần được thực hiện tốt ở cả cấp độ khu vực giữa các Chính phủ và cấp độ quốc gia giữa các Bộ, ngành, địa phương của từng nước thành viên".
"Đó cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho các nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN, làm sao để khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết trong một bản sắc chung và ngày càng tự cường với khả năng thích ứng cao trong một thế giới nhiều biến động" Trợ lý Bộ trưởng nêu rõ.
Trợ lý Bộ trưởng mong rằng, qua hội thảo, các chuyên gia, học giả ASEAN và Việt Nam sẽ chia sẻ và đóng góp sáng kiến để tập trung trả lời cho ba câu hỏi.
Thứ nhất bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức nào trong bối cảnh quốc tế hiện nay và 1-2 năm tới?
Thứ hai, các nước ASEAN cần làm gì để củng cố bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực?
Thứ ba, Việt Nam cần và có thể làm gì để đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 hướng tới các mục tiêu Cộng đồng đã đề ra.
ARF: Tăng cường hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật trên biển Trong các ngày 12-13/3 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 2 về tăng ... |
Tiểu ban Lễ tân ASEAN 2020 họp phiên đầu tiên Sáng 13/3, Tiểu ban Lễ tân thuộc Ủy ban Quốc gia về Chuẩn bị và Thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 (Uỷ ... |
Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vừa ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động ... |